23.000 tù nhân viết tự truyện: Ngã rẽ của người trí thức tài năng

18/10/2012 04:05 GMT+7

Trong cuộc thi viết tự truyện, có một phạm nhân trí thức khá tài năng trong lĩnh vực kinh doanh và công nghệ thông tin bị án 24 năm tù về tội đưa người trốn ra nước ngoài.

Nhận xét về phạm nhân Trần Hồng Chương, quê Hà Tĩnh, đã ở tù được 11 năm (án 24 năm) tại Trại giam số 3, nhà văn Đặng Vương Hưng cho biết: “Anh ta là một tài năng, rất thông minh và có đầu óc tổ chức, giá như Hồng Chương đem hết năng lực trí thức và tài năng của mình ra phục vụ đất nước trong lĩnh vực kinh tế và truyền thông thì con đường sự nghiệp và tương lai của anh ta khá xán lạn. Nhưng có lẽ cũng vì ham muốn làm giàu quá nhanh, Chương đã sa chân vào một đường dây ngầm đưa người trốn ra nước ngoài và kết cục lâm vòng lao lý với bản án nghiêm trọng”.

 Một phạm nhân tại Trại giam số 6 (Nghệ An) tham gia cuộc thi
Một phạm nhân tại Trại giam số 6 (Nghệ An) tham gia cuộc thi
- Ảnh: do nhà văn Đặng Vương Hưng cung cấp

Mở đầu tự truyện Mơ ngày trở về, phạm nhân Chương đã kể lại thuở hàn vi nghèo khó khi mới tốt nghiệp đại học và lang thang đi kiếm việc làm ở Sài Gòn. Thời gian ấy, Chương dành hết thời gian rảnh rỗi đạp xe đến các nhà sách trong vai người đi mua sách, nhưng thực tế đến đây để đọc và học vì không đủ tiền mua các loại sách chuyên ngành có giá lên tới 200.000 đồng/cuốn. Được bạn bè giới thiệu, Chương tới một công ty xin phỏng vấn tìm việc làm. Người của công ty đặt câu hỏi: “Anh cho biết vì sao anh xin vào đây để làm việc?”. Chương trả lời: “Thứ nhất, tôi học xong không có việc làm, gia đình nghèo nên cần có việc để kiếm thêm tiền phụ giúp gia đình. Thứ hai là vì: công nghệ thông tin (CNTT), vốn là niềm đam mê và đang thịnh hành, đó là yếu tố quyết định sự thành bại của doanh nghiệp”. Câu hỏi tiếp: “Anh có thể làm việc bao nhiêu tiếng một ngày?”. Chương đáp: “Ngoài giờ ăn, nghỉ, ngủ, thời gian còn lại tôi có thể làm việc với điều kiện được trả lương xứng đáng”. Câu hỏi cuối: “Theo anh, thích trả lương theo hình thức tính công hay tính sản phẩm?”. Chương trả lời: “Tất nhiên, tôi thích được trả lương theo giá trị sản phẩm”. Sau cuộc phỏng vấn chớp nhoáng này, Chương lọt vào vòng hai 7 ngày sau đó để thi về kiến thức kinh doanh. Ở vòng này các đối thủ chỉ còn lại 300 người, thi viết theo câu hỏi bốc thăm ngẫu nhiên, cứ 20 người/lượt thi 20 phút. Câu hỏi mà Chương bốc thăm được: “Từ chiếc gạt tàn thuốc lá, bạn hãy liên hệ với sự phát triển của nền kinh tế thế giới”. Chương đã viết cặm cụi đúng 20 phút một bài. Hôm sau đến xem kết quả, anh nằm trong số 14 người được chọn vào vòng cuối cùng.

Sau cuộc phỏng vấn vòng cuối 3 ngày, Chương chính thức được nhận vào Trung tâm thông tin thương mại chi nhánh TP.HCM trực thuộc Bộ Thương mại. Anh được phân công vào Phòng kinh doanh phát triển thị trường với công việc thu thập thông tin, xây dựng dự án (DA) phát triển kinh tế trong ngành CNTT. Làm việc đến tháng thứ 3, Chương triển khai DA xây dựng Văn phòng điện tử kết nối mạng nội bộ cho UBND tỉnh Đồng Tháp, sau mấy tháng tổ chức thực hiện, Chương thu hồi vốn và có khoản lãi trong mơ cho mình: 120 triệu đồng. Anh đầu tư số tiến này vào việc mua nhà cũ về tân trang rồi bán lại.

