Trường ở vùng ưu tiên vẫn khó tuyển sinh

03/11/2012 03:00 GMT+7

Nhiều trường ĐH tại khu vực Tây Nam bộ được áp dụng chính sách đặc thù trong tuyển sinh ĐH, CĐ nhưng đến nay tình hình xét tuyển vẫn không mấy khả quan.

Trường ở vùng ưu tiên vẫn khó tuyển sinh
Học sinh tỉnh Bạc Liêu tham gia chương trình Tư vấn mùa thi năm 2012 do Báo Thanh Niên tổ chức - Ảnh: Đào Ngọc Thạch

Cần trên 1.000 thí sinh, chỉ khoảng 10 hồ sơ

Theo thạc sĩ Nguyễn Minh Khoa, Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Kinh tế công nghiệp Long An, những ngày qua mới chỉ có dưới 10 thí sinh (TS) nộp đơn xét tuyển sau khi trường thông báo áp dụng quy định mới. Trong khi đó, trường cần xét tuyển đến 1.200 chỉ tiêu. Trường ĐH Cửu Long tuyển đến 1.500 chỉ tiêu và thông báo TS nào có hộ khẩu thuộc danh sách 20 huyện nghèo nếu không đủ điểm sàn có thể đến trường đăng ký học dự bị 1 năm, sau đó học chính thức. Nhưng theo thạc sĩ Nguyễn Cao Đạt, Phó hiệu trưởng, trường chỉ mới nhận được 10 hồ sơ. Với tình hình này, rất khó đảm bảo đủ số lượng chỉ tiêu trong năm nay.

Trường ĐH Tây Đô tuyển thêm đến 3.300 chỉ tiêu cho 13 ngành bậc ĐH và 8 ngành bậc CĐ. Trong các đợt tuyển trước, trường chỉ tuyển được khoảng 40% chỉ tiêu. Ở đợt xét tuyển có áp dụng chính sách đặc thù ưu tiên này cũng không tuyển được nhiều. Theo tiến sĩ Nguyễn Tiến Dũng, Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Phó hiệu trưởng, trong những ngày qua cũng chỉ có vài TS nộp hồ sơ vào trường. 

Trước tình hình khó khăn này, nhiều trường như ĐH Tiền Giang xét gần 1.500 chỉ tiêu ĐH và CĐ, cho biết khi TS nộp hồ sơ xét tuyển, trường sẽ xét trực tiếp và cấp giấy báo trúng tuyển ngay.

Trong khi đó, trong khu vực cũng có nhiều trường không áp dụng quy định này vì đã ổn định tuyển sinh. Theo tiến sĩ Đỗ Văn Xê, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Cần Thơ, trường sẽ không áp dụng chính sách đặc thù trong tuyển sinh. Thạc sĩ Hoàng Xuân Quảng - Phó hiệu trưởng Trường ĐH An Giang cũng cho biết không áp dụng điều này.

Chưa có sự công bằng

Một số chuyên gia tuyển sinh cho rằng chính sách ưu tiên cho TS ở những khu vực được xem là vùng khó khăn trong tuyển sinh (Tây Bắc, Tây nguyên, Tây Nam bộ) vẫn còn nhiều điều bất hợp lý.

Theo quy định của Bộ, các trường ĐH, CĐ có trụ sở chính đặt tại 3 khu vực trên được xét tuyển bổ sung TS có hộ khẩu thường trú từ 3 năm trở lên tại các tỉnh/thành phố thuộc 3 khu vực này và có kết quả điểm thi ĐH (hoặc CĐ) hệ chính quy năm 2012 (đã cộng điểm ưu tiên đối tượng và khu vực) dưới điểm sàn ĐH (hoặc CĐ) không quá 1 điểm. Nghĩa là Bộ không quy định cụ thể huyện, thị, xã nào được hưởng mức ưu tiên này nên TS có hộ khẩu thuộc các khu vực phát triển như TP.Cần Thơ, TP.Vĩnh Long, TP.Tân An... đều được hưởng ưu tiên như các TS thuộc huyện, thị khó khăn khác. Trong khi đó, điều kiện học tập của TS tại các khu vực này không quá khó khăn, thậm chí còn tốt hơn một số vùng ở khu vực Đông Nam bộ, miền Trung.

Một vấn đề khác, theo tiến sĩ Nguyễn Tiến Dũng, Trường ĐH Tây Đô, trong mùa tuyển sinh năm sau trường sẽ gửi văn bản lên Bộ GD-ĐT với những đề nghị tạo sự công bằng hơn giữa trường công lập và ngoài công lập. “Nhiều trường ngoài công lập tại những khu vực khác cũng khó khăn trong tuyển sinh. Bộ phải giải quyết tận gốc của vấn đề, bởi dù được ưu tiên, trường cũng khó cạnh tranh được với các trường công lập trong khu vực”, ông Dũng băn khoăn.

Các chính sách tìm nguồn nhân lực cho địa phương

Chất lượng đào tạo cần có những chuẩn mực nhất định, không vì thiếu số lượng sinh viên, cán bộ trình độ ĐH mà tùy tiện giảm chất lượng, điểm đầu vào. Một thực tế mà ai cũng biết rõ đồng bằng sông Cửu Long không thiếu bác sĩ và bệnh viện, song bệnh nhân đã lên TP.HCM điều trị gây ra tình trạng quá tải các bệnh viện công ở đây (tình trạng ở Hà Nội cũng thế). Để giải quyết tình trạng thiếu cán bộ trình độ ĐH cho Tây Nam bộ, Tây Nguyên, Tây Bắc cần có các chính sách như sau:

- Trả lương cao và có nhà công vụ để thu hút người tài, người có năng lực về địa phương mình.

- Cho bác sĩ địa phương luân phiên đến các bệnh viện có nhiều bác sĩ giỏi ở TP.HCM, Hà Nội tập huấn. Sau đó đưa họ về địa phương đồng thời đầu tư cơ sở máy, thiết bị y khoa.

- Cấp học bổng cao cho sinh viên nào đăng ký sau khi tốt nghiệp, tình nguyện đến Tây nguyên, Tây Nam bộ, Tây Bắc làm việc từ 5 năm trở lên. Nếu ai không thực hiện hợp đồng thì bị ra tòa án trả lại số tiền đã nhận.

- Đầu tư kinh phí cho phát triển giáo dục phổ thông, TCCN, dạy nghề, tạo nguồn sinh viên địa phương cho phát triển CĐ, ĐH đồng thời góp phần nâng cao đời sống vật chất, văn hóa và tinh thần cho 3 vùng này.

                Tiến sĩ HỒ HỮU NHỰT Nguyên Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Thanh niên Chính phủ cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam

Đăng Nguyên

>> Xây dựng chính sách ưu tiên ngành học khó tuyển sinh
>> Trường lớn cũng khó tuyển sinh
>> Những bất cập của lao động nghề: Trường nghề khó tuyển sinh

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.