23.000 tù nhân viết tự truyện: 4.000 đêm chờ thi hành án tử

09/10/2012 04:00 GMT+7

Với tự truyện Lời sám hối của một tử tù sau 4.000 đêm chờ thi hành án tử, phạm nhân Đặng Văn Thế đã đoạt giải nhất cuộc thi Sự hối hận và niềm tin hướng thiện do Tổng cục Thi hành án hình sự và hỗ trợ tư pháp, Bộ Công an tổ chức.

>> 23.000 tù nhân viết tự truyện

Nhà văn Đặng Vương Hưng, người từng tiếp xúc với cựu tử tù đặc biệt này cho biết, với tội danh tàng trữ và buôn bán chất ma túy (20 kg thuốc phiện), Đặng Văn Thế, sinh năm 1975 đã bị TAND tỉnh Nghệ An tuyên phạt tử hình năm 1998. Trong thời gian chờ thi hành án, Thế đã viết đơn tố giác tội phạm, khai báo thành khẩn những sự việc trước kia còn giấu, do liên quan đến một số vụ án và các đối tượng tội phạm khác, phải xác minh nên Thế đã được hoãn thi hành án tử hình và thời gian chờ đợi kéo dài ra. Đặng Văn Thế đã tham dự cuộc thi bằng cách tự viết lại cái cảm giác khủng khiếp của những đêm dài mất ngủ đón đợi ngày phải chết của mình, với những suy nghĩ rất chân thật và chính bản năng sinh tồn và khát vọng hoàn lương đã giúp anh ta tồn tại được đến ngày hôm nay.

Trong tự truyện, Thế viết: “Khác với phòng dành cho thường án, phòng dành cho tử tù có diện tích rất nhỏ, chỉ khoảng 2 m2, trong đó gồm chỗ nằm, “xa lộ”, bồn vệ sinh, bể nước sinh hoạt. Tài sản duy nhất và có giá trị nhất là “chiếc cùm sắt” dùng để cùm chân tử tù. Tôi vẫn nhớ hàng xóm của tôi lúc đó có 5 người, tất cả đều phạm tội gieo rắc cái chết trắng. Căn nhà mà chúng tôi ở được gọi là “chung cư hộp diêm”, những hàng xóm của tôi sau khi hết “hạn tạm trú” đã phải ra pháp trường đền tội cho pháp luật. Tôi viết 2 lá đơn bỏ sẵn vào trong gối, một là lá đơn tố giác tội phạm, hai là lá đơn xin tự nguyện hiến xác cho khoa học. Ý định của tôi là viết sẵn đơn, nếu bị Chủ tịch nước bác đơn thì lúc ra làm thủ tục, tôi xin gửi cho cơ quan điều tra để lập công chuộc tội, nếu không được chấp thuận thì tôi sẽ nộp lá đơn hiến xác cho Hội đồng thi hành án, để mong làm được một việc gì đó có ích trước lúc đền tội”.


Nhà văn Đặng Vương Hưng (phải) và phạm nhân Đặng Văn Thế ở trại giam số 6 - Ảnh: nhà văn Đặng Vương Hưng cung cấp

Chờ cái chết vắt qua hai thế kỷ

Trong thời gian chờ thi hành án tử hình, có nhiều cú sốc đến với Thế. Đầu tiên là việc người vợ trẻ vào trại thăm với lá đơn ly hôn. “Sau vài phút choáng váng tôi đã trấn tĩnh lại để ký vào “bản án tử hình” mà cô ấy dành cho tôi”. Thời gian sau, trong một buổi chiều cuối xuân, được cho ra sân tập thể dục, Thế tình cờ phát hiện ông anh cả của mình đang đứng trong một nhà giam khác, rồi Thế lại được tin một người anh khác vừa mất ở quê.

Nhà văn Đặng Vương Hưng nhận xét, tự truyện Lời sám hối của một tử tù của Đặng Văn Thế lại được đánh giá cao bởi tính trung thực, bởi tình huống nhân vật được đẩy đến tận cùng cảm xúc sống - chết, sự nghiêm minh và nhân đạo của pháp luật. Theo thông lệ, việc thi hành án các tử tù thường diễn ra nửa đêm về sáng, trước lúc có ban mai. Do vậy, các tử tù thường thức suốt đêm để chờ xem có phải bị dẫn giải ra trường bắn không, nếu qua một đêm không thấy động tĩnh gì, họ mới biết mình sẽ được sống thêm một ngày nữa để chờ đợi đến đêm hôm sau.

