Bực mình vì đèn đỏ

05/12/2012 09:44 GMT+7

Suốt tuần qua, người Đà Nẵng vốn quen đường thông hè thoáng đâm ra bực mình, cứ phóng xe một đoạn ngắn lại gặp đèn đỏ trên phố chính bởi số nút đèn tín hiệu giao thông vừa tăng lên gấp 3 và còn đang thử nghiệm trong suốt tháng 12 này.

Nút đèn giao thông dày nhất là trên đường Nguyễn Văn Linh (từ Phan Châu Trinh đến Phan Thanh) chưa đầy 1,5 km đã có 6 nút đèn giao thông, tương tự, đường Trần Phú (từ cầu sông Hàn đến Lê Hồng Phong) 6 nút/1,5 km. Đường Phan Châu Trinh từ Lê Hồng Phong-Hoàng Văn Thụ-Nguyễn Văn Linh ngắn cũn cũng có 3 nút đèn.

Các chuyên gia Tây Ban Nha đang cài đặt hệ thống camera và đèn tín hiệu tại Trung tâm điều hành 
Các chuyên gia Tây Ban Nha đang cài đặt hệ thống camera và đèn tín hiệu tại Trung tâm điều hành - Ảnh: Nguyễn Tú

Nhiều nhất là đường Hùng Vương với 8 nút đèn, riêng đoạn từ Trần Phú đến Phan Châu Trinh có 4 nút, đặc biệt lạ kì là 2 nút cách nhau chưa đầy 50 m ngay trước nhà hát Trưng Vương. Cũng trên đường Hùng Vương, đoạn chợ Cồn-Triệu Nữ Vương chưa đầy 150m cũng có 2 nút.

Anh Lê Văn Hà, 34 tuổi (trú đường Triệu Nữ Vương, Q.Hải Châu), lái xe taxi cho hay, tốn xăng nhất là sau khi đón khách ở sân bay, hàng chục xe taxi từ sân bay ra nối đuôi nhau xếp hàng dài chờ các nút đèn đỏ liên tiếp trên đường Nguyễn Văn Linh đoạn từ Phan Thanh-Hàm Nghi-Đỗ Quang-Nguyễn Hoàng (chưa đầy 0,5km)-Hoàng Diệu -Phan Châu Trinh.

Đa số người dân cho biết họ đồng tình với việc lắp đặt thêm hệ thống đèn tín hiệu giao thông nhằm đảm bảo trật tự, an toàn giao thông thành phố, tuy nhiên chỉ nên vận hành tất cả các trụ vào giờ tan tầm, cao điểm, hoặc khi thành phố có những sự kiện trọng đại, lễ hội tập trung đông du khách, phương tiện. Còn ở một số tuyến đường mật độ phương tiện thấp, giờ thấp điểm (trưa hoặc khuya) thì tắt một số nút đèn không cần thiết. Ngoài ra, ở ngã 3 Đống Đa-Cao Thắng (hướng về sông Hàn), Trưng Nữ Vương (hướng về Bảo tàng Chăm)-Núi Thành nên cho phép phương tiện được đi thẳng khi đèn đỏ bởi hướng di chuyển này không có đường giao nhau.

Ông Đặng Nam Sơn, Giám đốc Trung tâm điều hành đèn tín hiệu giao thông và vận tải công cộng cho biết, từ thập niên 90 của thế kỉ trước đến nay toàn thành phố chỉ có 22 nút đèn tín hiệu giao thông, hiện đã tăng lên 60 nút và đầu năm 2013 sẽ là 71 nút thì không tránh khỏi chuyện người dân cảm thấy khó chịu. Đây là dự án Cải thiện hệ thống đèn tín hiệu giao thông TP.Đà Nẵng, tiến hành từ năm 2010 với quy mô cải tạo 22 nút đèn cũ, lắp 42 nút đèn mới với tổng nguồn vốn 4,2 triệu Euro do Chính phủ Tây Ban Nha tài trợ (trong đó TP.Đà Nẵng đối ứng 0,7 triệu Euro). Cả 64 nút đèn tín hiệu này đều được đấu nối về Trung tâm điều hành đèn tín hiệu giao thông và vận tải công cộng, trong đó có 35 nút lắp camera quan sát. Ngoài ra, thành phố còn có 37 nút đèn vàng nháy cảnh báo và 7 nút đèn tín hiệu độc lập.

“Khoảng một tuần nay toàn bộ hơn 60 nút đèn đang vận hành cùng lúc trong quá trình thử nghiệm bởi chuyên gia Tây Ban Nha nên thực tế không tránh khỏi trục trặc, không phù hợp lắm với thực tế nên từ đây đến hết tháng 12, chúng tôi tiếp tục điều chỉnh trước khi chính thức đi vào vận hành trong tháng 1.2013”-Ông Sơn nói.

Phía Trung tâm điều hành cũng thường xuyên nhận và tiếp thu các ý kiến của người dân như chờ đèn đỏ lâu ở nút Lý Tự Trọng-Nguyễn Chí Thanh giữa trời nắng nóng, dồn ứ phương tiện ở nút Trần Phú-Trần Quốc Toản vào giờ nhà thờ Chánh Tòa tan lễ… Do đó, ở một số tuyến đường chính, mật độ phương tiện dày như Nguyễn Văn Linh, Trần Phú, Lê Duẩn, Trung tâm đang áp dụng mô hình “làn sóng xanh”, có nghĩa là đèn xanh hoặc đỏ đồng thời tại các nút đèn liền kề trên cùng 1 tuyến đường (thời lượng 40 giây) để giao thông thông suốt.

Đồng thời, trong tương lai, khi hệ thống quan sát hoàn thiện, các camera sẽ tự động đếm lưu lượng phương tiện, tính toán điều chỉnh thông số thời gian chờ giữa các nút đèn trong hệ thống để chống ùn tắc.

Nguyễn Tú

>> Rối loạn vì tín hiệu đèn giao thông
>> Nghịch lý chốt đèn giao thông
>> Đèn giao thông "làm dáng"

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.