Nghịch lý chốt đèn giao thông

16/07/2012 00:18 GMT+7

Ở nước ta, hầu hết những đường giao thông chính yếu tại các thành phố lớn đều chạy song hành, cắt ngang qua những con đường khác cũng song hành nhưng theo hướng thẳng góc.

Thí dụ, tại TP.HCM, những con đường Nguyễn Bỉnh Khiêm, Đinh Tiên Hoàng, Hai Bà Trưng, Pasteur, Nam Kỳ Khởi Nghĩa, Lê Quý Đôn, Trần Quốc Thảo, Trương Định, Bà Huyện Thanh Quan, Cách Mạng Tháng Tám… chạy song hành, và cắt ngang (hầu như thẳng góc) với những đường Lê Lợi, Lê Thánh Tôn, Lý Tự Trọng, Xô Viết Nghệ Tĩnh, Võ Văn Tần, Nguyễn Đình Chiểu, Điện Biên Phủ, Võ Thị Sáu… Ở các ngã tư, giao lộ thường có chốt đèn tín hiệu điều khiển giao thông. Nhưng mỗi lần đèn xanh - đèn đỏ cũng đồng thời tạo ra một hệ lụy xấu, đó là cắt nhỏ từng khúc dòng chảy bình thường xe cộ trên một chiều lưu thông, tựa như vòi nước bị tắt mở liên tục nhiều lần (mỗi lần cách nhau khoảng 30 - 60 giây). Mỗi lần mở lại, phải tốn một thời gian nhất định để xe có thể chạy tiếp với tốc độ bình thường 10 km/giờ (mất khoảng 7 giây). Kết quả là lưu lượng xe chạy được trong một khoảng thời gian nhất định (giờ cao điểm) bị giảm rất nhiều, góp phần làm giao thông ùn ứ.

 Nghịch lý chốt đèn giao thông
Thời gian hoạt động của trụ đèn chưa hợp lý khiến cho người đi đường hao phí nhiên liệu
và thời gian - Ảnh: Diệp Đức Minh

Còn nhiều vấn đề khác cũng làm tình trạng ách tắc thêm trầm trọng. Trước hết là các chốt đèn ít được liên kết, khiến hiệu lệnh các chốt mâu thuẫn nhau, chốt này cho đi, chốt kia chặn lại. Tiếp đến là khoảng cách giữa các giao lộ, giữa các đèn trên cùng một con đường lại quá gần (khoảng 200 m hoặc 300 m), nên xe đầu tiên vừa thoát khỏi chặng đèn này thì lại bị kẹt ở giữa hay cuối chặng đèn tiếp theo, rồi phải đợi một hay nhiều lần 30 giây sau mới tới chốt đèn tiếp, hay đèn đã bật xanh, nhưng phía trước đầy xe, không thể chạy tới được…

Tại Tokyo, Nhật Bản, tôi thấy người ta có giải pháp xử lý rất hữu hiệu. Tất cả các đèn tín hiệu giao thông trên một con đường đều được liên kết với nhau, đèn xanh chốt sau sẽ chậm hơn đèn xanh chốt trước vài giây đủ để xe hơi qua được chốt đèn thứ nhất, chạy tới chốt thứ hai, đèn xanh tại đây sẽ sáng, cho xe chạy qua luôn hay quẹo phải không phải dừng lại, và như vậy sẽ chạy thẳng một lèo qua hàng chục chốt tín hiệu mà không phải dừng một lần. Đến khi cho xe chạy theo phương cắt ngang, tất cả đèn trên tuyến cũ đều đỏ hết. Tất nhiên, để xe có thể chạy suốt một lèo qua nhiều chốt đèn (ví dụ 10 chốt, khoảng 2 - 3 km) không phải dừng lại giữa chừng, thì thời gian đèn xanh thường được cài đặt khá dài (3 - 5 phút), và thời gian đèn vàng cho xe quẹo trái hoặc phải cũng từ 15 - 20 giây. Đèn đỏ trên tuyến cắt ngang cũng trong khoảng thời gian tương ứng. Cũng cần lưu ý, vì có thể chạy thông suốt một lèo qua nhiều chốt đèn như đã nói, xe có thể đạt tốc độ khá nhanh một cách an toàn (tốc độ cho phép ở Tokyo là 60 - 80 km/giờ). Lượng xe lưu thông trong một đơn vị thời gian sẽ rất lớn. Hiệu quả sử dụng đường rất cao.

Nguyễn Đức Hòe
(Hiệu trưởng Trường Nhật ngữ Đông Du - TP.HCM)

>> Nghịch lý ca khúc trẻ
>> Nghịch lý cấp chứng nhận “Hoa Đà Lạt”
>> Nghịch lý thức ăn chăn nuôi
>> Nghịch lý tàu cao tốc Trung Quốc
>> Nghịch lý vừa nhập, vừa xuất xăng máy bay
>> Nghịch lý ở Trường chuyên Lê Hồng Phong
>> Nghịch lý lãi suất huy động
>> Nghịch lý quyền lực
>> Để trở thành cường quốc biển: Nghịch lý vận tải biển
>> Nghịch lý nước tưới cà phê
>> Nghịch lý phí cầu đường
>> Nghịch lý xe buýt ở TP.HCM
>> Nghịch lý thị trường lao động
>> Nghịch lý giá dầu

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.