Tử tù Thế viết như sau: “Cho đến cuối năm 2003 và năm 2004, tôi bắt đầu cảm thấy lo lắng cho bản án của mình. Tôi đã không còn dám ngủ vào ban đêm nữa, ngoại trừ thứ bảy và chủ nhật là tôi ngủ vào ban đêm, còn lại các ngày khác trong tuần thì tuyệt nhiên không dám ngủ. Giấc ngủ chỉ đến với tôi khi tiếng gà gáy sáng của mấy nhà dân gần trại cất lên. Chuyện không dám ngủ vào ban đêm chẳng phải riêng gì tôi mà đối với tất cả tử tù. Khi đã hết hạn “tạm trú” rồi thì tuyệt nhiên không một tử tù nào dám ngủ vào ban đêm nữa. Không biết có phải thức để xua đuổi thần chết hay không? Nhưng đêm nào cũng thức thâu đêm. Việc thức đêm với thời gian dài đã làm cho đôi tai của tôi thính hơn thì phải? Giữa đêm khuya thanh vắng bất cứ một âm thanh gì tôi cũng nghe được. m thanh tôi sợ nhất là tiếng gót giày của cán bộ. Đêm nào có tiếng 2 đôi giày trở lên tiến vào phòng là tôi cảm thấy vô cùng hoảng sợ.

Tôi còn nhớ vào một đêm mưa, tôi đang nằm nghe tiếng rả rích của những chú côn trùng thì bỗng có ba bốn tiếng gót giày tiến đến phòng tôi. Đang nằm, tôi đã bật dậy như một chiếc lò xo và nín thở lắng nghe tình hình. Bỗng có tiếng chìa khóa kêu leng keng và cánh cửa sắt phía ngoài phòng giam tôi bật mở. Lúc đó tôi thoáng nghĩ “thời khắc” của tôi đã điểm, tôi chưa kịp nói câu gì thì cán bộ Sang ngó đầu vào hỏi, trời mưa có ngủ được không Thế? Buồng giam có bị dột không? Nếu dột thì lấy áo mưa của cán bộ trải lên màn cho đỡ ướt, tranh thủ ngủ đi một lúc, trời sắp sáng rồi. Với tay cầm tấm ni lông từ tay cán bộ Sang nói lời cảm ơn, bỗng đôi mắt thâm quầng của tôi trào dâng hai hàng nước mắt. Tôi khóc không phải vì tôi chưa phải đền tội, mà khóc vì quá xúc động, bởi tình cảm và sự quan tâm mà cán bộ đã dành cho tôi. Đêm hôm đó, có lẽ là lần đầu tiên tôi khóc nhiều nhất từ ngày tôi bị tuyên án tử hình”.

Nhà văn Đặng Vương Hưng cũng cho biết, chuỗi ngày biệt giam của tử tù Thế kéo dài đã mấy ngàn đêm, dài đến nỗi cán bộ trại giam phải thường xuyên vào trò chuyện, động viên và cho phép Thế nuôi một đàn chim và cả một đàn mèo để anh ta khuây khỏa không nghĩ đến chuyện tự sát. Sau hơn 4.000 đêm chờ thi hành án tử hình, Đặng Văn Thế đã may mắn được Chủ tịch nước tha tội chết. Thế tâm sự: “Một tử tù đã phải thấp thỏm chờ chết “vắt qua hai thế kỷ” hay nói chính xác là bốn nghìn ba trăm hai mươi ngày đi tìm sự sống. Một tử tù đã làm cho giới báo chí tốn rất nhiều giấy mực. Một tử tù đã trải qua 3 đời giám thị và 10 cán bộ quản giáo. Nhưng nhờ có sự khoan hồng của pháp luật và tấm lòng độ lượng của Chủ tịch nước, nên sau đúng 11 năm kể từ ngày bị tuyên án tử hình, tôi đã được khai sinh ra lần thứ hai”. (Còn tiếp)

Nguyễn Việt Chiến

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.