Học qua giờ chào cờ đầu tuần

13/10/2012 03:05 GMT+7

Những buổi lễ chào cờ vào ngày đầu tuần quen thuộc ở bậc phổ thông nay dần trở nên phổ biến ở bậc ĐH, CĐ giúp sinh viên tự hào hơn về quê hương, đất nước.

Như một động lực phấn đấu

Buổi sáng thứ hai ngày 17.9 vừa qua đã trở thành một ngày đặc biệt đối với sinh viên (SV) và cán bộ, giảng viên Trường ĐH Kinh tế TP.HCM khi kế hoạch thực hiện lễ chào cờ đầu tuần chính thức được thực hiện sau một thời gian dài ấp ủ.

Theo anh Phan Ngọc Anh - Bí thư Đoàn trường, thông điệp mà nhà trường gửi tới SV là “Khi nhìn lá cờ Tổ quốc, các em hãy nhớ đến quê hương đất nước đầu tiên và luôn nghĩ về nó như một động lực lớn lao để phấn đấu. Hãy luôn tự hào và biết ơn sự hy sinh của thế hệ cha ông, từ đó tự học tập rèn luyện để sống có ý nghĩa hơn”. Được biết, mỗi buổi chào cờ thu hút khoảng 200-300 SV tự nguyện tham gia. Vì sân trường khá chật nên các bạn đứng cả ở hành lang, bãi giữ xe… cúi đầu nghiêm trang khi tiếng nhạc quốc ca vang lên…

 Học qua giờ chào cờ đầu tuần
SV Trường ĐH Kinh tế TP.HCM trong lễ chào cờ đầu tuần - Ảnh: N.A

Thời gian qua một số trường như ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM, ĐH Khoa học tự nhiên TP.HCM, Học viện Hành chính,  ĐH Tôn Đức Thắng, CĐ nghề Nguyễn Trường Tộ… cũng đã hình thành và duy trì nét đẹp văn hóa này. Tại Trường ĐH Tôn Đức Thắng, vào lúc 6 giờ 30 trước tiết học đầu tiên mỗi sáng thứ hai hằng tuần, SV và cán bộ, giảng viên trong trường đã thực hiện lễ chào cờ ngay trước tượng đài Chủ tịch Tôn Đức Thắng được đặt trước sân chính của trường.

Phút lắng đọng thiêng liêng

Hải Thuận, SV Trường ĐH Kinh tế TP.HCM, bày tỏ: “Thực sự mỗi lần đứng nghiêm trang trước lá cờ Tổ quốc, cùng bạn bè hát vang lên bài quốc ca hào hùng, tha thiết, lòng mình vô cùng xúc động. Mình tin là hầu hết bạn trẻ đều có cảm xúc giống mình”. Thuận chia sẻ, chào cờ không phải là một nghi lễ mang tính hình thức như nhiều người nghĩ, nó thực sự là một hoạt động giúp giới trẻ có những giây phút lắng đọng để cảm nhận sự thiêng liêng của hình ảnh lá cờ Tổ quốc, nhắc nhở về sự hy sinh của bao thế hệ cha ông. Trong khi đó, Ngân Hà, SV Khoa Toán - Tin Trường ĐH Khoa học tự nhiên TP.HCM, cho biết: “Có không ít SV đang đi ngang sân trường, thấy đội hình đang nghiêm chỉnh hát quốc ca thì các bạn cũng dừng lại, hòa vào không khí trang nghiêm ấy”.

Không phải cứ yêu nước thì chào cờ và hát quốc ca, và cũng không phải hát quốc ca, chào cờ là cách duy nhất thể hiện lòng yêu nước. Tuy nhiên hình ảnh hàng trăm SV mỗi sáng đầu tuần tất bật trong bộ đồng phục, đi học thật sớm để kịp lễ chào cờ là một nét đẹp văn hóa hết sức thiêng liêng đang được duy trì giữa cuộc sống hiện đại, gấp gáp, xô bồ này.

Mỹ Quyên

>> Chào cờ ở Lăng Bác
>> Gật đầu chào có phải là... thích không?
>> Chào cờ ở Trường Sa

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.