Chỉ có 0,14% diện tích cây ăn trái được chứng nhận GAP

10/12/2012 09:31 GMT+7

Tại Hội thảo sản xuất trái cây theo tiêu chuẩn GAP vừa tổ chức tại Tiền Giang, Cục Trồng trọt Bộ NN-PTNT cho biết đến nay, chỉ có 403 ha cây ăn trái ở ĐBSCL được chứng nhận sản xuất theo quy trình GAP (sản xuất sạch, an toàn), tương đương 0,14% trong tổng diện tích 288.300 ha cây ăn trái toàn khu vực.

 

Tỉnh Bến Tre hiện có hơn 5.000 ha bưởi da xanh nhưng chỉ có 38 ha được chứng nhận sản xuất theo quy trình VietGAP. Theo ông Lê Tân Kỳ, Chủ nhiệm HTX bưởi da xanh Mỹ Thạnh An (TP.Bến Tre), để nhà vườn có nhiều hứng thú trong việc sản xuất trái cây theo quy trình VietGAP, Nhà nước cần tuyên truyền cho nhà vườn hiểu rằng sản xuất trái cây sạch để bán được ở nhiều thị trường chứ không phải để bán được giá. “Có nhiều thị trường thì nhà vườn có điều kiện chọn lựa sao cho có lợi nhất cho mình; còn sản xuất mà không bán được nhiều thị trường thì bị rớt giá, ép giá là điều khó tránh khỏi. Thực tế, nhờ có nhiều thị trường nên hằng năm, khoảng 70 tấn bưởi da xanh sản xuất theo quy trình VietGAP của HTX đều bán được giá cao. Hiện bưởi loại 1 kg trở lên giá bán tại vườn là 33.000 đồng/kg”, ông Kỳ khẳng định.

Ngoài bưởi da xanh, có một số loại trái cây khác được chứng nhận nhưng còn rất nhỏ lẻ. Ngay như xoài cát Hòa Lộc, mới có 32 ha ở Đồng Tháp và Tiền Giang được chứng nhận GAP.

Bên cạnh những mô hình GAP thành công, ĐBSCL vẫn còn nhiều loại trái cây dù được chứng nhận sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP nhưng không tìm được thị trường xuất khẩu, phải tiêu thụ tại thị trường nội địa với giá như trái cây sản xuất kiểu thông thường. HTX vú sữa Lò rèn Vĩnh Kim (H.Châu Thành, Tiền Giang), HTX bưởi Năm roi Mỹ Hòa (H.Bình Minh, Vĩnh Long) là một minh chứng. Mặc dù đây là những đơn vị đầu tiên ở nước ta đạt được chứng nhận GlobalGAP do Hiệp hội bán lẻ châu Á xây dựng được áp dụng trên toàn cầu, nhưng do thiếu sự gắn kết giữa sản xuất và tiêu thụ, nên không đạt được hiệu quả như mong muốn.

Theo thạc sĩ Đoàn Hữu Tiến, Viện Nghiên cứu cây ăn quả miền Nam, nguyên nhân diện tích trái cây sản xuất theo quy trình GAP ở ĐBSCL còn ít là do chi phí chứng nhận còn quá cao. Một mô hình sản xuất cây ăn quả theo GlobalGAP chi phí tối thiểu là 3.500 USD, chưa kể chi phí phân tích mẫu đất, nước, trái… Từ đó dẫn đến tình trạng nhiều mô hình chỉ chứng nhận được lần đầu nhờ có sự hỗ trợ của Nhà nước, còn việc tái chứng nhận lần 2, lần 3 thì nhà vườn không có tiền đóng góp.

Hoài Phong

>> