Di dân chạy bão

29/10/2012 02:46 GMT+7

Từ 6 giờ sáng 28.10, Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa đã phát lệnh di dời 12.125 hộ dân với 52.000 nhân khẩu đang sinh sống cách mép nước 200 m tại các xã ven biển thuộc các huyện Tĩnh Gia, Quảng Xương, TX.Sầm Sơn, Hoằng Hóa, Hậu Lộc, Nga Sơn vào sâu trong đất liền tránh bão.

* Tâm bão nằm trên vùng bờ biển Hải Phòng - Nam Định

Cả ngày hôm qua tại các địa phương này đều có mưa to kèm gió lớn. Tại H.Hậu Lộc, nơi được dự báo bão sẽ đổ bộ trực tiếp, các lực lượng đã dồn sức di dời dân, đồng thời tiến hành cứu hộ 2 con tàu bị mắc cạn trên biển. Đến trưa 28.10, công tác di dời dân và cứu hộ tàu thuyền đã được hoàn thành. Bên cạnh việc phòng tránh cơn bão có thể thay đổi hướng đổ bộ vào địa phương, các lực lượng chức năng của Thanh Hóa đang tập trung túc trực đề phòng lũ ống, lũ quét có thể xảy ra khi cơn bão đi qua. Thanh Hóa đã thành lập Ban Chỉ huy tiền phương tại huyện Ngọc Lặc nhằm ứng phó với các tình huống có thể xảy ra tại khu vực 11 huyện miền núi.

Di dân chạy bão
Bản đồ dự báo hướng di chuyển của bão số 8 (cập nhật lúc 23 giờ 30). Nguồn:  Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn T.Ư

Tại Nam Định, đến 11 giờ trưa hôm qua lực lượng chức năng xác nhận đã hoàn thành sơ tán 4.417 người của trên 1.000 hộ dân ở khu ngoài đê chính và các cửa sông về các điểm tránh bão. Cùng với thuyết phục, đến 18 giờ Bộ đội biên phòng tỉnh đã buộc phải dùng biện pháp cưỡng chế đối với trên 100 người, đưa toàn bộ 751 người là chủ các chủ ki ốt, hộ kinh doanh và khách du lịch ở 2 bãi biển Quất Lâm (Giao Thủy) và Thịnh Long (Hải Hậu) sơ tán vào khu vực an toàn. Lúc 23 giờ đêm qua, ông Trần Anh Tú, Giám đốc Đài truyền hình Nam Định, xác nhận với PV Thanh Niên: vào khoảng 20 giờ 40 phút, tháp truyền hình cao 180 m của Đài TH Nam Định ở P.Lộc Vượng, TP.Nam Định đã bị đổ do gió quá lớn. Tháp bị gãy ngang ở vị trí cách mặt đất khoảng 20 m, khiến 1 cán bộ bị thương nhẹ. Không có nhà dân nào bị thiệt hại do tháp nằm cách xa khu dân cư. Theo ông Tú, cột tháp này trị giá khoảng 40 tỉ đồng, hiện đang tiếp sóng kênh VTV2, VTV3, VTV6 Đài TH Việt Nam, Đài TH An Viên cho cả vùng nam đồng bằng sông Hồng (gồm các tỉnh Nam Định, Thái Bình, Ninh Bình, Hà Nam).

 

Chuẩn bị máy bay cứu nạn ở giàn khoan

Văn phòng Ủy ban Quốc gia tìm kiếm cứu nạn cho biết, lúc 17 giờ 35 ngày 28.10, trên vùng biển cách bắc Bạch Long Vĩ 14 hải lý, giàn khoan GSF KEY HAWAI với 35 người (21 người Việt Nam và 14 người nước ngoài) bị đứt dây kéo với tàu lai, do sóng to tàu lai không thể tiếp cận được với giàn khoan. Đại diện giàn khoan đề nghị sử dụng trực thăng cứu nạn. Bộ Tổng tham mưu đã chỉ đạo Quân chủng Phòng không - Không quân chuẩn bị máy bay, nghiên cứu thời tiết, khi đủ điều kiện an toàn bay thì báo cáo Sở chỉ huy Bộ điều máy bay đi cứu nạn.

