(TNO) Việt Nam được đánh giá là một trong những quốc gia bị tác động mạnh mẽ nhất do biến đổi khí hậu, đặc biệt, đồng bằng sông Cửu Long là một trong ba đồng bằng trên thế giới dễ bị tổn thương nhất bởi nước biển dâng.
>> Biến đổi khí hậu làm gia tăng nguy cơ suy giảm đa dạng sinh học
>> USAID hỗ trợ VN trên 40 triệu USD ứng phó biến đổi khí hậu
>> Thời tiết ngày càng diễn biến dị thường do biến đổi khí hậu
>> 100 triệu người có thể chết trước năm 2030 do biến đổi khí hậu
>> Dành 1.171 tỉ đồng để ứng phó với biến đổi khí hậu
>> Úc hỗ trợ VN chống biến đổi khí hậu
Theo TS Trần Thục, Viện trưởng Viện Khoa học khí tượng và thủy văn (Bộ Tài nguyên và Môi trường), kịch bản biến đổi khí hậu và nước biển dâng cho Việt Nam nêu rõ: nếu mực nước biển dâng cao 1m, khoảng 40% diện tích đồng bằng sông Cửu Long, 11% diện tích đồng bằng sông Hồng và 3% diện tích của các tỉnh khác thuộc vùng ven biển bị ngập, TP.HCM bị ngập trên 20% diện tích; khoảng 10-12% dân số nước ta bị ảnh hưởng trực tiếp và tổn thất khoảng 10% GDP.
|
Tác động của biến đổi khí hậu đối với nước ta là rất nghiêm trọng, là nguy cơ hiện hữu cho mục tiêu xóa đói giảm nghèo, cho việc thực hiện các mục tiêu thiên niên kỷ và sự phát triển bền vững của đất nước.
Trong vòng 50 năm qua, ở nước ta, nhiệt độ trung bình đã tăng khoảng 0,5 độ C, mực nước biển đã dâng khoảng 20 cm. Tần suất và cường độ thiên tai ngày càng gia tăng, gây ra nhiều tổn thất to lớn về người, tài sản, các cơ sở hạ tầng về kinh tế, văn hoá, xã hội, tác động xấu đến môi trường.
Theo Bộ Tài nguyên và Môi trường, trong 10 năm gần đây, bão, lũ, lũ quét, sạt lở đất, úng ngập, hạn hán, xâm nhập mặn và các thiên tai khác đã làm thiệt hại đáng kể về người và tài sản, đã làm chết và mất tích hơn 9.500 người, giá trị thiệt hại về tài sản ước tính chiếm khoảng 1,5% GDP/năm.
Biến đổi khí hậu cũng đe dọa nghiêm trọng đến an ninh lương thực và phát triển nông nghiệp như: thu hẹp diện tích đất nông nghiệp, đặc biệt là một phần đáng kể ở vùng đất thấp đồng bằng ven biển, đồng bằng sông Hồng, sông Cửu Long bị ngập mặn do nước biển dâng.
Biến đổi khí hậu, theo TS Thục, cũng tác động lớn đến sinh trưởng, năng suất cây trồng, thời vụ gieo trồng, làm tăng nguy cơ lây lan sâu bệnh hại cây trồng đồng thời ảnh hưởng đến sinh sản, sinh trưởng, tăng khả năng sinh bệnh, truyền dịch của gia súc, gia cầm.
“Do tác động của biến đổi khí hậu, tài nguyên nước phải chịu thêm nguy cơ suy giảm do hạn hán ngày một tăng ở một số vùng, mùa, ảnh hưởng trực tiếp đến nông nghiệp, cung cấp nước ở nông thôn, thành thị và sản xuất thủy điện. Chế độ mưa thay đổi có thể gây lũ lụt nghiêm trọng vào mùa mưa, và hạn hán vào mùa khô, tăng mâu thuẫn trong khai thác và sử dụng tài nguyên nước”, TS Thục nói.
