Động cơ để Long khởi nghiệp xuất phát từ… niềm đam mê kỹ thuật. Khi là sinh viên năm 3, đang cùng nhóm bạn đầu tư cho một dự án công nghệ ở trường, nhận thấy cần nhiều kinh phí để có thể đưa dự án đi xa hơn, Long đã cùng với bạn trong nhóm nghiên cứu tìm cách mở thêm một dự án kinh doanh nhỏ, nhằm có tiền “nuôi” dự án đang nghiên cứu, sau đó kết hợp với một người bạn đang là du học sinh tại Mỹ để tìm cơ hội kinh doanh.
Thất bại
Theo Long, hàng hóa ở Mỹ có chất lượng tốt, nhưng mọi người chưa biết cách để mua về Việt Nam bởi không thông thạo những thủ tục hải quan, vận chuyển… Đồng thời, nhận thấy mình có thế mạnh về công nghệ, có thể tạo dựng website và tối ưu các kỹ thuật thương mại điện tử, Long cho rằng đây là cơ hội để biến đam mê khởi nghiệp thành hiện thực. Nghĩ là làm, Long cùng nhóm bạn dốc toàn bộ số tiền dành dụm từ làm thêm suốt những năm đại học, được hơn 1.000 USD để nhập 1.000 chiếc cravat về Việt Nam.
|
“Tính ra mỗi chiếc chỉ khoảng 1 USD, trong khi loại cravat thường bán tại Việt Nam đã lên tới cả trăm ngàn đồng. Với lô hàng có chất lượng tốt, giá lại rẻ và đang được yêu chuộng tại Mỹ như vậy, mình tin chắc rằng sẽ có khởi đầu hoàn hảo và kiếm được một khoản kha khá, không thể nào lỗ được. Trong đầu mường tượng ra đủ mọi thứ, tất cả chỉ có thể là thành công”, Long nhớ lại.
Tuy nhiên, sự thật trái ngược hoàn toàn. Mặc dù website giao diện tốt, bài viết định vị thương hiệu không tệ, nghĩ ra nhiều gói bán hàng như: quà tặng 20.11, quà mẹ tặng con khi ra trường… và ra sức chào bán ở khắp các cửa hàng, nhưng những gì nhận được chỉ là những lời từ chối. Long kể: “Lúc này mình mới nhận ra, cravat này không hợp với người Việt Nam. Mình đã thất bại, phải bán tháo với giá chưa đến 5.000 đồng/cái”.
Thành công
Toàn bộ tiền kinh doanh gần như mất sạch, “pha” khởi nghiệp đầu đời không ngờ lại đầy sóng gió, cả nhóm hoàn toàn thất vọng và tưởng chừng dừng luôn việc kinh doanh lại. “Nhưng mình rút ra bài học khởi nghiệp quan trọng: Không nên bán cái gì mình có mà hãy cung cấp những cái khách hàng cần”, Long chia sẻ.
|
Rồi cơ hội mới cũng đến. Do sinh hoạt trong một số cộng đồng công nghệ, nhận thấy một vài người dùng đánh giá khá tích cực về một sản phẩm mới ra đời tại Mỹ là máy đọc sách Amazon Kindle 3, Long cùng nhóm bạn ngồi lại bàn tìm ý tưởng mới. Rút kinh nghiệm sau đợt đầu tư liều lĩnh lần đầu, lúc này nhóm thận trọng hơn, không còn vội vàng đặt hàng về nữa mà dùng chiến thuật “cho đặt hàng” để thăm dò thị trường và hạn chế vốn đầu tư.
Theo đó, Long soạn một bài viết giới thiệu sản phẩm cùng mức giá, đăng lên các trang thương mại điện tử, rao vặt… và cho người dùng đặt cọc trước tiền để mua hàng. Khi đã có một lượng phản hồi tương đối tốt rồi mới lấy hàng từ Mỹ về để cung cấp.
Nhờ thay đổi phương thức kinh doanh như vậy, Long đã thành công. Chỉ sau 2 tháng, Long lấy lại toàn bộ vốn, thu hồi cả khoản tiền thất bại ở thương vụ khởi nghiệp đầu tiên và có lời thêm được một khoản tiền nữa.
Long cho rằng, “vụ” kinh doanh thành công lần này là do đã tối ưu được toàn bộ quy trình đặt hàng, vận chuyển, nhập khẩu và quảng bá sản phẩm, do đó sản phẩm bán ra vừa có giá dễ chấp nhận lại có chất lượng cao và uy tín. Từ đây, nhóm quyết định nhân rộng mô hình kinh doanh không rủi ro, không đầu tư nhiều vốn và phát triển cho tất cả các mặt hàng khác để đưa được nhiều hàng hóa chất lượng cao về cho người sử dụng tại Việt Nam thụ hưởng.
Đặc biệt, đầu năm 2010, Facebook chưa phổ biến tại Việt Nam nhưng nhóm vẫn quyết định mượn hơn 3.000 USD để đầu tư vào việc quảng cáo trên mạng xã hội này. Theo tìm hiểu, đây là kênh thương mại thuộc loại lớn nhất trên Facebook ở Việt Nam lúc bấy giờ. Chỉ sau một thời gian ngắn, kênh đã thu hút một lượng người dùng rất lớn. Qua đó những phản hồi, email đặt hàng có khi lên tới cả trăm lượt mỗi ngày, gồm cả những đơn đặt hàng giá trị lớn. Nhờ vậy, chỉ sau vài tháng, nhóm đã thu hồi vốn, mỗi tháng đạt doanh thu hàng tỉ đồng và chiếm lĩnh được niềm tin của nhiều đối tác lớn.
