Tạo dựng khuôn khổ hòa bình ở Thái Bình Dương

22/09/2012 03:50 GMT+7

Cựu Thủ tướng Úc Kevin Rudd đề xuất hình thành một khuôn khổ “Hòa bình Thái Bình Dương” nhằm giúp khu vực tránh xung đột bởi tranh chấp chủ quyền.

Đề xuất của ông Rudd được đưa ra tại Đối thoại Toàn cầu Singapore (SGD) do Trường nghiên cứu quốc tế Rajaratnam (RSIS) tổ chức trong 2 ngày 20-21.9 với sự tham dự của hơn 400 chuyên gia quốc phòng, học giả, nhà ngoại giao và doanh nhân từ nhiều nước. Từng lãnh đạo chính phủ lẫn giữ chức ngoại trưởng Úc, một đồng minh lâu đời của Mỹ, am tường về Trung Quốc và thông thạo tiếng Hoa, ông Rudd đã có bài phát biểu toàn diện và sâu sắc về tình hình an ninh, đồng thời phác thảo một khuôn khổ duy trì hòa bình ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương.

Quỹ đạo đáng quan ngại

Theo ông Rudd, châu Á từ lâu đã chứa đựng 3 điểm nóng an ninh đó là bán đảo Triều Tiên, eo biển Đài Loan và biên giới Ấn Độ - Pakistan. Tuy nhiên, gần đây “nhiều điểm bất ổn mới đang nổi lên xoay quanh các tuyên bố chủ quyền mâu thuẫn nhau của các quốc gia trong vùng đối với các quần đảo và vùng nước bao quanh ở biển Đông, biển Hoa Đông và biển Nhật Bản”.

Tại các điểm bất ổn này, người ta thấy sự hiện diện phần lớn của Trung Quốc. Giáo sư Brahma Chellaney của Trung tâm nghiên cứu chính sách ở Ấn Độ chỉ ra rằng Trung Quốc có tranh chấp trên biển và đất liền với 9 quốc gia. Còn Hiệu trưởng RSIS Barry Desker nhận định sự lớn mạnh của Trung Quốc hiện nay đã tạo ra “nhiều yếu tố khó lường” cho khu vực.

Chính vì những tranh chấp “diễn biến ngày càng khó lường hơn” mà khu vực châu Á - Thái Bình Dương trở nên nóng bỏng với sự gia tăng tập trung hải quân, không quân, cộng với mối nguy dân tộc chủ nghĩa âm ỉ ở nhiều nước, ông Rudd nhận định. Ông cũng chỉ ra rằng, có rất nhiều cơ chế đồng thuận giữa ASEAN và Trung Quốc để giải quyết một cách hòa bình tranh chấp ở biển Đông, như Tuyên bố các bên về quy tắc ứng xử ở biển Đông (DOC), hướng dẫn thực thi DOC, và bộ Quy tắc ứng xử biển Đông (COC) mà Trung Quốc cho biết sẽ tham gia xây dựng. Tuy vậy, “phía Trung Quốc vẫn có nhiều lời lẽ lập lờ”, mà ASEAN cần phải đồng thuận cao để ứng phó, ông nói.

Trong khi đó, tranh chấp quanh quần đảo Điếu Ngư/Senkaku giữa Trung Quốc và Nhật Bản còn thiếu cơ chế ngoại giao để giải quyết. Hành động biểu tình rầm rộ chống Nhật tại Trung Quốc trong những ngày qua phản ánh tình trạng xấu nhất trong quan hệ hai nước suốt 40 năm qua, ông Rudd đánh giá. “Là người quan sát chặt chẽ khu vực này hơn 35 năm qua, tôi bắt đầu thấy quan ngại với quỹ đạo mà chúng ta đang dấn theo”, ông nói.

“Pax Pacifica”

Ông Rudd, cũng như toàn thể cử tọa tham dự SGD, cho rằng quan hệ Mỹ - Trung hiện nay là nền tảng cho hòa bình, an ninh và thịnh vượng không chỉ cho khu vực mà cả thế giới. Trong khi “chính sách ngoại giao của Trung Quốc ngày càng trở nên cứng rắn kể từ khủng hoảng tài chính châu Á cách đây 15 năm”, còn Mỹ cũng vừa tuyên bố sẽ tiếp tục là siêu cường ở Thái Bình Dương, nguy cơ chia rẽ, câu kết liên minh giữa các nước trong khu vực là rất cao, theo ông Rudd.

Để tránh hiểm họa này, “tôi đã phác thảo một khuôn khổ gọi là Hòa bình Thái Bình Dương (Pax Pacifica)”, ông nói. Ông mô tả Pax Pacifica không giống Pax Americana vốn là lập trường hòa bình của Mỹ sau Thế chiến 2, mà là “tập hợp những thói quen, tập quán và quy tắc hợp tác an ninh, chiến lược mà chúng ta sẽ xây dựng từ gốc”. Pax Pacifica không bác bỏ một thực tế chiến lược là Trung Quốc đang nổi lên bên cạnh Mỹ cam kết dấn sâu vào khu vực, mà chấp nhận thực tế đó”, ông Rudd giải thích.

Cựu Thủ tướng cũng đưa ra một số nguyên tắc căn bản của Pax Pacifica. Theo đó, Mỹ và Trung Quốc thừa nhận vai trò của nhau, thừa nhận vai trò và tiếng nói bình đẳng của các thành viên khác trong khu vực; các thành viên cùng hợp tác phát triển và đồng thuận với những thông lệ ứng xử theo luật pháp; không sử dụng vũ lực để giải quyết tranh chấp mà dựa trên Hiệp ước Hữu nghị và Hợp tác, Quy tắc ứng xử ASEAN… và lấy Hội nghị Thượng đỉnh Đông Á (EAS), Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN mở rộng (ADMM +8) làm khuôn khổ hợp tác an ninh cho toàn khu vực. Ông cũng bày tỏ nguyện vọng trình dự thảo Pax Pacifica tại EAS 2013.

Thục Minh
(VP Singapore)

>> Hương Thảo nhận giải Nữ hoàng châu Á - Thái Bình Dương
>> Hội nghị vô tuyến châu Á - Thái Bình Dương
>> Gia tăng hợp tác và liên kết kinh tế khu vực châu Á - Thái Bình Dương
>> Tương lai của Nga phụ thuộc khu vực châu Á - Thái Bình Dương
>> Mỹ sẽ hiện diện "lâu dài" ở nam Thái Bình Dương
>> Tướng Úc trở thành Phó tư lệnh Lục quân Mỹ tại Thái Bình Dương
>> Tàu vũ trụ Nga "yên nghỉ" ở Thái Bình Dương

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.