Thích ứng và giảm thiểu
Nhận thức rõ những tác động nghiêm trọng của biến đổi khí hậu đến sự phát triển bền vững của đất nước, Chính phủ Việt Nam đã sớm tham gia và phê chuẩn Công ước khung của Liên Hiệp Quốc về biến đổi khí hậu và Nghị định thư Kyoto, đồng thời chỉ đạo từng bước hoàn thiện các văn bản pháp luật, tạo hành lang pháp lý cho công tác phòng chống và giảm nhẹ thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu.
Chương trình mục tiêu quốc gia ứng phó với biến đổi khí hậu đã được Chính phủ phê duyệt. Bộ Tài nguyên và Môi trường đã xây dựng thành công và công bố rộng rãi kịch bản biến đổi khí hậu và nước biển dâng cho Việt Nam, làm cơ sở quan trong trọng để các bộ, ngành và địa phương hoạch định và triển khai các biện pháp ứng phó hiệu quả.
|
Theo Bộ Tài nguyên và Môi trường, công tác đàm phán, kêu gọi quốc tế hỗ trợ Việt Nam ứng phó với biến đổi khí hậu đã được đẩy mạnh và thu được kết quả khả quan.
Hàng loạt chương trình hỗ trợ của chính phủ các nước Đan Mạch, Nhật Bản, Pháp, Na Uy, Hà Lan, Canada và các tổ chức quốc tế để Việt Nam ứng phó với biến đổi khí hậu đã và đang được triển khai trên khắp các vùng miền trên cả nước.
TS Thục lưu ý, với những tác động nghiêm trọng của sự nóng lên toàn cầu và mực nước biển dâng, vấn đề quan trọng hàng đầu trong việc ứng phó với biến đổi khí hậu đối với Việt Nam là phải thích ứng với biến đổi khí hậu, nói cách khác là vấn đề thích ứng cần phải được đặt là trọng tâm.
“Thích ứng với biến đổi khí hậu cần được lồng ghép trong quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội ở tất cả các quy mô. Thích ứng sẽ là một quá trình liên tục trong nhiều thập kỷ với những nhu cầu riêng biệt, nhưng liên quan với nhau ở các giai đoạn ngắn hạn, trung hạn và dài hạn. Các biện pháp thích ứng là rất cấp thiết ở cấp địa phương”, TS Thục nói.
Theo TS.Thục, các công trình hạ tầng lớn cần được xây dựng và nâng cấp để bảo vệ cuộc sống, công ăn việc làm và tài sản của người dân như đê điều, rừng ngập mặn, đập, cầu, đường, tăng khả năng chống ngập cho thành phố.
Vị trí xây dựng các khu công nghiệp cần được cân nhắc kỹ để tránh những tổn thương do của biến đổi khí hậu.
Đường sá, hệ thống thoát nước và xử lý nước thải đô thị cần được thiết kế hoặc nâng cấp theo tiêu chuẩn thiết kế mới về mưa, lũ thiết kế. Gia cố các công trình nhà cửa để chống bão, tăng cường các dịch vụ trong và sau thiên tai. Điều này được thực hiện thông qua việc điều chỉnh các tiêu chuẩn thiết kế công trình và qua thực tiễn.
Đối với những chương trình lớn cần áp dụng các biện pháp tích cực phòng tránh. Những chính sách đã được thực hiện trong việc di dời các hộ dân sống rải rác ở đồng bằng sông Cửu Long đến những nơi tập trung, có trường học, cấp thoát nước và các dịch vụ khác cần được đánh giá và nhân rộng.
Thích ứng trong nông nghiệp cần được ưu tiên dù ảnh hưởng của biến đổi khí hậu ở mức độ nào, thông qua phát triển các loại cây trồng chống chịu được điều kiện khí hậu khắc nghiệt, phát triển các cơ chế bảo hiểm và các ứng dụng nghiên cứu và triển khai nông nghiệp.
TS. Thục lưu ý, tăng cường quản lý rủi ro thiên tai là một ưu tiên cho dù có ảnh hưởng của biến đổi khí hậu hay không, đồng thời giảm phát thải các-bon trên một đơn vị GDP nên là hướng tiếp cận của Việt Nam.
Quang Duẩn
Bình luận (0)