Cuộc đua bản quyền truyền hình Ngoại hạng Anh

30/09/2012 03:00 GMT+7

Ngày 2.10, tại Anh, Ban Tổ chức, Ban Truyền thông Barclay - đơn vị sở hữu bản quyền giải Ngoại hạng Anh - chính thức mở thầu bản quyền truyền hình 3 mùa giải liên tiếp 2013 - 2016 trên toàn thế giới.

Được biết, Ban Tổ chức (BTC) giải Ngoại hạng Anh (EPL) dự định thu về số tiền bản quyền truyền hình (BQTH) 900 triệu USD tại các quốc gia châu u và 700 triệu USD tại các châu còn lại, bao gồm châu Á và khu vực Đông Nam Á. Mùa giải 2010 - 2013, Anh đã bán cho 210 quốc gia và kỳ vọng sẽ tiếp tục đạt được con số này hoặc hơn.

Mua tận gốc không nhờ “lái buôn”

Tại Việt Nam, đất nước có số lượng người hâm mộ dành sự quan tâm đặc biệt cho giải Ngoại hạng Anh vào bậc nhất thế giới, BTC đã gửi thư mời thầu đến các đơn vị truyền hình và trực tiếp bán cho đơn vị có nhu cầu, chứ chưa thông qua bất kỳ đại lý nào khác. Đây là điểm khác biệt so với 3 mùa trước, BQTH được Công ty MP&Silva (MPS - có "hộ khẩu" tại Ý và đang "tạm trú" ở VN) mua rồi bán lại cho VTV và một số đài khác.

 Để phục vụ nhu cầu xem truyền hình trực tiếp các giải Ngoại hạng Anh của người hâm mộ, nhà đài cũng rất đau đầu
Để phục vụ nhu cầu xem truyền hình trực tiếp các giải Ngoại hạng Anh của người hâm mộ,
nhà đài cũng rất đau đầu - Ảnh: AFP

Như vậy, ở đợt mời thầu này, MPS cũng chỉ là một đơn vị tham gia thầu, chứ đến thời điểm hiện tại, họ chưa được sở hữu BQTH. MPS và các đài tại VN sẽ là đối thủ của nhau trong cuộc chiến khá khốc liệt này. Xét về tiềm lực kinh tế, “lái buôn” MPS đang nắm ưu thế và họ cũng là một trong những "mối ruột" của BTC Anh.

Tuy nhiên, đối trọng của MPS là Đài truyền hình VN với 3 đơn vị truyền hình trả tiền có số lượng thuê bao lớn nhất nước, lên tới hơn 2 triệu thuê bao, bao gồm: SCTV (1 triệu thuê bao), VCTV (700.000 thuê bao), và VSTV (K+, với gần 400.000 thuê bao, đơn vị duy nhất độc quyền gói Super Sunday giải Ngoại hạng Anh 3 mùa giải 2010 - 2013). 3 đơn vị này sẽ "hợp đồng tác chiến" để đấu lại MPS. Một quan chức của VTV ví von, sự liên kết này giống như câu chuyện về sức mạnh của bó đũa. Nếu để từng đơn vị đi đàm phán rất dễ bị ép giá vì một chiếc đũa bao giờ cũng dễ bẻ hơn cả bó đũa. Tuy nhiên, cho đến 17 giờ 28.9, SCTV chưa chính thức ký vào bản thỏa thuận hợp tác giữa ba bên theo như kế hoạch.

Trao đổi với PV Thanh Niên, ông Lưu Vũ Hải, Cục trưởng Cục Quản lý phát thanh truyền hình và thông tin điện tử Bộ Thông tin và Truyền thông, cho rằng các đơn vị truyền hình trả tiền nên cộng tác với nhau để cùng mua EPL thì sẽ đỡ tốn kém hơn cho chính họ và tránh được việc bị nước ngoài lợi dụng.

Đấu tay đôi

Nhưng tại sao lại chỉ đề cập chính đến 2 đối thủ là VTV và MPS, các đài khác ở VN thì thế nào? Nếu ở những năm trước, VTC luôn được đánh giá là "đại gia" khi luôn tiên phong trong những vụ sở hữu độc quyền các giải lớn của thế giới như EPL, của khu vực như AFF Cup, thì nay họ dần yếu thế và không đủ hầu bao để đứng trong cuộc cạnh tranh này. HTV Hà Nội và TP.HCM có thể sẽ chỉ đủ tiền mua các gói vào ngày thứ bảy.

Được biết, AVG cũng từng "để mắt" tới BQTH EPL, nhưng với lượng thuê bao chiếm thị phần nhỏ, chỉ khoảng 50.000 - 70.000, AVG đã tự nguyện làm người ngoài cuộc và không tung tiền để phục vụ đối tượng khán giả của mình. Một nguồn tin cho hay, Viettel cũng muốn nhảy vào lĩnh vực truyền hình và với khả năng kinh tế cực kỳ dồi dào, đơn vị này sẵn sàng làm nản lòng bất kỳ đối thủ nào muốn mua EPL. Nhưng phải nói là khá may cho VTV, cho đến thời điểm hiện tại, Viettel vẫn chưa được Bộ Thông tin và Truyền thông cấp giấy phép hoạt động truyền hình. Coi như VTV tạm loại được một đối thủ.

Được biết, VTV cũng đã lên một vài phương án để có được EPL. Và một trong những phương án đó, rất có thể, là VTV sẽ giao quyền cho Canal (Pháp) - đối tác chiến lược trong việc góp vốn để xây dựng nên thương hiệu K+, trực tiếp tham gia đấu thầu và đàm phán BQTH với BTC Anh.

Nghĩa là VTV sẽ mua BQTH EPL tại thị trường châu u, chứ không phải tại thị trường Đông Nam Á. Mà tại châu u và thậm chí của cả thế giới, Canal thuộc hàng có "số má" về truyền hình trả tiền và tiếng nói rất có trọng lượng với BTC giải Ngoại hạng Anh. Tất nhiên, ngoài việc "nể mặt tình thân", BTC Anh không thể bỏ qua lợi nhuận. Nếu VTV (thông qua Canal) trả số tiền khiến người sở hữu gốc BQTH EPL cảm thấy mát mặt thì... OK, tôi sẽ bán cho anh! 

Sẽ không mua với giá “khủng”

Dư luận đang lo ngại, VN sẽ rơi vào tình trạng "chảy máu" ngoại tệ nếu bị ép giá, phải mua với con số khủng lên tới 35 triệu USD gói BQTH trong 3 năm. Tuy nhiên, theo thông tin PV Thanh Niên nắm được từ một lãnh đạo VTV, phía VN sẽ chỉ trả ở mức không cao hơn 16 - 19 triệu USD, giá tiền mà MPS đã từng bán cho thị trường VN mùa 2010 - 2013. Hy vọng, BTC Anh thấu hiểu một điều, dù thích EPL thật đấy, nhưng với tình hình suy thoái kinh tế như hiện nay, VN cũng không thể "nghiến răng" phá giá! Một lãnh đạo khác của VTV cũng chung quan điểm này và cho biết thêm dù mua với giá nào thì việc thu lại từ quảng cáo trên 2 kênh SCTV và VCTV (K+ không có quảng cáo) cũng không thể đủ bù chi!

Lan Phương

>> Bóng đá và bản quyền truyền hình
>> Giữ bản quyền truyền hình AFF Cup, sao không nghĩ đến người dân?
>> Bản quyền truyền hình - "Cuộc chơi" vẫn còn phía trước

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.