Hỗ trợ “cần câu”
Hai năm trước anh Trần Thanh Tuấn, người dân tộc Khmer (ngụ ấp Giồng Nhãn, xã Hiệp Thành, TP.Bạc Liêu) có gia cảnh vô cùng khó khăn: nhà nghèo, đông con, thất học, lại không nghề nghiệp ổn định. Quanh năm hai vợ chồng anh Tuấn phải làm thuê đủ nghề nhưng chỉ kiếm được ít tiền sống đắp đổi qua ngày. Tuy nhiên, sau hơn một năm được ông Lương Văn Đấu, đảng viên, Phó Chi cục Thuế TP.Bạc Liêu nhận đỡ đầu thì cuộc sống gia đình anh Tuấn đã có nhiều thay đổi. Anh được ông Đấu tận tình hướng dẫn cách làm ăn, được hỗ trợ tiền mua giống để cải tạo 3 công rẫy sau nhà, đồng thời anh còn được giới thiệu đi làm công nhân cho một HTX. “Nhờ sự giúp đỡ, hỗ trợ cách làm ăn của ông Đấu mà gia đình tôi được công nhận hộ thoát nghèo. Chúng tôi đã sửa được nhà, mua được xe, có điều kiện lo cho con em đi học”, anh Tuấn nói.
|
Trong tỉnh Bạc Liêu, Đảng bộ TP.Bạc Liêu được coi là đơn vị có nhiều cách làm hay trong công tác xóa đói giảm nghèo (XĐGN). Chỉ tính trong năm 2011, đảng viên và các doanh nghiệp trên địa bàn đã nhận đỡ đầu gần 1.000 hộ nghèo. Theo ông Dương Thành Trung, Bí thư Thành ủy Bạc Liêu, để XĐGN bền vững, trước hết các đảng viên phải tìm hiểu cụ thể hoàn cảnh của từng hộ nghèo, đồng thời xác định nhu cầu cần hỗ trợ. Tùy vào điều kiện, có thể phân công một đảng viên nhận đỡ đầu từ 1- 5 hộ nghèo. “Trong quá trình nhận đỡ đầu, các đảng viên không cho các hộ “cá” mà chỉ hỗ trợ “cần câu”. Các hộ nghèo không được hỗ trợ bằng tiền mặt mà được giúp đỡ bằng nhiều cách, như: cung cấp con giống, phương tiện kiếm sống… Ngoài ra, khi đã nhận đỡ đầu thì các đảng viên phải thường xuyên xuống dân để nắm bắt tâm tư, nguyện vọng cũng như khó khăn của từng hộ để có cách hỗ trợ thiết thực nhất”, ông Trung chia sẻ kinh nghiệm.
Vận động doanh nghiệp góp sức
Theo ông Võ Đông Xuân, Chi cục trưởng Chi cục Thuế TP.Bạc Liêu, để nâng cao hiệu quả trong XĐGN, đảng viên cần vận động doanh nghiệp “giúp sức” cho hộ nghèo. Nhờ cách làm đa dạng và đồng bộ nên số hộ nghèo ở TP.Bạc Liêu gần đây giảm khá nhanh. Đáng mừng hơn, nhiều hộ nghèo người dân tộc Khmer đã biết tiết kiệm, chí thú làm ăn đã thoát cảnh nghèo, bước đầu có của ăn, của để.
|
Trong năm 2011, TP.Bạc Liêu đã vận động 77 doanh nghiệp phối hợp cùng cán bộ, đảng viên nhận đỡ đầu 290 hộ nghèo. Ông Hoàng Thanh Long, Giám đốc Công ty CP Đầu tư xây dựng Hoàng Phát (TP.Bạc Liêu) là một trường hợp tiêu biểu trong công tác này. Chỉ tính từ năm 2010 đến nay, công ty của ông đã ủng hộ 2,5 tỉ đồng vào Quỹ An sinh xã hội của địa phương. Đặc biệt, Công ty Hoàng Phát đã đóng góp 500 triệu đồng vào dự án xây dựng 1.000 căn nhà cho hộ nghèo do TP.Bạc Liêu thực hiện. Hay Bệnh viện đa khoa Thanh Vũ (TP.Bạc Liêu), khi được đảng viên vận động đã tiếp nhận nhiều người nghèo để bố trí việc làm, tạo cho họ có nguồn thu nhập ổn định.
Theo ông Trương Minh Chiến, Phó bí thư Tỉnh ủy Bạc Liêu, “mô hình” đảng viên nhận đỡ đầu hộ nghèo đã trở thành phong trào cách mạng trong cán bộ, đảng viên. Năm 2012, tỉnh tiếp tục phát động sâu rộng phong trào này đến các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp từ tỉnh đến cơ sở. Mục tiêu đề ra là phấn đấu trong năm 2012 có 5.310 hộ nghèo được nhận đỡ đầu. Ông Chiến chia sẻ: “Mỗi đảng viên làm một việc nhỏ giúp cho dân nghèo, làm vơi đi khoảng cách giàu nghèo giữa nông thôn và thành thị. Tỉnh Bạc Liêu coi “mô hình” đảng viên nhận đỡ đầu hộ nghèo là cách làm hay, mới mẻ để quán triệt cho cán bộ, đảng viên thực hiện tốt Nghị quyết hội nghị T.Ư 4”.
Trần Thanh Phong
>> Hơn 10.700 hộ nghèo được sử dụng điện
>> Mở rộng chương trình hỗ trợ nhà cho hộ nghèo
>> Thích làm “hộ nghèo”
>> Trao quà cho hộ nghèo
>> Tặng nhà cho hộ nghèo tại Cần Thơ
Bình luận (0)