Sự thiệt thòi đáng thương
Trẻ sinh non tháng là trẻ ra đời trước khi được 37 tuần tuổi tính theo ngày đầu kỳ kinh chót của mẹ. Sinh non không phải là chuyện hiếm, theo số liệu của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cứ trung bình 10 trẻ ra đời, có một trẻ bị sinh non. Và có hẳn một ngày Thế giới vì trẻ sinh non (17.11) nhằm kêu gọi sự nhận thức và quan tâm giúp đỡ của cộng đồng, bởi hằng năm có tới hơn một triệu trẻ sinh non tử vong.
|
Cứ một ngày được ở lâu hơn trong bụng mẹ (cho đến đủ tháng đủ ngày) trẻ phát triển bằng cả tuần nếu so với khi bị ra đời sớm. Sự thiệt thòi này được thể hiện qua hàng loạt mối nguy hiểm chung của trẻ sinh non nhẹ cân như: thở khó khăn, dễ bị chảy máu trong não, có thể bị bệnh tim bẩm sinh, bệnh lý võng mạc; dạ dày, ruột, các dịch tiêu hóa không đủ gây khó bú, khó bài tiết phân, nước tiểu... Hệ miễn dịch yếu khiến trẻ non tháng dễ bị nhiễm trùng. Trẻ càng non tháng càng không có các chất dự trữ quan trọng như đường, chất béo (DHA, ARA), can xi, sắt vì những dự trữ này chỉ có ngày càng nhiều trong 3 tháng cuối của thai kỳ.
Nuôi trẻ sinh non rất vất vả. Bạn chỉ có thể giảm bớt những căng thẳng, bất an, sợ hãi trong quá trình chăm sóc trẻ bằng cách tuân thủ lịch tái khám trẻ sinh non và nhất là cùng với các bác sĩ, tích cực theo đuổi một chiến lược dinh dưỡng đặc biệt cho con mình.
Áp dụng chế độ dinh dưỡng khoa học
Trẻ sinh non có nhu cầu đặc biệt cao về dinh dưỡng để “bắt kịp” với đà phát triển như khi còn trong môi trường bào thai. Thiếu dinh dưỡng, trẻ sinh non có thể tử vong, có thể phải đối mặt với nguy cơ dị tật, có thể chậm phát triển trí tuệ, bất lợi trong phát triển ứng xử khi đến trường. Khó khăn ở chỗ, trong khi nhu cầu đạm, vitamin, khoáng chất đều cao hơn trẻ bình thường thì khả năng dung nạp và hấp thu của trẻ sinh non lại rất hạn chế do kích thước dạ dày không đủ lớn, khả năng tiêu hóa, hấp thu dưỡng chất thấp. Trẻ sinh non khó tăng cân, hay bị trào ngược dạ dày thực quản, dễ ọc sữa tím tái. Trẻ sinh non cũng thường bị chướng bụng, khó đi tiêu vì thiếu men tiêu hóa và viêm ruột do niêm mạc ruột dễ bị tổn thương. Khoảng trên 30 ngày tuổi, trẻ dễ bị thiếu máu.
Sữa mẹ là nguồn dinh dưỡng hoàn hảo, nhưng với những trẻ thiếu tháng, nhẹ cân, bé cần bú được lượng sữa gấp 3 lần so với trẻ bình thường. Với dạ dày nhỏ hơn, khả năng nuốt, hấp thu hạn chế, điều này gần như không thể thực hiện được.
Do đó cần áp dụng chiến lược dinh dưỡng điều trị kết hợp nuôi ăn bằng sữa mẹ. Khi còn nằm viện, trong trường hợp không có sữa mẹ, việc sử dụng sữa cho trẻ non tháng sẽ được các bác sĩ hướng dẫn và thường được duy trì cho đến khi trẻ được 3.600 gr. Sau khi xuất viện, các bà mẹ cần thiết được bác sĩ tư vấn cách tự nuôi trẻ sinh non và tuân thủ đúng theo sự hướng dẫn, bởi trẻ cần được duy trì dinh dưỡng cao năng lượng cho đến khi được ít nhất 9 tháng tuổi và có thể kéo dài đến 12 tháng.
ThS-BS Cam Ngọc Phương
(Trưởng khoa Hồi sức sơ sinh BV Nhi đồng 1)
Bình luận (0)