Q.Duẩn

Tại Quảng Ninh, gần như toàn thành phố Cẩm Phả và Hạ Long đều bị mất điện từ chiều đến tối qua. Tại Hải Phòng, ông Bùi Trung Nghĩa, Chủ tịch UBND huyện đảo Cát Hải, cho biết có 3 bè nuôi thủy sản tại khu vực vịnh Đồng Hồ bị đứt dây trôi dạt khỏi khu vực neo đậu. Trên bè có 11 người (là người ở lại trông coi), do sóng to gió lớn nên lực lượng cứu nạn chưa thể tìm kiếm, tiếp cận được.

Tại Hà Tĩnh và Nghệ An, công tác di dời dân đến nơi an toàn cũng được tiến hành khẩn trương. Gần 2.000 hộ dân của 2 địa phương đã được di dời trong lúc mưa rơi nặng hạt, gió to, sóng lớn. Tỉnh Ninh Bình cũng huy động 200 cán bộ chiến sĩ quân đội, công an, biên phòng giúp H.Kim Sơn di dời dân ở 3 xã bãi ngang là Kim Đông, Kim Trung, Kim Hải đến nơi an toàn. Đồng thời dừng hoạt động của 17 bến đò ngang trên các sông.

Theo Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn T.Ư, cả ngày hôm qua bão số 8 di chuyển chủ yếu theo hướng bắc, chạy dọc theo vùng bờ biển các tỉnh bắc Trung bộ rồi áp sát bờ biển các tỉnh nam đồng bằng Bắc bộ. Chiều tối cùng ngày, tâm bão cách bờ biển các tỉnh Hải Phòng - Ninh Bình khoảng 100 km về phía nam đông nam, cường độ mạnh cấp 11 - cấp 12 (tức là từ 103 đến 133 km/giờ), giật cấp 13 - cấp 14. Trên đất liền, bão gây gió mạnh cấp 7, giật cấp 9 tại Thái Bình; cấp 7, giật cấp 11 ở Văn Lý (Nam Định). Các tỉnh từ Hà Tĩnh đến Thừa Thiên-Huế có mưa vừa, mưa to đến rất to với tổng lượng mưa từ 50 - 100 mm. Một số nơi có mưa lớn hơn như Cẩm Nhượng (Hà Tĩnh) 173 mm, Mai Hóa (Quảng Bình) 139 mm, Tà Rụt (Quảng Trị) 146 mm…

Hồi 22 giờ ngày 28.10, tâm bão trên bờ biển Hải Phòng - Nam Định. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 11, cấp 12 (tức là từ 103 đến 133 km/giờ), giật cấp 13, cấp 14; di chuyển chủ yếu theo hướng bắc, mỗi giờ đi được khoảng 10 km. Dự báo đến 10 giờ ngày 29.10, vị trí tâm bão ở trên khu vực Hải Phòng - Quảng Ninh. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 8, cấp 9 (tức là từ 62 đến 88 km/giờ), giật cấp 11, cấp 12.

Di dân chạy bão
Người dân xã Hưng Lộc, Ngư Lộc, H.Hậu Lộc được di dời vào sâu trong đất liền tránh bão - Ảnh: Ngọc Minh

Trong 12 đến 24 giờ tiếp theo, bão đổi hướng di chuyển theo hướng đông bắc, mỗi giờ đi được khoảng 10 km và suy yếu dần thành áp thấp nhiệt đới. Đến 22 giờ ngày 29.10, vị trí tâm áp thấp nhiệt đới ở trên khu vực Móng Cái (Quảng Ninh).

Do ảnh hưởng bão, sáng qua đê chắn sóng nối đảo Hòn Cỏ với cảng Hòn La (Khu kinh tế Hòn La, xã Quảng Đông, H.Quảng Trạch, Quảng Bình) đã bị sóng biển đánh sập. Tuyến đê dài 330 m, rộng 9 m, làm bằng đá và được chắn bởi nhiều khối bê tông tản sóng, mỗi khối nặng 16 và 25 tấn.

Thanh Niên

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.