Hàng trăm hộ dân ngập do mưa lũ

30/09/2012 05:26 GMT+7

Ngày 29.9, UBND TX.Thuận An (Bình Dương) cho biết hàng trăm hộ dân ở xã Hưng Thịnh, xã Bình Nhâm và P.An Thạnh cùng hàng ngàn héc ta cây trồng trên địa bàn bị ngập nước trong 2 ngày qua, trong đó có 40 hộ bị ngập nặng.

Theo ghi nhận PV Thanh Niên, cũng tại khu vực này hàng trăm héc ta hoa màu, vườn cây trái của người dân bị ngập nước. Ông Võ Văn Tâm (số nhà 48/3, KP.Thạnh Lộc, P.An Thạnh) cho biết: "Bắt đầu từ tối 28.9, nước lũ từ đầu nguồn suối Cát băng qua QL13 đổ về khiến người dân không kịp trở tay. Nước ngập sâu trên 1,5 m, đến sáng hôm sau mặc dù nước đã rút nhưng vẫn còn ngập gần 1 m". Trước đó, sáng 28.9 trên địa bàn Bình Dương có trận mưa lớn kéo dài gần 8 giờ. Do hệ thống thoát nước đường Nguyễn Thị Minh Khai (P.Phú Hòa. TP.Thủ Dầu Một) mới vừa thi công xong nhưng không đảm bảo nên nước bị chắn bởi con đường này, rồi băng qua QL13 đổ toàn bộ về khu vực Suối Cát (TX.Thuận An).

Nhiều hộ dân phường An Thạnh bị ngập sâu trong nước vào trưa 29.9
Nhiều hộ dân phường An Thạnh bị ngập sâu trong nước vào trưa 29.9 - Ảnh: Đỗ Trường 

Tại KP.Thạnh Lộc (P.An Thạnh), hàng trăm mét bờ bao quanh khu vực Suối Cát bị sạt lở nghiêm trọng. UBND phường An Thạnh (TX.Thuận An) phải huy động một lực lượng lớn dân quân giúp dân sơ tán đồ đạc, dùng bao cát để đắp vá những đoạn đê bao bị sạt lở. Nhiều hộ nước tràn vào bất ngờ khiến bàn ghế, giường, tủ, máy giặt... bị nhấn chìm; gia cầm, gia súc không chạy kịp cũng thiệt hại nặng. Ông Đặng Văn Ba, Phó chủ tịch UBND TX.Thuận An cho biết do nước còn ngập sâu nên chưa thể thống kê được thiệt hại: "Trước mắt UBND thị xã sẽ huy động lực lượng giúp dân di chuyển đến nơi cao ráo, ổn định sinh hoạt hằng ngày, sau đó sẽ có biện pháp khắc phục hiệu quả", ông Ba nói.

Nam bộ đối phó nước mặn, triều cường

Theo ông Nguyễn Minh Giám, Phó giám đốc Đài khí tượng thủy văn Nam bộ, điều lo lắng nhất với khu vực Nam bộ là mặn sẽ vào sớm và sâu hơn bình thường trong mùa khô năm 2012 - 2013. Do vậy, ngay từ bây giờ, các địa phương vùng ĐBSCL cần có kế hoạch đối phó với tình hình thiếu nước ngọt cho sản xuất nông nghiệp, như nạo vét kênh rạch để dẫn nước vào đồng ruộng, vì mùa mưa sắp kết thúc, đồng thời có biện pháp trữ nước ngọt tại các tỉnh ven biển chịu ảnh hưởng của xâm nhập mặn như như Tiền Giang, Bến Tre, Trà Vinh, Sóc Trăng...

Ngoài ra, theo quy luật, trong những tháng cuối năm từ tháng 9 - 12 là thời kỳ triều cường mạnh nhất ở Nam bộ. Dự báo đỉnh triều cường cao nhất năm tại Cần Thơ và Mỹ Thuận sẽ xuất hiện vào giữa tháng 10, tại Cần Thơ trên sông Hậu có khả năng ở mức 1,9 m (ở mức BĐ 3); tại Mỹ Thuận trên sông Tiền có khả năng ở mức 1,8 m (ở mức BĐ 3); tại trạm Phú An trên sông Sài Gòn (TP.HCM) sẽ xuất hiện vào giữa tháng 12 và có khả năng ở mức 1,55 m (trên BĐ 3: 0,05 m).

Học sinh phải nghỉ học

Tại Phú Yên, sáng 29.9, triều cường đã uy hiếp gần 182 hộ dân sống dọc bờ biển xóm Rế, khu phố 6, P.Phú Đông, TP.Tuy Hòa. Mưa lớn cũng đã làm cầu tràn Đông Bình, xã Hòa An (H.Phú Hòa) ngập sâu hơn 0,5 m khiến việc đi lại của người dân trong vùng rất khó khăn. Nhiều tuyến đường ở H.Đồng Xuân bị ngập sâu, giao thông bị chia cắt nên học sinh Trường cấp 2, 3 Xuân Phước phải nghỉ học.  

Đức Huy - Hoàng Trọng

Đỗ Trường - Quang Duẩn - Mai Vọng

>> Hà Nội tiếp tục ngập lụt
>> Vùng cao Quảng Nam bị ngập lụt, tắc đường, mất điện
>> Ngập lụt kéo dài ở huyện miền núi Nông Sơn
>> Quảng Trị: Ngập lụt trên diện rộng
>> Ngập lụt sâu còn kéo dài tại ĐBSCL
>> ĐBSCL có thể ngập lụt trên diện rộng
>> Đề phòng lũ quét, ngập lụt tại Bắc Trung Bộ
>> Mưa lớn gây ngập lụt Phú Quốc
>> Sống trong ngập lụt giữa phố

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.