Tại buổi họp báo, Chủ tịch UBND xã Bình Châu Nguyễn Quốc Vương và các nhà báo nêu lên những hoài nghi của người dân địa phương đối với Công ty TNHH Đoàn Ánh Dương, liệu có thực sự “trong sáng” trong khi thực hiện việc khảo sát, thăm dò con tàu cổ đắm? Vấn đề thứ hai, con tàu cổ đắm là do ngư dân địa phương phát hiện, vậy sau khi nhà nước khai quật thu được cổ vật, ngư dân và cộng đồng dân cư thôn Châu Thuận Biển có được chính sách khen thưởng, hỗ trợ?...
|
|
Đại diện Công ty Đoàn Ánh Dương khẳng định đơn vị đã thực hiện đúng nhiệm vụ của mình là thăm dò, khảo sát con tàu cổ đắm. Trong thời gian thăm dò, khảo sát đều có sự giám sát chặt chẽ của cơ quan chức năng từ khâu đầu đến khâu cuối.
Ông Nguyễn Đăng Vũ, Giám đốc Sở VH-TT-DL Quảng Ngãi, cho biết do chưa khai quật nên chưa biết rõ giá trị cổ vật nằm bên trong con tàu cổ đắm là bao nhiêu, chỉ khi nào khai quật xong bán đấu giá mới biết được. Vì thế, chưa thể đưa mức hỗ trợ cho người dân phát hiện cổ vật là bao nhiêu.
Theo ông Lê Quang Thích, Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi, vấn đề đặt ra lúc này là làm sao tổ chức khai quật cổ vật một cách an toàn, nhanh, hiệu quả và đảm bảo an ninh trật tự. Do vậy, ngoài việc tiếp tục vận động, tuyên truyền người dân ở địa phương cùng chung tay bảo vệ cổ vật, Sở VH-TT-DL Quảng Ngãi khẩn trương lập phương án khai quật khẩn cấp trình Bộ VH-TT-DL thẩm định và UBND tỉnh phê duyệt. Ông Thích lưu ý, phương án khai quật khẩn cấp phải làm đúng quy trình, biện pháp, trang thiết bị, nhân lực, trong đó việc sử dụng tàu, thợ lặn ở địa phương cũng phải được đưa ra bàn bạc kỹ với chính quyền sở tại, tránh tình trạng thắc mắc, khiếu nại của người dân; đồng thời xây dựng cả chính sách khen thưởng, hỗ trợ những người có công phát hiện cổ vật dưới biển.
Hiển Cừ
>> 17 tổ chức, cá nhân đăng ký đấu thầu khai quật cổ vật
>> Khẩn cấp khai quật cổ vật dưới biển
Bình luận (0)