Lấn cả Vườn Quốc gia Cát Tiên
Theo báo cáo, thủy điện Đồng Nai 6 có công suất 180 MW, thuộc quy hoạch bậc thang thủy điện Đồng Nai của Thủ tướng Chính phủ.
Sau đó, Công ty ĐLGL đã thay đổi dự án thành hai bậc thang là Đồng Nai (ĐN) 6 và 6A với tổng công suất 241 MW, có tổng sản lượng điện trên 929 triệu KWh/năm. Tổng diện tích chiếm đất của hai thủy điện là 372,23 ha.
Trong đó, 136,98 ha thuộc Vườn quốc gia (VQG) Cát Tiên và 143,75 ha thuộc rừng phòng hộ Nam Cát Tiên. Hai thủy điện ĐN 6 và 6A có vị trí nằm ở trung lưu dòng chính sông Đồng Nai.
Trong đó ĐN 6 có vị trí đập, lòng hồ, bờ hồ phải và nhà máy thủy điện nằm ở H.Đăk RLấp (Đắk Nông), trong phạm vi rừng phòng hộ Nam Cát Tiên. Còn đập, lòng hồ bờ trái thuộc H.Cát Tiên (Lâm Đồng), thuộc VQG Cát Tiên.
Đối với ĐN 6A, có vị trí đập, lòng hồ bờ phải và nhà máy thủy điện thuộc H.Bù Đăng (Bình Phước), trong phạm vi rừng phòng hộ Đồng Nai; đập, lòng hồ bờ trái tại H.Cát Tiên, thuộc VQG Cát Tiên.
Quá trình thực hiện dự án, đã có bảy bộ, ngành và UBND các tỉnh Bình Phước, Lâm Đồng, Đắk Nông phê duyệt và cho phép chuyển đổi các phần diện tích chiếm đất tương ứng từ đất lâm nghiệp sang xây dựng thủy điện.
Lo ngại động đất, vỡ đập
Tại cuộc họp, ông Trương Văn Vở, Phó trưởng đoàn ĐBQH Đồng Nai đề nghị Công ty ĐLGL làm rõ báo cáo đánh giá tác động môi trường ảnh hưởng thế nào đến diện tích rừng bị mất, và tính đa dạng sinh học của VQG Cát Tiên bị ảnh hưởng thế nào.
“Vừa qua động đất tại đập thủy điện Sông Tranh 2 đã gây hoang mang cho người dân, không biết chủ đầu tư làm thủy điện có tính đến yếu tố động đất hay không?”, ông Vở đặt câu hỏi.
Còn ĐBQH Dương Trung Quốc lo ngại “hiện nay chúng ta đang đối mặt với tình trạng nước biển dâng, mưa nhiều, nếu xảy ra vỡ đập liên tiếp thì nguy cơ cho người dân hạ lưu thuộc Đồng Nai và TP.HCM rất cao”.
Về phần mình, ông Bùi Pháp - Chủ tịch HĐQT Công ty ĐLGL - cho biết, tỷ lệ mất rừng đối với thủy điện ĐN 6 và 6A là từ 1,4 - 1,6 ha/MW, nên khi so với tỷ lệ của các thủy điện khác là có thể chấp nhận được. Còn sinh cảnh ven hai lòng hồ của hai dự án đã bị suy thoái nặng nề, tre nứa chiếm hơn 90% sinh cảnh khu vực.
Còn ông Nguyễn Văn Sỹ - đại diện Công ty CP XD điện 4 - cho biết, hai dự án thủy điện này sử dụng hệ thống đập bê tông loại thấp và trung bình, nên khác với thủy điện Sông Tranh 2. Trong đó, đập ĐN 6 chỉ cao 40 m, có dung tích khoảng 15 triệu m3; ĐN 6A cao 60 m, có dung tích khoảng 17 triệu m3. Dung tích này rất nhỏ so với hệ thống thủy điện bậc thang trên sông Đồng Nai, và được thiết kế theo đúng quy phạm xây dựng.
"Mặt khác, chúng tôi đã tính toán đến khả năng động đất tối đa lên đến cấp 7, và có hệ số trượt, gia tốc cao nhất, đồng thời tính toán để đảm bảo an toàn, tránh sự cố vỡ cùng lúc hai đập", ông Sỹ nói.
Kết thúc cuộc họp, ĐBQH Dương Trung Quốc cho biết, vẫn còn nhiều vấn đề liên quan đến hai dự án này, tuy nhiên Đoàn ĐBQH tỉnh sẽ tiếp tục tổng hợp, ghi nhận để phản ánh tại diễn đàn Quốc hội trong thời gian tới.
Kim Cương
>> 1.988 tỉ đồng xây dựng Nhà máy thủy điện Đồng Nai 2
>> Thủy điện Đồng Nai 3 chính thức phát điện
>> Chạy lũ theo… thủy điện!
>> 5 rung chấn xung quanh thủy điện Sông Tranh 2
>> Tháng 12, dự kiến khánh thành công trình thủy điện Sơn La
>> Tư vấn thiết kế nhận thiếu sót vụ thủy điện Sông Tranh 2
>> Thủy điện Sông Tranh 2 “vẫn an toàn”
>> Công khai phương án sơ tán dân nếu vỡ đập thủy điện
>> Động đất khu vực thủy điện Sông Tranh 2: Người dân nói "có", máy móc nói "không
Bình luận (0)