Nhìn xa nhưng cũng tính gần
Giáo dục có quán tính nên việc nhìn và định hướng phát triển giáo dục từ xa là vô cùng quan trọng. Vấn đề là xa đến mức nào để không “lút tầm mắt” và gần thế nào để bước tới mà không “rơi vào hố dưới chân”.
|
Một trường học khi được mở ra đều tính đến yếu tố người học. Một dân số đông, sẽ ảnh hưởng nhiều đến giáo dục, trước hết là thông qua số lượng người học, sau đó là nhà trường với đội ngũ giáo viên (GV) và cơ sở vật chất phục vụ việc dạy và học. Nghiên cứu về nhân khẩu học Việt Nam cho thấy số lượng người trong độ tuổi đi học (từ 6 tuổi đến 18 tuổi) ở nước ta trong những năm tới có xu hướng giảm (từ gần 19 triệu năm 2011 xuống còn 18 triệu năm 2015) nhưng sau đó lại tăng lên hơn 19 triệu vào năm 2024.
Hiện nhiều địa phương đã không tuyển GV tiểu học. Nguyên nhân của tình trạng trên là số lượng người trong độ tuổi đến trường ở bậc tiểu học những năm qua đã giảm sút. Tuy nhiên, theo số liệu “Dự báo dân số Việt Nam 2009 - 2049” của Tổng cục Thống kê, phương án trung bình, dân số Việt Nam sẽ tăng từ 85.847.000 người lên 99.446.000 người năm 2024. Đó là chưa kể nếu tính đến việc bậc tiểu học ở các địa phương sẽ học 2 buổi/ngày thì trong tương lai số lượng GV bậc học này sẽ rất thiếu.
Số trường lớp phải tăng 1/3
Quan sát số liệu về GV và học sinh phổ thông các cấp cho thấy, trong 3 năm gần đây, số người đi học ở nước ta chỉ mới chiếm 3/4 dân số trong độ tuổi đi học. Rõ ràng là nếu 100% người trong độ tuổi đi học đều đến trường, chỉ tính riêng bậc phổ thông, lượng trường lớp cũng phải tăng lên 1/3 trong thời gian tới. Ngay cả khi chúng ta chuyển số lượng người trong độ tuổi đi học ở bậc phổ thông sang các trường nghề thì số lượng trường lớp các trường nghề cũng sẽ tăng lên.
Từ đây có thể dự báo số lượng GV trong giai đoạn tới. Chỉ cần duy trì tỷ lệ đi học trong độ tuổi phổ thông như hiện nay và nếu dự định sĩ số khoảng 30 học sinh/ lớp thì tổng số lớp học trong vòng 15 năm tới sẽ cao hơn hiện nay không ít hơn 25%. Điều này thực sự quan trọng khi hoạch định chính sách phát triển giáo dục. Nếu chúng ta muốn bắt kịp nền giáo dục các nước tiên tiến thì bắt buộc phải giảm sĩ số học sinh trong một lớp.
Số lượng GV phổ thông sẽ tăng thêm bao nhiêu cho từng cấp học phụ thuộc nhiều vào cấu trúc hệ thống các năm học bậc phổ thông. Nếu hệ thống giáo dục phổ thông rút xuống còn 9 hoặc 10 năm thì sẽ không lo về trường lớp và đội ngũ GV. Trong trường hợp chúng ta vẫn duy trì hệ thống giáo dục phổ thông 12 năm thì cần phải tính đến số lượng tăng thêm về GV và cơ sở vật chất.
Ngoài ra, việc tăng số GV viên còn để đảm bảo giảm giờ lao động cho lực lượng này. Theo đề tài nghiên cứu khoa học cấp nhà nước của Quỹ hòa bình và phát triển Việt Nam về công tác đào tạo, bồi dưỡng giáo viên phổ thông, hiện nay, GV có tới 10 đầu việc ở trường và thời gian lao động lên tới 40 - 60 giờ/ tuần, vượt xa quy định là 40 giờ/ tuần. Đặc biệt, GV các môn ít tiết thậm chí phải dạy tới 17 - 19 lớp trong một tuần nên số học sinh và bài kiểm tra rất lớn, làm cường độ lao động của GV bị tăng lên đáng kể.
Vì những điều này, phải đặt ra bài toán hệ thống với giáo dục phổ thông khi tiến hành đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục trong những năm tới.
Nguyễn Kim Hồng
(Trường ĐH Sư phạm TP.HCM)
>> Đào tạo giáo viên tiếng Anh chuẩn quốc tế
>> Không nên tiếp tục đào tạo giáo viên hệ trung cấp
>> Đào tạo giáo viên tiểu học hiện đại: Hướng tới người học!
>> Đào tạo giáo viên theo hệ thống mở
>> Sẽ biên soạn modun đào tạo giáo viên trình độ sau đại học
>> Mời họp mặt cựu sinh viên Khoa Đào tạo Giáo viên chính trị
Bình luận (0)