Làn sóng Hàn Quốc: thành công của văn hóa đại chúng

17/11/2012 09:03 GMT+7

Tọa đàm Hiện tại và tương lai phát triển của làn sóng Hàn Quốc - Hallyu tại Việt Nam vừa được Bộ VH-TT&DL phối hợp với Trung tâm Văn hóa Hàn Quốc tổ chức ở Hà Nội chiều 16-11.

Tọa đàm Hiện tại và tương lai phát triển của làn sóng Hàn Quốc - Hallyu tại Việt Nam vừa được Bộ VH-TT&DL phối hợp với Trung tâm Văn hóa Hàn Quốc tổ chức ở Hà Nội chiều 16-11.

Cuộc tọa đàm nhân kỷ niệm 20 năm quan hệ ngoại giao Việt - Hàn.

Câu chuyện làn sóng Hallyu (tạm dịch là làn sóng văn hóa Hàn Quốc) thu hút sự bàn luận sôi nổi của các nhà nghiên cứu Việt Nam, Hàn Quốc, các nhà báo và giới trẻ - những người hâm mộ Hallyu.

Những cuộc đổ bộ truyền thống và thức thời

Theo ông Kim Kwon Yong (phóng viên thường trú báo Yonhap News của Hàn Quốc tại Hà Nội), chiến lược phủ sóng của Hallyu chia làm ba giai đoạn. Giai đoạn thứ nhất với những bộ phim truyền hình tâm lý tình cảm, giai đoạn hai thuộc về K-pop và giai đoạn ba là giới thiệu dòng phim điện ảnh Hàn Quốc.

Trong đó ở Việt Nam, làn sóng Hàn Quốc đang bước vào giai đoạn hai gắn với các đại nhạc hội có sự tham gia của các nhóm nhạc, ca sĩ nổi tiếng của Hàn Quốc.

 Làn sóng Hàn Quốc: thành công của văn hóa đại chúng
Các bạn trẻ reo hò khi xem nhóm Big Bang biểu diễn tại sân Phú Thọ, TP.HCM tháng 4-2012 - Ảnh: Thuận Thắng

Không giấu giếm tham vọng mạnh mẽ của mình, ông Kang Cheol Keun (chủ tịch Hiệp hội Giao lưu văn hóa quốc tế Hallyu) khẳng định: “Hallyu là sự thống nhất của văn hóa châu Á phát triển rộng ra toàn thế giới. Đó là sự cộng hưởng, chia sẻ giá trị văn hóa và Hallyu phải được gọi là văn hóa đại chúng”.

 

"Văn hóa truyền thống Việt Nam không thua kém bất cứ nước nào trên thế giới. Đối với các nước thế giới thứ ba, việc quảng bá văn hóa là con đường hữu hiệu để giới thiệu mình ra thế giới"

Ông Kang Cheol Keun (chủ tịch Hiệp hội Giao lưu văn hóa quốc tế Hallyu)

Một trong những dẫn chứng của tham vọng này được ông Kang Cheol Keun dẫn ra chính là điệu Gangnam Style làm điên đảo thế giới của rapper người Hàn PSY (Park Jae Sung). “Gangnam Style ban đầu khiến cả người Hàn Quốc xấu hổ, nhưng giờ nó lan tràn khắp thế giới. Không phải vì nó cổ điển hay hoành tráng mà vì nó tự do, thoải mái, ai cũng có thể tham gia. Thành công của Gangnam Style là đem văn hóa đại chúng của châu Á đến các tầng lớp, giai tầng trong xã hội”.

Bản thân ông Kang Cheol Keun cũng thừa nhận sự lan tràn rộng rãi của làn sóng Hàn Quốc đã ngày càng tăng cường sức ảnh hưởng của nước này trên thế giới: “Hallyu đã chuyển thành sức mạnh mềm khiến mọi người trên thế giới sẵn sàng đi theo. Hallyu được xây dựng với con đường đi làm hài lòng tất cả đối tượng, dựa trên truyền thống và các giá trị mới. Nếu chỉ có riêng truyền thống thì những người đến từ các nền văn hóa khác khó có thể cảm nhận được. Văn hóa phải thức thời để bắt kịp sự thay đổi của thời đại”.

