Sử thi cần “đất sống”

24/10/2012 04:00 GMT+7

Nghệ thuật truyền khẩu sử thi của các dân tộc Tây nguyên đang cần có kế hoạch bảo tồn khẩn cấp.

Đó là nhận định trong báo cáo khoa học vừa được Sở VH-TT-DL Đắk Lắk gửi Bộ VH-TT-DL để đề nghị đưa sử thi Tây nguyên vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, tiến tới lập hồ sơ trình UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại.

Mất dần môi trường diễn xướng

Trong căn nhà gỗ cũ kỹ ở buôn Tul A, xã Ea Wer, H.Buôn Đôn (Đắk Lắk), nghệ nhân Điểu Klung, 71 tuổi, mân mê những tập sử thi M’Nông dày cộp trên tay với vẻ mặt hạnh phúc xen lẫn ưu tư. Ông cùng hai người anh là Điểu Kâu (đã mất) và Điểu Klứt (hiện ở Đắk Nông) là những nghệ nhân nhớ được nhiều nhất các sử thi M’Nông (Ót Nđrông) và đóng góp nhiều công sức trong việc thực hiện dự án sưu tầm, biên dịch, xuất bản sử thi Tây nguyên vừa qua.

Riêng ông Điểu Klung đã cung cấp cho các nhà nghiên cứu hơn 50 sử thi đặc sắc. Ông cho biết ngay từ 7-8 tuổi đã thuộc hơn chục sử thi. “Ngày trước lễ hội nào trong buôn làng cũng mời mình đến hát kể khan (sử thi), hứng thú lắm. Còn bây giờ ít có lễ hội hơn, mà kể khan cũng ít người muốn nghe, nhất là lớp trẻ” - Điểu Klung tâm sự.

 

Chỉ vài năm nữa thôi, nếu không có hành động bảo tồn kịp thời thì khi hầu hết các nghệ nhân qua đời, muốn biết sử thi Tây nguyên người ta phải vào bảo tàng để xem và nghe qua phim tư liệu

Ông Trương Bi - Phó giám đốc Sở VH-TT-DL Đắk Lắk

Ông Bùi Văn Khối, Trưởng phòng Nghiệp vụ Sở VH-TT-DL Đắk Lắk, cho biết số lượng người biết hát kể sử thi ở các buôn làng đang ít dần, nhiều người già về với “đất nước ông bà”, người còn sống thì tuổi cao, trí nhớ giảm sút, những “kho báu sống” về sử thi như Điểu Klung từ chỗ vài trăm nay chỉ còn đếm trên đầu ngón tay. “Điều đáng lo nữa là môi trường diễn xướng (hát kể) của sử thi đang mất dần. Không gian hát kể sử thi mang tính tập thể trước kia như nhà dài, nhà rông, lúc lên rẫy, đi rừng, lễ hội… đã bị thu hẹp do nhịp sống hiện đại... Người nghe kể khan ở các buôn làng cũng thưa thớt, không tạo môi trường diễn xướng cho nghệ nhân” - ông Khối nhận xét.

Tìm “đất sống” cho sử thi

Dự án “Điều tra, sưu tầm, bảo quản, biên dịch và xuất bản kho tàng sử thi Tây nguyên” do Viện Khoa học xã hội VN cùng các tỉnh Tây nguyên thực hiện từ năm 2001-2007 đã đem lại kết quả đồ sộ không ngờ, với 801 tác phẩm sử thi; đến nay đã phiên âm 123 tác phẩm, xuất bản 115 tác phẩm bằng song ngữ Việt và tiếng dân tộc.

Các nhà nghiên cứu nhận định, đây là kho tàng sử thi phong phú, quy mô hiếm có trên thế giới. Báo cáo khoa học mới đây của Sở VH-TT-DL Đắk Lắk đã đặt vấn đề phải đưa sử thi trở về với các buôn làng Tây nguyên, phát huy giá trị của chúng trong đời sống cộng đồng.

Ông Trương Bi, Phó giám đốc Sở VH-TT-DL Đắk Lắk nhấn mạnh: “Chỉ vài năm nữa thôi, nếu không có hành động bảo tồn kịp thời thì khi hầu hết các nghệ nhân qua đời, muốn biết sử thi Tây nguyên người ta phải vào bảo tàng để xem và nghe qua phim tư liệu”.

Theo ông Bi, sử thi đang cần “đất sống”. Đó là đưa sử thi trở lại với cộng đồng bằng tổ chức lớp truyền dạy hát kể sử thi cho lớp trẻ; biên tập các tác phẩm sử thi đồ sộ thành những tập truyện tranh mỏng, xuất bản phục vụ thiếu nhi các dân tộc; ghi âm hát kể sử thi bằng CD phát trên đài truyền thanh ở các buôn làng; đồng thời các hãng phim cần nghiên cứu xây dựng thành tác phẩm phim sử thi hoặc phim hoạt hình, qua đó quảng bá rộng rãi, góp phần bảo tồn sử thi Tây nguyên…

Trần Ngọc Quyền

>> Dân chủ thực sự thì phải có tranh cử
>> Kho tàng sử thi Tây Nguyên

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.