Sáng nay, QH tiếp tục thảo luận tại hội trường về tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2012, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2013. Theo đó, QH đã dành phần lớn thời gian cho các bộ trưởng giải trình về những vấn đề các đại biểu (ĐB) quan tâm đặt ra trong những ngày thảo luận vừa qua.
Tăng lương theo lộ trình
Nhiều ĐB đề nghị Chính phủ quan tâm tăng lương cơ bản, đảm bảo đời sống cho người dân, các chính sách xã hội.
“Tăng lương theo lộ trình là mong muốn của người hưởng lương, trong đó có cả tôi”, Bộ trưởng Bộ Tài chính Vương Đình Huệ chia sẻ.
|
Theo Bộ trưởng Bộ Tài chính: để có thể đảm bảo tăng lương theo lộ trình như mức dự kiến thì cần 60.000 - 65.000 tỉ đồng, chưa kể cần 29.000 tỉ đồng bố trí để thực hiện mức lương tối thiểu 1.050.000 đồng và phụ cấp công vụ trên 4 tháng đầu năm 2013. Điều này vượt quá cân đối ngân sách 2013 vì thu 2012 thấp và mức tăng thu 2013 rất khó khăn.
|
“Do không nên tăng thêm tất cả các khoản dự toán thu ngân sách nên để có nguồn tăng lương bắt buộc phải cơ cấu lại các khoản chi ngân sách và siết chặt, tiết kiệm các khoản chi tiêu, giảm đầu tư công xuống còn 170.000 tỉ đồng, phát hành trái phiếu Chính phủ năm 2013 ở mức 55.000 - 60.000 tỉ đồng, tiết kiệm chi ngân sách trung ương 10%, giảm bớt chi hoàn thuế GTGT xuống còn 73.200 tỉ đồng”, Bộ trưởng Bộ Tài chính giải trình.
Không bắt buộc chuyển đổi mác vàng
Vàng cũng làm “nóng” buổi họp thảo luận của QH. Báo cáo tổng hợp ý kiến của các ĐBQH cũng cho thấy nhiều ĐB phản ánh việc quản lý thị trường kinh doanh vàng còn thiếu chặt chẽ; độc quyền sản xuất, kinh doanh vàng miếng SJC đang gây bất an và thiệt hại cho người dân.
“Chỉ có ở nước ta giá vàng mới phụ thuộc vào thương hiệu chứ không phụ thuộc vào chất lượng vàng”, ĐB Nguyễn Văn Hiến nhận định.
Theo ĐB Hiến, từ sau quyết định chọn SJC làm thương hiệu vàng của Ngân hàng Nhà nước thì người dân đang xếp hàng để được chuyển vàng sang bao bì SJC.
Trước vấn đề này, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Nguyễn Văn Bình nhận trách nhiệm về việc không làm tốt công tác thông tin và truyền thông, không phổ biến kịp thời chủ trương trong vấn đề quản lý thị trường vàng, gây những thông tin không đúng, chưa chính xác.
“Tất cả các loại vàng miếng mà trước đây đã được cấp phép dập vàng miếng đều được phép lưu hành bình thường. Nhà nước không bắt buộc phải chuyển đổi từ mác vàng miếng này sang mác vàng miếng khác”, ông Bình khẳng định.
Giải trình trước QH, Thống đốc NHNN cho rằng thời gian vừa qua do kinh tế khó khăn, nhiều bất ổn nên tình trạng vàng hóa ở nước ta được đẩy lên rất cao. Có 300-400 tấn vàng (15-20 tỉ USD) được “chôn chặt” không được đầu tư vào sản xuất, kinh doanh.
Mặt khác, mỗi khi giá vàng biến động thì nó làm ảnh hưởng đến tỉ giá USD thông qua hoạt động nhập lậu vàng. Điều này làm ảnh hưởng đến hoạt động xuất nhập khẩu và gián tiếp ảnh hưởng làm cho lạm phát tăng cao, tạo bất ổn kinh tế vĩ mô.
Trước tình hình đó, Chính phủ đã đặt ra mục tiêu kiên quyết chống đô-la hóa và vàng hóa nhằm làm sao cho biến động của giá vàng không làm ảnh hưởng đến tỉ giá và ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng vàng hóa trong nền kinh tế và có thể huy động nguồn vàng cho sản xuất.
