Mexico kỳ thú - Kỳ 5: Không chỉ là bóng tối

25/09/2012 03:00 GMT+7

Chuyến xe buýt đêm từ Palenque đến Merida bị đánh thức vào lúc 1 giờ 30 sáng bởi một tốp quân đội vũ trang đầy mình. Anh lính trẻ súng ống, áo giáp tận răng rất nhã nhặn xin phép được lục soát tất cả hành khách và hành lý vì lý do đảm bảo an ninh. Một lúc sau, chuyến xe lại tiếp tục lên đường chỉ có điều thiếu hai vị khách. Họ bị tạm giữ bởi một lý do đơn giản: có súng...

Gặp cướp

Không phải ngẫu nhiên khi thế giới công nhận: “Thủ đô Mexico là thành phố có tỷ lệ tội phạm cao nhất thế giới”.

Còn nhớ những ngày đầu đến thủ đô Mexico, tôi ở trọ tại khu Hidalgo (một trong những khu phức tạp nhất ở thủ đô). Sát phòng trọ tôi ở là Daniel, người bạn Columbia. Do có thời gian ở cùng thành phố Houston (Mỹ) nên chúng tôi nhanh chóng kết thân.

Một buổi tối tôi đi chơi về, còn cách nhà trọ chỉ chừng trăm mét thì phát hiện một thanh niên đi theo đuôi. Hơi chột dạ, tôi bước nhanh hơn. Phía đối diện, một gã khác cũng ập tới. Tôi dợm chân định vọt sang bên kia đường nhưng không kịp. Hai gọng kềm đã gần như siết chặt. Một ánh dao sắc được rút ra khỏi túi cùng với giọng nói rít qua kẽ răng: “Dame dinero (đưa tiền đây cho tao)”. Trong đầu thoáng nhớ lại chuyện kể của bà chủ nhà trọ mấy hôm trước. Một vận động viên môn võ taekwondo của Mexico giành được huy chương tại Olympic. Trên đường đi xe buýt về nhà, anh bị một tên cướp gí súng trấn lột. Không muốn phiền phức, anh ngoan ngoãn đưa hết tiền bạc, chỉ xin lại cái huy chương làm kỷ niệm. Tên cướp lắc đầu. Giận quá, anh đá tên cướp té nhào ra cửa xe, định chạy thoát thân nhưng không kịp. Tên đồng bọn đứng sau đã “kịp thời” nhả một viên đạn ngay ót của anh.

Vốn đề phòng trước nên tiền tôi cất nhiều chỗ. Do đó, nếu đưa hết tiền trong túi cũng không sao. Chỉ tiếc dàn máy ảnh mấy ngàn đô cùng với đống hình tư liệu. Còn đang chậm chạp tìm kế hoãn binh thì bên kia đường bỗng nghe một tiếng kêu lớn: “Ê, Tập!”. Daniel từ bên kia đường chạy xộc tới, tay rút nhanh khẩu súng cất trong bụng. Hai tên trấn lột thấy tôi có “viện binh”, lại cầm súng, nên bỏ chạy. Daniel nhếch mép: “Mày may đấy, gặp bọn trấn lột cóc ké, chỉ xài dao. Đụng bọn thứ dữ là mệt rồi”. Như để trả lời thắc mắc của tôi về khẩu súng, Daniel mới nói thiệt: “Hồi trước ở Columbia, tao từng vào tù vì buôn bán ma túy. Bắn nhau hoài”.

Một Mexico khác

Sau một tuần ở trọ tại thủ đô Mexico, thấy tôi có cái nhìn hơi “đen tối” về tình hình an ninh, cướp giật đầy rẫy, bà chủ nhà trọ khẳng định: “Đất nước Mexico không tệ như cháu nghĩ đâu. Hãy về quê bà chơi, cháu sẽ thấy có một Mexico khác hẳn”. Cũng muốn tìm hiểu thêm về người Mexico, tôi đồng ý nhận lời mời.

