(TNO) Một nghiên cứu tại Anh vừa phát hiện ra rằng việc bơm protein bị thiếu vào tinh trùng sẽ giúp tăng khả năng thụ thai và cải thiện đáng kể cơ hội có con, theo tin tức từ tờ Daily Mail (Anh).
Một nhóm các nhà nghiên cứu thuộc Trường Đại học Cardiff (Anh) ban đầu phát hiện tinh trùng chuyển một loại protein đặc biệt vào trứng trong quá trình thụ tinh.
Họ đặt tên protein này là PLC-zeta (PLCz).
Loại protein này khởi động một quá trình, được gọi là “kích hoạt trứng”, vốn bao gồm tất cả các bước cần thiết cho việc phát triển một phôi thai.
Sau đó, nhóm nghiên cứu nhận thấy rằng những trứng không thể thụ tinh là do tinh trùng của người đàn ông thiếu protein PLCz.
Vấn đề này có thể được khắc phục bằng cách bổ sung thêm PLCz.
“Một số đàn ông bị hiếm muộn vì tinh trùng của họ không thể kích hoạt trứng. Do đó, ngay cả khi tinh trùng của họ gặp trứng thì vẫn không có gì xảy ra”, giáo sư Tony Lai, trưởng nhóm nghiên cứu, cho biết.
“Chúng tôi đã dùng protein lấy trực tiếp từ tinh trùng của người và đã đạt được kết quả rất khả quan. Chúng tôi có khả năng lưu trữ loại protein này ở trạng thái tốt”, ông Lai cho hay.
"Nếu PLCz không ở trạng thái tốt hoặc không có trong tinh trùng, thì quá trình “kích hoạt trứng” sẽ thất bại", giáo sư Lai cung cấp thêm thông tin.
“Khi bơm PLCz vào trong một nang trứng chưa được thụ tinh, nó phản ứng y hệt như trong quá trình thụ tinh. Điều này giúp tăng khả năng hình thành phôi thai”, Daily Mail dẫn lời giáo sư Lai phát biểu.
Hiện tại đây chỉ mới là một phát hiện trong phòng thí nghiệm và phương pháp bơm PLCz vẫn chưa thể được triển khai tại khoa sản của bệnh viện nhưng “phương pháp này rất hứa hẹn”, ông Lai nhận định.
“Trong tương lai, chúng ta có thể sản xuất protein PLCz và dùng nó để kích hoạt trứng theo cách hoàn toàn tự nhiên. Đối với các cặp vợ chồng phải trông chờ vào phương pháp thụ tinh nhân tạo vốn có tỷ lệ thành công thấp, phương pháp này làm tăng đáng kể khả năng có con”, giáo sư Lai nói.
Hoàng Uy
>> Mỹ phẩm tạo da nâu có thể gây vô sinh
>> Vô sinh nam
>> Những quan niệm sai lầm về vô sinh ở nam giới
>> Gần 86% đàn ông khám hiếm muộn có tinh dịch đồ bất thường
Bình luận (0)