Theo đó, đề án thực hiện 3 bước: xây dựng pháp lý, chấm dứt hoạt động huy động và cho vay bằng vàng trong hệ thống các tổ chức tín dụng và chuyển toàn bộ sang quan hệ mua bán bằng vàng.
“Đến nay, sau 5 tháng triển khai, mặc dù giá vàng trong nước và thế giới chênh nhau khá lớn nhưng không còn người dân đổ xô đi mua vàng và mặc dù giá vàng biến động lớn như vậy nhưng tỉ giá hoàn toàn ổn định”, ông Bình nói.
Bên cạnh đó, ông Bình cho biết, từ 5.2012 đến nay hệ thống ngân hàng đã mua lại 60 tấn vàng từ dân, tức đã đổi vàng “chôn chặt” thành vốn huy động cho kinh tế.
Thống đốc NHNN đánh giá việc vàng hóa nền kinh tế đã được chặn đứng và có thể huy động vàng thành vốn sản xuất chứng tỏ những biện pháp NHNN đang thực hiện đem lại kết quả có ý nghĩa quan trọng.
Thủy điện Sông Tranh 2: "Không có dấu hiệu về mất an toàn của đập và hồ chứa"
Về thủy điện Sông Tranh 2, chính Phó thủ tướng Hoàng Trung Hải đã giải trình trước QH.
|
Từ tháng 11.2011 đến nay đã có 66 đợt động đất kích thích, trong đó cường độ cao nhất là 4,6 độ Richter (22.10), trên tiêu chuẩn thiết kế và tiêu chuẩn tính kiểm tra của đập.
Qua đó, Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu các cơ quan liên quan thực hiện kiểm tra trên công trường và đưa ra giải pháp.
“Hiện nay, chống thấm 10 khe nhiệt chính đã giảm thấm từ 26 lít/giây xuống còn 0,02 lít/giây, giảm 99,9%; các vị trí khác giảm 86%”, ông Hải nói đồng thời khẳng định tình hình thấm ở đập hiện nay trong tiêu chuẩn cho phép.
|
Ngoài ra, theo ông Hải, Hội đồng nghiệm thu Nhà nước cũng đã thuê đơn vị tư vấn nước ngoài để đánh giá và đều cho rằng đập được thiết kế đạt tiêu chuẩn, bảo đảm về mặt ổn định đập và chống động đất.
Phó thủ tướng Hoàng Trung Hải khẳng định: “Theo số liệu tính kiểm tra ổn định đập thì cho đến hiện nay không có dấu hiệu về mất an toàn của đập và hồ chứa”.
Tuy nhiên, Chính phủ đã chỉ đạo không chứa nước trong mùa lũ năm nay. Đồng thời, các cơ quan chức năng liên quan, các nhà khoa học sẽ theo dõi sát, xây dựng phương án phòng chống lụt bão và phương án đảm bảo an toàn khi có sự cố vỡ đập. Khi phương án hoàn thành sẽ tổ chức diễn tập.
Chiều nay (31.10), QH thảo luận về tình hình thực hiện dự toán ngân sách nhà nước năm 2012; dự toán ngân sách nhà nước và phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2013
Nguyên Mi
>> Ngân hàng Nhà nước không thể hứa gì về xử lý nợ xấu
>> Đại biểu lo lắng tái cơ cấu kinh tế; bức xúc tham nhũng, lãng phí
>> Bỏ phiếu tín nhiệm chức danh chủ chốt
>> Thủ tướng nhận lỗi về những yếu kém của Chính phủ
>> Ông Đặng Thành Tâm bất ngờ trở lại họp Quốc hội
>> Quốc hội nghe báo cáo sửa đổi Hiến pháp
>> Quốc hội thảo luận tại tổ: Sốt ruột trước tốc độ giải cứu kinh tế
>> Kỳ họp thứ 4 Quốc hội khóa 13: Xử lý nghiêm hành vi cản trở luật sư
>> Quốc hội sẽ quyết định việc bỏ phiếu tín nhiệm tại kỳ họp tháng 10
Bình luận (0)