Ngày 1.12, RIA Novosti đưa tin các thượng nghị sĩ Mỹ vừa thống nhất về các sửa đổi để kết thúc quan hệ mua bán giữa Lầu Năm Góc với tập đoàn xuất khẩu vũ khí Nga Rosoboronexport. Theo đó, lý do đưa ra quyết định trên là nhiều nghị sĩ Mỹ cáo buộc Rosoboronexport cung cấp vũ khí cho chính quyền của Tổng thống Syria Bashar al-Assad. RIA Novosti dẫn lời thượng nghị sĩ John Cornyn thuộc đảng Cộng hòa tuyên bố: “Không nên đem tiền thuế của dân Mỹ để trợ cấp gián tiếp cho những kẻ giết hại hàng loạt thường dân Syria. Trong khi đó, có những lựa chọn khác để mua các loại vũ khí tương tự”. Dự kiến, Thượng viện Mỹ sẽ chính thức bỏ phiếu thông qua toàn bộ dự luật liên quan đến vấn đề này vào tuần sau. Hồi tháng 7, Hạ viện Mỹ đã bỏ phiếu ủng hộ việc chấm dứt hợp đồng mua vũ khí giữa Lầu Năm Góc với Tập đoàn Rosoboronexport. Động thái trên diễn ra ngay sau khi Nga và Trung Quốc lần thứ 3 phủ quyết dự thảo nghị quyết của HĐBA LHQ về việc áp đặt các biện pháp trừng phạt chính quyền Damascus.
|
Hồi giữa tháng 6, ông Cornyn yêu cầu Bộ Quốc phòng Mỹ chống lại Rosoboronexport nhưng bị Lầu Năm Góc bác bỏ. Khi đó, giới chức Mỹ cho rằng việc làm ăn với công ty xuất khẩu vũ khí Nga là phương thức hợp pháp duy nhất để cung cấp trực thăng cho Afghanistan. Đó là vì quân đội Afghanistan vốn chỉ quen dùng các vũ khí Nga nên việc vận hành và bảo trì về sau sẽ dễ dàng hơn. Vì thế, dù dẫn đầu thế giới về xuất khẩu quốc phòng nhưng Washington quyết định mua vũ khí của Moscow nhằm trang bị cho không quân Afghanistan sau khi Mỹ triệt thoái lực lượng vào năm 2014. Tuy nhiên, diễn biến mới nhất chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến các hợp đồng trước đó giữa Lầu Năm Góc với Rosoboronexport. Hồi tháng 5.2011, Mỹ ký hợp đồng mua 21 trực thăng Mi-17V5 của Nga trị giá 367,5 triệu USD để cung cấp cho quân đội Afghanistan. Đến giữa năm nay, hai bên lại công bố hợp đồng trị giá 171 triệu USD mua 10 máy bay trực thăng chiến đấu Mi-17.
Theo tạp chí Business Week, từ năm 2006 - 2010, Rosoboronexport từng bị Mỹ trừng phạt vì bị cáo buộc cung cấp các thiết bị có thể dùng để phát triển vũ khí hủy diệt hàng loạt cho Iran và Syria.
Washington cấp phương tiện thông tin cho phe chống đối Damascus Tờ The Washington Post dẫn lời phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ Victoria Nuland ngày 30.12 cho hay nước này đã cung cấp khoảng 2.000 bộ thiết bị thông tin cho lực lượng đối lập tại Syria. Theo đó, số thiết bị này bao gồm máy vi tính, điện thoại và máy ảnh nhằm giúp phe nổi dậy vượt qua các trở ngại trong việc liên lạc. Đồng thời, Mỹ cũng cung cấp phương tiện chống nghe trộm để giúp lực lượng đối lập tại Syria có thể bảo mật thông tin liên lạc. |
Lê Loan
>> Thổ Nhĩ Kỳ tố máy bay Syria chở vũ khí Nga
>> Vũ khí Nga ở Indonesia
Bình luận (0)