“Vua” cổ vật Champa
Với hơn 2.000 hiện vật, trong đó đến 90% là hiện vật bằng vàng, ngọc, bộ sưu tập của Hồ Anh Tuấn thuộc loại “dữ dằn” và hiếm thấy của Việt Nam.
Người dân Đà Nẵng lần đầu tiên biết đến nhà sưu tập Hồ Anh Tuấn qua bộ bình Kendy và mâm đồng từ thế kỷ 4-5 còn nguyên vẹn của người Champa, cổ vật thuộc loại duy nhất được tìm thấy tính đến thời điểm này, đang được trưng bày tại triển lãm ở Bảo tàng Đà Nẵng. Nhưng cái tên Hồ Anh Tuấn đã quá quen thuộc và nổi tiếng với giới chơi cổ vật, đặc biệt là cổ vật Champa.
Duyên nghiệp của anh với thú chơi này được nối tiếp từ thời ông nội, rồi cha anh. Năm 20 tuổi, trong một lần dọn bàn thờ, anh bị hút hồn với chiếc bình độc ẩm của gia đình được bày nơi đây. Kể từ đó, ý thức sưu tầm cổ vật, gắn bó, đam mê với nó bắt đầu trỗi dậy trong anh, dù trước đó, thấy ông nội và cha sưu tầm, anh chỉ yêu thích công việc này một cách đơn thuần.
Khác với các nhà sưu tầm tư nhân khác thường chơi đồ cổ theo phong cách đa dạng, đại trà, ý thức sưu tầm cổ vật của Hồ Anh Tuấn tập trung duy nhất vào các hiện vật Champa. Anh lý giải: “Các cổ vật Trung Hoa, người chơi chủ yếu để dưỡng thần. Còn với cổ vật Champa, nó không đơn thuần là để thưởng lãm mà còn để nghiên cứu về khoa học, về tôn giáo, tập quán. Cổ vật Champa không sản xuất nhiều và hàng loạt mà được làm thủ công nên không nhiều, nên nếu giữ gìn, bảo quản không tốt sẽ thất thoát và biến mất”.
|
Đến thời điểm này, bộ sưu tập cổ vật Champa của Hồ Anh Tuấn đã có trên dưới 2.000 món. Có tận mắt chứng kiến mới thấy được độ “khủng” của bộ sưu tập này. Nói không quá khi cho rằng, đây là bộ sưu tập đầu tiên và duy nhất phong phú và đầy đủ các hiện vật cổ Champa. Thông thường, các nhà sưu tầm có thể có những món cổ vật Champa thuộc hàng “độc”, nhưng để thành một bộ hoàn hảo thì chỉ duy nhất bộ sưu tập của Hồ Anh Tuấn.
Những cuộc hội ngộ ngẫu nhiên của anh với các món cổ vật xếp vào loại báu vật có cảm giác như duyên tiền định. Đơn cử như một món cổ vật vô cùng quý giá mà anh sở hữu cách đây hơn 7 năm. “Một hôm bỗng có người điện thoại ngỏ ý bán cho tôi một pho tượng thần Ganesha đứng trên một đầu lâu. Nhìn bên ngoài có cảm giác tượng gần như mục, các lớp gỉ đồng xanh bám chặt sùi lên toàn thân tượng do bị vùi trong lòng đất lâu ngày. Nếu để ý kỹ thì thấy lỗ chỗ trên tượng những hạt to bằng hạt bắp nhưng không hề gỉ sét. Bằng kinh nghiệm vật lý mà người cha vốn là thầy dạy học hướng dẫn, anh nhận ra rằng đó chính là pho tượng làm bằng quặng vàng của người Champa có lẫn tạp chất.
Hay như bộ bình Kendy nổi tiếng, anh mua chiếc bình đầu tiên từ một người ở Quảng Trị. Hai tháng sau, cũng người này bán tiếp cho anh chiếc bình còn lại. Bảy năm sau, trong một chuyến công tác ở Huế, vô tình anh lại mua được chiếc mâm đồng của một người ở gần chỗ đã bán cho anh 2 chiếc bình.