 Dệt thổ cẩm là nghề khá phổ biến của phụ nữ Maya ngày nay
Dệt thổ cẩm là nghề khá phổ biến của phụ nữ Maya ngày nay
- Ảnh: Nguyễn Tập

Cùng đi với tôi có Alberto (con bà chủ nhà trọ). Tối qua thức khuya, sáng nay theo hẹn phải đi sớm nên mắt nhắm mắt mở xỏ lộn vớ. Chỉ vậy thôi mà Alberto reo ầm lên: “Tốt, tốt, chuyến đi này, anh sẽ gặp nhiều điều hên đấy!”. Thì ra, theo niềm tin của nhiều người Mexico, nếu vô tình (không được cố ý) xỏ lộn vớ, thì đấy là điềm rất may mắn. Hồi còn ở Mỹ, tôi thường nghe Việt kiều kháo nhau: “Không ăn đậu không phải là Mễ (Mexico), không đi trễ không là người Việt Nam”. Nhưng tới Mễ rồi mới thấy dân Mễ còn đi trễ gấp mấy lần. Suốt thời gian ở đây, tôi đã nhiều lần “mỏi mòn chờ đợi” những người bạn Mexico. Lần này cũng vậy, hẹn nhau xuất phát lúc 6 giờ sáng vậy mà Alberto lừng khừng cho tới gần 9 giờ mới có thể rời khỏi nhà.

Quê bà chủ nhà trọ là một ngôi làng nhỏ vô danh gần thành phố San Cristobal, bang Chiapas (một tiểu bang miền Nam Mexico, vốn là “đất” của người Maya, nơi hãy còn lưu giữ rất nhiều tập tục từ ngàn xưa để lại). Người Maya ngày nay không còn tục “nẹp” hai miếng ván vào đầu từ nhỏ để đầu và trán “dẹt” ra, nhưng họ hãy còn những nét đặc trưng của tổ tiên đó là trán dẹt và mũi hơi khoằm.

Dù chẳng có tí quen biết, nhưng người trong làng tiếp tôi rất niềm nở, tận tình giải thích những thắc mắc của tôi (chỉ có điều hầu hết đều không đồng ý chụp hình vì sợ tôi “bắt linh hồn đi mất”). Món ăn phổ biến của người Maya đều chế biến từ bắp (ngô): cháo, bánh, rượu... Có lẽ do tò mò, “tham ăn” thử hết những món ăn địa phương của họ nên tôi như bị trúng thực. Bụng đau quặn, nhức đầu, buồn nôn... Thuốc tây tôi có mang theo nhưng chủ quan để lại thủ đô vì nghĩ rằng đợt “về quê” này chỉ vài ngày nên không cần. Một bà già người Maya biết vậy liền rắc chút bột đựng trong trái bầu nhỏ (đeo bên người) rồi kêu tôi uống. Alberto trấn an: “Uống đi, không sao đâu. Thuốc cổ truyền của người Maya đấy”. Tôi nghe lời, bỏ vào miệng ngậm và nuốt từ từ. Thuốc có vị cay cay. Và quả thật hiệu nghiệm, sáng hôm sau, tôi gần như khỏe hẳn. Sau này tôi có dịp hỏi chuyện một tiến sĩ nghiên cứu về người Maya, ông cho biết loại thuốc đó tên là Pilico, làm từ thuốc lá dại, đá vôi và tỏi tán nhuyễn, trộn với nhau. Người Maya thường đem theo bên mình để bảo vệ trước những cơn gió độc, đau bụng, buồn nôn, hoặc những chuyện không hay xảy ra khi đi xa. 

Không chỉ riêng tôi, những người Việt Nam tại Mexico cũng từng gặp chuyện tương tự. Vũ Anh Quang (hiện là nhân viên Công ty viễn thông Viettel) khi còn ở Mexico từng bị trấn lột đến ba lần. Nhật Quang - cựu SV ngành quan hệ quốc tế - dẫn bạn đi chơi khu Tepito, chứng kiến giang hồ rượt đuổi nhau, bắn súng y như phim. Hai cựu du học sinh ngành tiếng Tây Ban Nha, Nguyễn Thị Trang và Trần Thị Thùy Linh cũng bị chặn đường trấn lột. Nguyễn Lê Minh - cựu SV tại Mexico - đứng đợi tàu điện ngầm. Khi tàu sắp chạy, bọn cướp giật túi xách rồi đạp anh té thẳng vào trong. Tàu chạy, bọn cướp đứng nhìn theo và... chọc quê.

Nguyễn Tập

>> Mexico kỳ thú (Kỳ 4): Chichen Itza - không chỉ là kỳ quan
>> Mexico kỳ thú - Kỳ 3: Làng bịt mặt
>> Mexico kỳ thú - Kỳ 2: Chiến binh Zapatista
>> Mexico kỳ thú - Bí ẩn đảo búp bê

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.