Thực hư xẩm tàu điện

29/10/2012 03:10 GMT+7

Không có cái gọi là xẩm tàu điện, và xẩm tàu điện càng không phải là nét văn hóa độc đáo của phố cổ Hà Nội, các nhà nghiên cứu bức xúc.

Người phụ nữ đứng tuổi tiến gần tới chiếc thau mà người hát xẩm xưa vẫn dùng để đựng tiền thưởng trong chương trình Xẩm tàu điện - văn hóa đường phố Hà thành. Bà kẹp tiền trong lòng bàn tay, hơi cúi người trước các nghệ sĩ trước khi bỏ tiền vào đó - như một cảm tạ. Xẩm không còn là cảnh xin tiền thê lương mà thời nào nhà văn Nguyễn Công Hoan mô tả trong truyện ngắn. Cũng bởi các nghệ sĩ đã hát tuyệt vời, từ “linh hồn của đội” - nghệ sĩ Thanh Ngoan, tới lứa nghệ sĩ nhí 10 tuổi Thanh Thanh Tấm. Chốc chốc lại có người bỏ thêm tiền vào chiếc thau của người hát xẩm để trước mặt nghệ sĩ như một đạo cụ.

 Nghệ sĩ “nhí” Thanh Thanh Tấm, 10 tuổi, trong một tiết mục xẩm
Nghệ sĩ “nhí” Thanh Thanh Tấm, 10 tuổi, trong một tiết mục xẩm - Ảnh: Trinh Nguyễn

Cũng như người phụ nữ đứng tuổi ấy, người xem chật sân Bảo tàng Phụ nữ trong chương trình phần lớn tới để gặp lại “mãi vẫn là tuổi thơ tôi Hà Nội”. “Tôi vẫn nhớ như in cái ngày nhảy lên tàu điện và nghe hát xẩm. Cả ba đời nhà tôi đã được thưởng thức loại hình nghệ thuật này”, nhà nghiên cứu mỹ thuật Nguyễn Đỗ Bảo nói. Xẩm tàu điện được ban tổ chức giới thiệu là “dòng xẩm rất đặc trưng mà không đâu có được”, “một nét văn hóa độc đáo của phố cổ Hà Nội”.

Tuy nhiên, nét văn hóa độc đáo này có lẽ là điều cần bàn lại, bởi theo nhà nghiên cứu Đặng Hoành Loan: “Hiện tượng hát xẩm trên tàu điện là có, cũng như có người từng hát trên ô tô, trên tàu bắc nam vậy. Nhưng nếu gọi là xẩm tàu điện để người ta hiểu lầm rằng có một nhánh xẩm như vậy thì sai. Tiêu chí nào để phân loại xẩm theo địa điểm hát?”.

Trên thực tế, bản thân chương trình cũng không hề chứng minh được xẩm tàu điện là một dòng xẩm riêng biệt. Những yếu tố tàu điện đưa vào như hình ảnh chuyến tàu, tiếng còi toét chói lói, tiếng chuông tàu điện mô phỏng không hề là một phần của bài xẩm. Chỉ cần yêu cầu tối thiểu là tái hiện quang cảnh một chuyến tàu điện có xẩm, chương trình cũng đã không thành công chứ chưa nói đến chuyện giới thiệu “dòng xẩm đặc trưng” như tuyên bố.

Mà cũng không thể giới thiệu đặc trưng được bởi việc xẩm tàu điện tồn tại là đặc trưng của Hà Nội không hề có. “Từ góc độ nghiên cứu, những bài xẩm trên tàu điện không khác gì những bài xẩm hát ở những địa điểm khác cùng thời. Chưa kể, người xẩm lại có cách chia riêng. Chẳng hạn, người ta gọi điệu này là xẩm xoan, điệu kia là cao bằng. Xẩm xoan nghĩa là xẩm xuân, xẩm vui ấy”, ông Đặng Hoành Loan nói.

Xẩm là một di sản văn hóa - điều đó không thể phủ nhận. Các nghệ sĩ, người chơi cố gắng tạo một sân chơi cho xẩm cũng là cố gắng đáng khích lệ. Tuy nhiên, giữ di sản phải giữ cả tổng thể từ câu hát tới điệu nhạc, từ trang phục tới bộ điệu. Quan trọng hơn, những khái niệm văn hóa gốc cần phải được hiểu đúng, hiểu đủ.

Trinh Nguyễn

>> Cháy ở khu phố cổ Hà Nội
>> Bức Phố cổ Hà Nội được đấu giá cao nhất
>> Di dời 1.800 hộ dân trong phố cổ Hà Nội

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.