Một số cổ vật mà ngay cả giới chơi đồ cổ cũng chỉ nghe mà chưa một lần tận mắt chứng kiến như bộ nhạc cụ Champa, cây bút của người Champa có niên đại cách đây 2.000 năm, đôi khuyên tai nặng đến 6 lượng vàng, mặt nạ dát vàng của vương triều Champa... Với giới chơi cổ vật thì chơi cổ vật Champa không phải chỉ có tiền mà là có rất - rất nhiều tiền mới trụ được. Giá cổ vật Champa trên thị trường đồ cổ quá đắt đỏ theo tỷ lệ quy định: nếu đồ đẹp thì 1 ăn 10, đồ bình thường cũng có giá gấp 2, gấp 3, có khi gấp 6 lần cân nặng của hiện vật. Đơn cử như cặp khuyên tai anh đang sở hữu tương đương 6 lượng vàng Chăm. Để có được nó, anh đã phải đổi bằng 60 lượng vàng!
Bảo tàng tư nhân
Để có tiền trang trải cho những món cổ vật “khủng”, nhà sưu tầm Hồ Anh Tuấn đã bôn ba đủ nghề. Ngoài sự trợ giúp của cha mình, rồi công việc của một luật sư, anh còn mở nhà hàng, kinh doanh thêm để có “sức” nuôi dưỡng niềm đam mê.
Không chỉ chơi đồ cổ, anh còn nghiên cứu, tìm hiểu nó. Cuốn sách Bí ẩn những chiếc gương cổ của Trung Hoa được tìm thấy trong di chỉ Champa (NXB Đà Nẵng, 2001) do anh cùng cha viết, sách Từ tập quán đến những chiếc tẩu thuốc trong nền văn minh Champa, Mỹ thuật Champa - bí ẩn và khám phá đã góp phần cho việc nghiên cứu, cung cấp những kiến thức về nền văn hóa độc đáo này. Điều lý thú nữa là khi bạn bè anh có dịp đi đến một số bảo tàng, viện nghiên cứu về cổ vật ở nước ngoài thì thấy sách của anh được giới thiệu tại đó và được họ đánh giá rất cao.
Những ngày này, không dễ để gặp Hồ Anh Tuấn khi anh đang tất bật cho dự án bảo tàng Champa tư nhân dự kiến hoàn thiện sau 15 ngày nữa. Ý tưởng thành lập bảo tàng hình thành trong anh khi những du khách nước ngoài tham quan Thánh địa Mỹ Sơn, Bảo tàng Champa Đà Nẵng muốn tìm hiểu thêm về phong tục, tập quán, sinh hoạt của người Champa thông qua các cổ vật được người Champa sử dụng hằng ngày. Bảo tàng được xây dựng tại TP.Hội An, sẽ là nơi trưng bày toàn bộ gia tài cổ vật mà anh đang lưu giữ để phục vụ cho nhu cầu thưởng lãm, tìm hiểu của người dân và du khách.
Bộ bình Kendy Kendy là bình đựng nước thánh lấy từ các linga đá trong điện thờ Champa để dâng lên thần Shiva. Phụ nữ Champa muốn có con thì đến điện thờ và xin nước đó uống. Điều quý giá của bộ mâm và bình Kendy của Hồ Anh Tuấn không chỉ ở việc anh có nguyên một bộ mà còn vì các cổ vật dù niên đại cách đây gần 2.000 năm nhưng vẫn nguyên vẹn với các đường chạm trổ sắc sảo, tinh vi. Đây là bộ bình duy nhất của Việt Nam được tìm thấy tính đến thời điểm hiện tại và đang được anh đưa triển lãm tại Bảo tàng Đà Nẵng. |
Vũ Phương Thảo
>> Tặng 54 cổ vật giá trị cho bảo tàng
>> Hiến tặng cổ vật cho Bảo tàng Đà Nẵng
>> Cấp phép khai quật cổ vật tại con tàu đắm
>> Cuộc "hội ngộ" của những cổ vật quý
>> Hoàn tất phương án khai quật cổ vật
>> Cổ vật để thưởng thức trầu cau
>> Nghi vấn cổ vật La Gi khai quật từ Côn Đảo
Bình luận (0)