Cuộc gặp định mệnh với tay trùm

Qua 3 năm thực hiện thành công một số DA về CNTT, hội chợ, báo chí, cùng việc mua bán nhà cũ đều đều, Chương đã mua được chiếc ô tô Toyota Camry, một xe Dream II, một laptop và 600 triệu đồng. Tháng 7.1999, Chương lập DA Tiềm năng và cơ hội đầu tư khu vực miền Trung, được sự nhất trí của giám đốc trung tâm, anh ra Hà Nội liên kết với một nhà xuất bản, một công ty điện toán để tổ chức thực hiện. Rồi Chương về Hà Tĩnh mà trước đó ra đi với lời thề “Lúc nào giàu có mới về quê hương”. Cả nhà Chương và làng xóm chúc mừng sự thành công của anh. Sau đó, Chương đi 7 tỉnh miền Trung khảo sát và quyết định đặt văn phòng tại Hà Tĩnh với 12 người được đào tạo điện toán, nâng cấp phần cứng và kỹ thuật viên phần mềm. Anh đầu tư thiết bị văn phòng bằng tiền riêng: 40 máy vi tính, 1 máy fax, 1 máy scanner, 1 máy photocopy và 1 máy chủ trị giá 200 triệu đồng. Sau 2 tháng triển khai, Chương đã thu thập được một ngân hàng dữ liệu về “Tiềm năng cơ hội đầu tư khu vực miền Trung”, nổi bật là mỏ sắt Thạch Khê, cảng Vũng Áng, bãi biển Thiên Cầm, cửa khẩu Cầu Treo và giới thiệu các đặc sản của Hà Tĩnh. Chương trình DA này đã gây được tiếng vang ở tỉnh.

Thời điểm ấy, Chương lấy vợ làm ở Sở KH-CN Hà Tĩnh và chuẩn bị đón đứa con đầu lòng thì nhận được yêu cầu của trung tâm buộc phải nộp đủ 400 triệu đồng để đảm bảo độ an toàn cho DA. Anh phải vào nam ra bắc kiếm thêm nguồn tiền để thực hiện giấc mộng đổi đời. Và trong lần nghỉ lại một khách sạn ở Hà Nội, định mệnh của đời Chương đã “đóng” khi anh gặp một người đàn ông tên T., cầm đầu một đường dây đưa người trái phép xuyên quốc gia. T. cho biết có thể đưa người sang Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan, Đông u, Mỹ, Nga và nói với Chương cứ giới thiệu được 1 người đi thì anh được hưởng 200 USD.

Thấy có thể làm ăn được, về Hà Tĩnh, Chương thực hiện phi vụ đầu tiên, đưa 2 người ra Hà Nội gặp T. để đưa sang Hàn Quốc với giá 5.000 USD/người và thỏa thuận với T. nếu trót lọt anh sẽ nhận 400 USD/người. Anh đưa trước cho T. 4.000 USD. Chỉ 3 ngày sau, T. đã điện cho Chương thông báo rằng 1 tiếng nữa cho gia đình 2 người nghe điện thoại của người thân đã sang Hàn Quốc gọi về. Sau khi cả hai gia đình nhận được điện thoại của người thân ở Hàn Quốc, họ đã giao nốt 6.000 USD cho Chương. Anh giữ lại 800 USD và chuyển khoản 5.200 USD cho T. Sau phi vụ trót lọt này, cứ một tuần, Chương lại môi giới đưa ra Hà Nội từ 2-5 người có nhu cầu ra nước ngoài, giao cho T. Gần như chỉ sau 3 ngày, chậm nhất là 5 ngày là họ đã sang được nước ngoài theo yêu cầu. Trong gần 2 tháng, số tiền hoa hồng Chương thu được của 30 người xuất ngoại trái phép là 12.000 USD. Toàn bộ số tiền này anh đầu tư cho văn phòng và tạo dựng các mối quan hệ. Chương cho biết, uy tín về việc đưa người đi Hàn Quốc ngày một cao, người từ Quảng Bình, Hà Tây, Phú Thọ… cũng về gửi gắm. Từ đây, Chương dấn sâu vào đường dây đưa người trốn ra nước ngoài.

Nguyễn Việt Chiến
(giới thiệu)

>> 23.000 tù nhân viết tự truyện - Tiền và tình dẫn xuống vực sâu
>> 23.000 tù nhân viết tự truyện: Một tử tù “sống lại để chuộc lỗi”
>> 23.000 tù nhân viết tự truyện - Trong tù, vợ chồng mơ ngày đoàn tụ
>> 23.000 tù nhân viết tự truyện - Trong tù viết tiểu thuyết sử thi
>> 23.000 tù nhân viết tự truyện: Án tử hình với một cán bộ tòa
>> 23.000 tù nhân viết tự truyện: Người đàn bà bị bóng đêm săn đuổi
>> 23.000 tù nhân viết tự truyện: Bi kịch của một người mẫu
>> 23.000 tù nhân viết tự truyện: 4.000 đêm chờ thi hành án tử
>> 23.000 tù nhân viết tự truyện

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.