“Hiện tại chúng ta đang có mốt lập hồ sơ để di sản trở thành di sản văn hóa thế giới”, PGS-TS Lê Hồng Lý, Viện trưởng Viện Nghiên cứu văn hóa dân gian nói. Xu hướng này được GS Oscar Salemink nhận thấy rất rõ. Theo GS, từ khi cố đô Huế ghi danh vào Danh sách Di sản thế giới năm 1993, Việt Nam đã có những nỗ lực tuyệt vời để các di sản văn hóa (DSVH) của mình được UNESCO công nhận là di sản thế giới. Tiếp sau các di tích là các DSVH phi vật thể như quan họ, ca trù, hát xoan và hội Gióng. Tuy nhiên, nhãn DSVH này đã có nhiều tác động tiêu cực tới các thực hành văn hóa vốn gắn với các cộng đồng cụ thể.
Trong một số trường hợp, theo GS Oscar, sự khẳng định chính thức di sản của nhà nước còn dẫn đến đầu tư hoặc cải tiến mâu thuẫn với bảo tồn di sản. Cộng đồng ở địa phương bị tước quyền thực hành di sản đó như trước. Đặc quyền thực hành di sản sau đó được trao cho du lịch, kinh tế, chính trị. Chẳng hạn, âm nhạc cồng chiêng đang ở trong tình thế khó xử khi đưa ra làm du lịch. Trong khi, nó chủ yếu là âm nhạc nghi lễ.
|
GS Oscar lo lắng rằng một khi thực hành văn hóa địa phương đã trở thành điểm can thiệp và thi hành chính sách từ bên ngoài thì cái nhãn di sản, theo đó thành con dao hai lưỡi. Nó có thể mang lại kết quả tốt về bảo quản, quản lý và chia sẻ lợi ích như ở Hội An. Nhưng nó cũng có thể khiến người dân địa phương bị đẩy ra ngoài, mất độc quyền thực hành văn hóa của họ.
Thêm vào đó, việc UNESCO hóa di sản còn khiến các di sản nhận nhiều hơn tác động của toàn cầu hóa. Khi đó, môi trường của thực hành di sản thay đổi do công chúng bên ngoài đến xem và nghe, thực hành di sản kiểu của khách du lịch. Di sản sau đó bị biến dạng, và đa dạng văn hóa cũng mất theo. “Di sản hóa là một con đường nguy hiểm và điều quan trọng là phải nhận thức được nó để giữ sự cân bằng ngay từ đầu”, GS Oscar nói.
“GS Oscar đã nói đúng về nguy cơ khi một di sản được công nhận, cộng đồng địa phương liền coi việc bảo vệ nó là việc của nhà nước. Đồng thời, họ cũng không có quyền với di sản đó như trước được nữa. Trường hợp hội Gióng cho thấy điều đó. Người dân thậm chí còn đòi tiền khi tham gia diễn hội Gióng, trong khi trước đây đó là một vinh dự”, một PGS-TS nghiên cứu văn hóa nói bên lề hội thảo.
Phát triển ngành Việt Nam học Hội thảo quốc tế Việt Nam học lần thứ 4 với chủ đề “Việt Nam trên con đường hội nhập và phát triển bền vững”, do Viện Khoa học xã hội Việt Nam phối hợp với ĐH Quốc gia Hà Nội tổ chức tại Hà Nội từ 26-28.11. Phát biểu tại phiên khai mạc, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng mong muốn các nhà nghiên cứu, nhà hoạch định chính sách trao đổi cởi mở và thẳng thắn, chia sẻ các thành quả nghiên cứu cũng như đưa ra các ý tưởng, các kiến nghị; qua đó đóng góp thiết thực cho việc nâng cao nhận thức, đề xuất những giải pháp và chính sách cụ thể thúc đẩy hội nhập và phát triển bền vững ở Việt Nam; thành lập được nhiều hơn các Trung tâm nghiên cứu Việt Nam ở các nước, góp phần quan trọng vào việc phát triển ngành Việt Nam học. Trường sơn |
Trinh Nguyễn
Bình luận (0)