Nhọc nhằn nghề gánh đá

31/10/2012 10:16 GMT+7

Giữa trưa. Hàng chục người dân ở xã Cô Tô (H.Tri Tôn, An Giang) vẫn oằn lưng gánh đá dưới cái nắng như đổ lửa. Gánh đá nặng gấp đôi, gấp ba trọng lượng cơ thể nhưng họ vẫn cố gắng nhấc từng bước nặng trịch xuống ghe.

Nặng gánh đôi vai

Mới gánh xong ky đá nặng khoảng 120 kg, anh Nguyễn Thanh Tiền (30 tuổi, ngụ ấp Tô Bình) vừa thở hổn hển vừa cho biết: “Trưa nắng, đá hấp thụ sức nóng rất dữ. Mỗi lần chất đá vào ky, hơi nóng bốc lên hầm hập. Khi gánh đá xuống ghe, đi trên tấm đòn dày, người gánh phải gắng hết sức và tập trung cao độ. Nếu sơ sẩy sẽ bị trượt chân té cắm đầu xuống kênh, hết sức nguy hiểm”. Ngày nào nhiều đá, anh Tiền gánh được khoảng 14 khối, tương đương 20 tấn. Mỗi khối đá chủ ghe trả tiền công 13.000 đồng; trừ tiền ăn sáng, uống cà phê anh Tiền chỉ còn lại chừng 120.000 đồng. “Sáng ăn vội gói xôi lót dạ rồi nhận đá gánh cho chủ ghe. Nghề này bữa trúng, bữa thất. Có ngày ít đá, gánh được vài khối, chỉ kiếm khoảng vài chục ngàn đồng”, anh Tiền cho biết thêm.

 Người nghèo mưu sinh bằng nghề gánh đá mướn
Gánh đá – nghề cực nhọc và nguy hiểm - Ảnh: Trường An

Nghề gánh đá không kể ngày mưa hay nắng. Hễ có chủ ghe hoặc đại lý nào thuê thì người lao động làm liền. Không chỉ gánh, có những lúc, đại lý mua đá lớn tập kết tại bến rồi mướn người đập nhỏ ra. Công việc đập đá thường nguy hiểm hơn, do trong quá trình đập có thể văng đá vào mắt hoặc hít bụi vào phổi.

Mưu sinh cực nhọc

Ngang qua tỉnh lộ 943, nhìn xuống mé kênh 13 thấy những đống đá khổng lồ, tưởng như sức người không kham nổi. Thế nhưng, đây chính là chỗ kiếm sống mỗi ngày của hàng chục dân nghèo. Giữa trưa, mọi người tranh thủ ngồi bệt dưới tấm bạt không đủ che nắng để nghỉ xả hơi. Mới 32 tuổi, nhưng quanh năm mưu sinh bằng nghề gánh đá nên gương mặt anh Trịnh Văn Hòa (ngụ ấp Sóc Triết) đã già trước tuổi. Anh mong có công việc gì đó nhẹ nhàng hơn nghề gánh đá và thu nhập kha khá để chăm lo cho gia đình.

 Người nghèo mưu sinh bằng nghề gánh đá mướn
Hàng chục người nghèo ở xã Cô Tô mưu sinh bằng nghề gánh đá mướn - Ảnh: Trường An

Hớp một ngụm nước, anh Hòa trầm ngâm: “Do không có nghề nghiệp ổn định nên phải gánh đá mưu sinh thôi! Gánh riết thấy sức khỏe ngày càng yếu dần nên vợ chồng tui mới dắt nhau ra Bình Dương làm ở khu công nghiệp. Rút cục cũng vẫn không đủ sống, đành phải cuốn gói về quê…gánh đá”. Gánh nặng gia đình hiện đè nặng lên đôi vai của anh Hòa.

Ngoài chạy gạo từng bữa, anh còn lo cho 2 đứa con đi ăn học. Đứa lớn năm nay 9 tuổi nhưng chỉ mới bước vào học lớp một cùng đứa nhỏ. “Thấy con học trễ so với các bạn đồng trang lứa, mình xót lắm chứ! Nhưng vì hoàn cảnh gia đình khó khăn nên phải chịu. Vợ chồng tui chỉ mong 2 đứa con học giỏi, để mai sau chúng nó đổi đời, không phải noi theo cái nghề gánh đá nhọc nhằn như đời cha chúng”, anh Hòa chia sẻ.

Ở bãi đá Cô Tô, nhiều phụ nữ cũng chẳng chịu thua cánh mày râu. Mẹ con bà Đoàn Kim Tâm mỗi ngày gánh khoảng 10 khối đá cho đại lý, kiếm được 130.000 đồng, đủ trang trải cuộc sống qua ngày. “Lớn tuổi rồi, nhà lại nghèo nếu không gánh đá thì lấy gì mà sống. Hồi trước, ông xã cũng gánh đá, nhưng nay sức khoẻ ổng yếu nên mẹ con tui phải kham cái nghề này. Nhiều lúc, nắng quá chịu không nổi con tui ngất xỉu tại chỗ. Bây giờ, tôi chỉ mong có nghề khác để làm, chứ nghề này cực và nặng nhọc quá, sợ tổn hại sức khoẻ về sau”, bà Tâm nói.

Theo Sở LĐ-TB-XH An Giang, các đại lý mua đá đổ tại bãi Cô Tô; sau đó thuê người dân địa phương đập hoặc chẻ nhỏ ra, gánh xuống ghe. Gánh đá là một trong những loại hình lao động nặng nhọc, ảnh hưởng đến sức khỏe do hít phải bụi đá silica (SiO2). Đa số những lao động này đều không có bảo hiểm xã hội hay được khám sức khỏe định kỳ.

Trường An

>> Đi bán vé số, làm thuê để có tiền đi thi
>> Kẻ làm thuê táo bạo
>> Bị chủ hành hạ, hai chị em bỏ trốn khỏi nơi làm thuê
>> Làm thuê để làm chủ
>> Đổ xô sang Lào, Thái làm thuê

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.