Cổ đông lớn thiếu hợp tác để tái cơ cấu ngân hàng

24/11/2012 03:35 GMT+7

Bộ Kế hoạch - Đầu tư vừa có báo cáo về việc thực hiện Đề án tổng thể tái cơ cấu kinh tế, trong đó nhấn mạnh tới vấn đề tái cơ cấu hệ thống ngân hàng.

Cổ đông lớn thiếu hợp tác để tái cơ cấu ngân hàng
Nhiều ngân hàng cần phải được tái cơ cấu - Ảnh: Ngọc Thắng

Theo báo cáo, trong số 9 ngân hàng (NH) cổ phần yếu kém phải cơ cấu lại thì có 3 NH đã được hợp nhất (NH CPTM Sài Gòn - SCB, Đệ Nhất, Việt Nam Tín Nghĩa), 2 NH Tiên Phong và Nhà Hà Nội (Habubank) đã được phê duyệt phương án cơ cấu lại. Đối với 4 NH còn lại đang chỉ đạo khẩn trương xây dựng và hoàn thiện phương án tái cơ cấu phù hợp, trình các cơ quan có thẩm quyền phê duyệt để thực hiện trong 2012. Trước đó, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cũng công bố danh tính 4 NH này gồm: Đại Tín, Nam Việt, Phương Tây và GPBank. Bên cạnh đó, NHNN đang triển khai để hoàn thành căn bản việc cổ phần hóa NH Đầu tư và phát triển Việt Nam (BIDV), NH Nhà đồng bằng sông Cửu Long, và đề án cơ cấu lại Agribank.

Nguyên nhân khiến việc tái cơ cấu lại các NH khó khăn, chậm theo báo cáo do khuôn khổ pháp lý, đặc biệt là chính sách cho phép sự can thiệp, xử lý đối với các tổ chức tín dụng (TCTD) yếu kém khi cần thiết chưa hoàn thiện. Thiếu các cơ chế chính sách về miễn giảm thuế, phí để hỗ trợ TCTD trong xử lý nợ xấu và các tài sản đảm bảo tiền vay, các cơ chế chính sách về miễn giảm thuế, phí liên quan đến các giao dịch sáp nhập, hợp nhất, mua lại. Báo cáo đặc biệt nhấn mạnh sự thiếu hợp tác, thậm chí chống đối từ phía cổ đông lớn của các NH thương mại yếu kém đối với các chính sách, biện pháp tái cơ cấu theo chỉ đạo của NHNN, gây khó khăn cho quá trình tái cơ cấu đối với các NH này.

Liên quan đến vấn đề xử lý nợ xấu, báo cáo cho biết NHNN đang tích cực chuẩn bị thành lập Công ty quản lý tài sản, xử lý các khoản nợ xấu thông qua cơ cấu lại khoản nợ, cơ cấu lại doanh nghiệp vay, thu nợ và bán tài sản bảo đảm. Trong đó, nguyên tắc căn bản là hạn chế tối đa việc sử dụng vốn ngân sách cho việc xử lý nợ xấu của các TCTD. Bảo đảm hài hòa lợi ích của nhà nước, TCTD và các bên liên quan, nhưng trước hết TCTD và khách hàng vay phải chịu trách nhiệm chính về các khoản nợ xấu phát sinh và chia sẻ tổn thất trong việc xử lý nợ xấu. Nhà nước chịu trách nhiệm xử lý các khoản nợ xấu do cho vay các đối tượng chính sách hoặc theo chỉ định của Chính phủ.

Đối với nội dung tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước, theo báo cáo đến 22.10.2012 đã có 52 tập đoàn, tổng công ty xây dựng đề án. Trong đó có 16 đề án đã trình Thủ tướng, 23/52 tập đoàn, tổng công ty được phê duyệt đề án tái cơ cấu. Hiện Thủ tướng đã phê duyệt đề án tái cơ cấu của 1 tập đoàn, các bộ chuyên ngành phê duyệt 22 tổng công ty. Tuy nhiên, việc cổ phần hóa, chuyển một số đơn vị thành công ty cổ phần đang gặp phải khó khăn liên quan đến kiểm toán, xác định giá trị doanh nghiệp. Giá trị cổ phần kém hấp dẫn nên việc cổ phần hóa các đơn vị không đảm bảo được đúng thời gian quy định.

Anh Vũ - Nguyệt Minh

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.