Trước đây có một số phim về chiến tranh, nội dung ổn nhưng không khỏi làm người xem tiếc nuối khi nhìn lại những trận đánh trên phim. Dù vẫn thể hiện được tính chất cuộc chiến, toát lên được tinh thần chiến đấu kiên gan của quân dân ta, nhưng vì bị “chi phối bởi kinh phí” (lý do mà nhà làm phim giải thích) nên người xem chỉ nhìn thấy những cuộc giao tranh với tâm lý… tượng trưng.
|
Thế nhưng hiện nay, khi các đài đã có chủ trương hỗ trợ dòng phim này, từ kinh phí đến những chính sách ưu tiên về quảng cáo (không cam kết quảng cáo), thậm chí có phim được Bộ VH-TT-DL đầu tư hơn 20 tỉ đồng, nhưng chất lượng cũng chẳng khá lên. Đáng buồn hơn, sau khi phim phát sóng, trên các diễn đàn về phim lịch sử hoặc lịch sử nói chung, rất ít những nhận xét thể hiện sự quan tâm, góp ý… như trước. Liên tục những Đường Hồ Chí Minh trên biển, Chiến hạm nổ tung hay Huyền thoại 1C đang phát sóng cũng có vẻ như rơi vào thinh lặng!
Được cho là phim đầu tư cao nhất của HTV từ trước đến nay, với 400 triệu đồng/tập, phim Đường Hồ Chí Minh trên biển được thực hiện nhân kỷ niệm 50 năm đường Hồ Chí Minh trên biển, nên đã nhận được sự hỗ trợ nhiệt tình từ các đơn vị liên quan. Ý nghĩa là vậy, song tìm một lời khen dành cho phim quả không dễ! Dẫu người xem vẫn hình dung được những khó khăn đối với đoàn phim khi xem lại các cảnh quay khó thực hiện, và dù khán giả cố gắng theo dõi để ủng hộ phim lịch sử, nhưng đúng là khó nhẫn nại để đi cùng 40 tập phim. Trong khi đó, nếu chịu khó kỹ lưỡng và chăm chút thêm, thì những nhược điểm: chọn diễn viên không hợp (nhất là 2 người mẫu vào vai chính và quan trọng), lồng tiếng không khớp, phục trang và bối cảnh quá tinh tươm… đã không phơi bày trên màn ảnh nhỏ.
Hiện tại, phim Huyền thoại 1C đang phát sóng trên HTV là một trong số ít phim được Bộ VH-TT-DL đầu tư cao (mỗi tập trên dưới 1 tỉ đồng, gấp đôi mức đầu tư các phim lịch sử khác). Phim còn gây chú ý khi được nhà sản xuất (Công ty Tây Nam Phim) cho biết mất 4 năm chuẩn bị kịch bản, với gần 10 nhà văn, biên kịch góp công tạo nên, trải qua 6 lần thẩm định mới đến được trường quay. Để tái hiện toàn cảnh chiến tranh trên con đường 1C, đoàn phim đã sử dụng gần 500 khẩu súng các loại, gần 26.000 viên đạn mã tử cho các loại vũ khí, 1.500 ký thuốc nổ, 2.800 kíp nổ, rồi trực thăng, thiết giáp, tàu chiến… Và dĩ nhiên, không thể không kể đến lớp diễn viên trẻ đã không ngại hiểm nguy, đồng cam cộng khổ cùng ê kíp làm phim hàng tháng trời dưới sông nước đầm lầy miền Tây Nam bộ.
Trên phim, khán giả vẫn cảm nhận được những thước phim đầy gian nan ấy, và cũng rất đã mắt trong những trận đánh với bom đạn, khói lửa... hoành tráng. Nhưng, chỉ “được” chừng đó thôi thì đúng là tiếc quá. Với sự chuẩn bị kỳ công lẫn đầu tư hợp lý như thế, khán giả tất nhiên sẽ kỳ vọng ở Huyền thoại 1C những câu chuyện vừa hấp dẫn vừa cảm động. Nhưng những gì thể hiện trên màn ảnh đã không như mong đợi, ngoài những cảnh quay được trau chuốt! Đáng nói, những lỗi mắc phải ở phim này lại không khác gì những khiếm khuyết của các phim lịch sử trước.
Trong buổi ra mắt phim, nếu đại diện Ban Liên lạc Khu đoàn Thanh niên Tây Nam bộ kết luận ngắn gọn “nói chung là đạt”, thì đạo diễn - NSND Nguyễn Thanh Vân lại cặn kẽ: “Phim tái hiện toàn cảnh đời sống cuộc chiến, trong đó có những mảnh đời được khắc họa, chứ không phải là câu chuyện. Nó không hẳn là phim truyện, cũng không hẳn là phim tài liệu, mà là tài liệu truyện. Nên xem với tâm thế đó thì xúc cảm sẽ đến chân thật hơn là xem một câu chuyện phim truyền hình thông thường”.
Điều này xem ra hơi khó cho khán giả, bởi xem phim truyền hình, họ chỉ quan tâm nội dung dở - hay, diễn viên đóng tốt hay không, ở đây còn là không khí lịch sử được tái hiện chân thật tới đâu, chứ làm sao mong họ... phân tâm với 2 thể loại khi theo dõi một bộ phim?! Vậy xem ra, tiền nhiều cộng với ê kíp tên tuổi chưa chắc làm nên chuyện, mà vấn đề có lẽ nằm ở trách nhiệm của người làm phim!
Nguyên Vân
>> Phim chiến tranh Việt chưa hấp dẫn
>> Phim chiến tranh phải thế!
>> Nga sẽ dựng lại bộ phim "Chiến tranh và hòa bình
>> Phim chiến tranh lên ngôi
>> 500USD để tham dự lễ ra mắt phim Chiến tranh giữa những vì sao phần 3
Bình luận (0)