Nhưng ông Kang Cheol Keun cũng nhấn mạnh: “Văn hóa truyền thống mới là cốt lõi của văn hóa Hàn Quốc”. Cho nên sự phổ cập của phim truyền hình đến mọi ngõ ngách đời sống, K-pop làm điên đảo giới trẻ... chưa phải là điểm dừng mà làn sóng Hallyu hướng đến.

Nâng cao năng lực tiếp nhận

Khánh Chi (sinh viên theo học tiếng Hàn Quốc tại Đại học Ngoại ngữ - ĐH Quốc gia Hà Nội) - một đại diện của những người yêu phim Hàn, mê thần tượng Hàn và thích ăn các món Hàn Quốc - chia sẻ: “Lý do tôi chọn học ngôn ngữ này là do ảnh hưởng lớn từ làn sóng Hàn Quốc khi phim Hàn được phát sóng rầm rộ trên truyền hình Việt Nam. Với riêng bản thân tôi, sự thành công của làn sóng Hàn Quốc tại Việt Nam là một điều tất yếu. Một sự thật là Việt Nam chưa có định hướng rõ ràng để phát triển văn hóa nên giới trẻ không biết hướng theo đâu. Đúng lúc đó làn sóng Hàn du nhập, một sự du nhập đầy “ngọt ngào” chiếm trọn vẹn trái tim của giới trẻ”.

Khác với thái độ lo ngại, e dè xen lẫn chỉ trích của không ít phụ huynh trước sự đón nhận cuồng nhiệt làn sóng Hallyu của các bạn trẻ, ở khía cạnh một nhà nghiên cứu lẫn phụ huynh của cô con gái 17 tuổi say mê sao Hàn, PGS.TS Lương Hồng Quang có thái độ cởi mở hơn. Thái độ này như ông chia sẻ là phải đặt mình vào thế hệ của con cái.

“Tôi nghĩ sự hình thành các trào lưu văn hóa là một tất yếu. Một mặt, nó làm đời sống văn hóa trở nên phong phú và đa dạng hơn, mặt khác cũng làm phân hóa xã hội thành những nhóm thị hiếu khác nhau, đôi khi là chia rẽ và kình địch nhau (các tranh luận giữa người hâm mộ Hàn với người hâm mộ Nhật Bản). Có thể có những lệch lạc, có những thái quá, việc nghiện một kiểu loại văn hóa nào đó ở một nhóm nhỏ hay cá nhân, sự ngộ nhận trước những hào nhoáng của ánh đèn sân khấu, của các ngôi sao, song trên hết giới trẻ Việt Nam tiếp nhận được các giá trị văn hóa, được giao lưu tiếp xúc, học hỏi một nền văn hóa khác mình” - PGS.TS Quang chia sẻ.

Cũng bởi vậy, Hallyu không chỉ mang ý nghĩa tiêu cực, sự phổ biến của nó cho Việt Nam nhiều bài học về quảng bá văn hóa. PGS.TS Lương Hồng Quang đề xuất: “Văn hóa đại chúng (popular culture) là một kiểu loại văn hóa cần được chúng ta nghiên cứu sâu hơn bởi là sản phẩm của xã hội đô thị, xã hội tiêu thụ, của quan niệm văn hóa là cái của đời sống hằng ngày thay vì chỉ tất cả là tinh túy, cao siêu. Hiểu biết hơn về văn hóa đại chúng sẽ là nền tảng lý luận cho chúng ta phát triển các ngành công nghiệp sáng tạo”.

“Không thể đóng cửa, đó là một việc tất yếu. Để không bị nhấn chìm hay cuốn trôi, chúng ta chỉ có thể thích nghi và nâng cao năng lực tiếp nhận” - ông nói.

Theo Hà Hương / Tuổi Trẻ

>> Làn sóng Hàn Quốc" càn quét làng giải trí châu Á

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.