Kinh nghiệm
Với những thành công như vậy, Long coi đó là tín hiệu để vực dậy bản thân và tiếp tục kinh doanh. Long nghiên cứu thị trường, nhân rộng mô hình và xin giấy phép để tiếp tục mở thêm công ty thương mại điện tử. Đến nay, 2 công ty do Long làm giám đốc thật sự ăn nên làm ra, có đại lý ở Hà Nội, là một trong những đơn vị phân phối máy tính bảng, máy đọc sách, phụ kiện công nghệ… lớn ở Việt Nam.
Với tất cả thất bại và thành công mà bản thân đã trải nghiệm từ khi khởi nghiệp, Long chia sẻ với giới trẻ: để tự tạo việc làm thành công, nên bắt đầu với những mô hình càng ít vốn, ít rủi ro càng tạo ra nhiều lãi.
Theo Long, tiền không tạo ra tiền mà chính trí tuệ của con người mới tạo ra tiền. Vì thế, hãy biết cách nghiên cứu thị trường, tìm hiểu thị hiếu của mọi người để từ đó đưa ra mô hình kinh doanh tốt nhất.
Hiện có nhiều bạn trẻ có suy nghĩ chưa đúng về thất bại, gặp thất bại thường buông xuôi, nản lòng và từ bỏ. Nhưng theo Long: “Đừng như thế, hãy có góc nhìn khác từ thất bại. Thay vì sợ thất bại thì hãy mong thất bại thật nhiều, thất bại đến thật nhanh bởi thất bại chính là cách nhanh nhất, hiệu quả nhất để học hỏi được nhiều nhất trong thời gian ngắn nhất. Muốn khởi nghiệp thành công, nên có sự trải nghiệm từ thất bại, bởi chỉ áp dụng lý thuyết thì khó có thể thành công”.
Long cho rằng mỗi người cần có niềm đam mê và tự tạo cho mình việc làm chính đáng. Vì chỉ có yêu thích, đam mê mới có thể làm tốt công việc mình làm. Đồng thời, cần tìm ra một nhóm chừng 3 - 4 bạn làm việc tốt, hiểu ý, có chung suy nghĩ chí hướng.
Thanh Niên ra mắt chuyên trang tiến tới ĐH Đoàn toàn quốc lần X Bắt đầu từ ngày 1.11, bạn đọc trong và ngoài nước có thể truy cập vào chuyên trang Tiến tới ĐH Đoàn toàn quốc lần X trên Thanh Niên Online tại http://www.thanhnien.com.vn/pages/tien-toi-dai-hoi-doan-toan-quoc-lan-x.aspx . Đây là chuyên trang thông tin về các hoạt động thiết thực, những gương mặt tiêu biểu, mô hình sáng kiến của bạn trẻ... Ngoài ra, chuyên trang cũng là nơi để lắng nghe ý kiến đóng góp, đề xuất của bạn đọc trong và ngoài nước cho công tác Đoàn và phong trào thanh thiếu nhi. Thanh Niên |
Ý kiến Tìm hiểu về công việc mình nhắm tới Ở góc độ những người đi tìm việc, các bạn trẻ cần nghiên cứu kỹ công việc mình đang nhắm tới và cân nhắc về khả năng, niềm yêu thích, điểm mạnh bản thân… để xem liệu có phù hợp với công việc đó hay không. Nếu không có sự hình dung, chuẩn bị tốt về công việc thì cho dù được tuyển dụng vào làm, bạn sẽ luôn cảm thấy như đang đi ngược chiều gió, thấy vượt quá sức của mình. Và như vậy, chỉ sau vài hôm, bạn lại phải nghỉ việc, làm mất nhiều thời gian và cơ hội cọ xát, chuyên sâu trong nghề nghiệp. Bên cạnh đó, các bạn nên đầu tư vào những kiến thức cơ bản, kỹ năng cần thiết cho công việc. Không nên chờ sung rụng mà phải chủ động tìm việc. Nguyễn Thị Thanh Thủy Hãy chuẩn bị thật kỹ lưỡng Tôi vẫn thấy có nhiều bạn trẻ tạo việc làm cho mình trong giai đoạn này bằng việc tự kinh doanh trong lĩnh vực họ có am hiểu nhiều nhất, công việc có nhiều kinh nghiệm nhất, phát huy nền tảng kinh doanh từ gia đình. Với cách làm này, họ cũng có cơ hội thành công. Xét trên nhiều khía cạnh, tôi nghĩ là, việc tự tạo ra việc làm cho bản thân mình và cho cả nhiều người khác một cách hợp pháp là tốt. Dẫu vậy, đừng nên khởi nghiệp một cách bị động như một phản ứng trước môi trường lao động nhiều bất ổn như hiện nay. Hay nói cách khác, không nên khởi nghiệp với mục tiêu cơ bản là chỉ để cá nhân bạn không phải thất nghiệp. Rơi vào tình huống này, việc khởi sự kinh doanh của bạn sẽ hàm chứa nhiều bất ổn và đôi khi tạo thêm nhiều gánh nặng cho xã hội (như cạnh tranh bằng mọi giá, doanh nghiệp chết yểu...). Trương Lý Hoàng Phi Như Lịch |
Tuổi trẻ VN xây hoài bão lớn, rèn đức, luyện tài, đoàn kết, sáng tạo, xung kích xây dựng và bảo vệ Tổ quốc |
Lê Thanh - Thanh Nam
>> Đoàn giúp thanh niên nông thôn làm giàu
>> Iran đặt điều kiện ngừng làm giàu uranium
>> Hỗ trợ vốn cho thanh niên làm giàu
>> Chắp cánh cho thanh niên làm giàu
>> Làm giàu nhờ... liều
>> Làm giàu từ nuôi động vật hoang dã
>> Đi học làm giàu từ Lục lạc vàng
>> Làm giàu từ gốc táo
Bình luận (0)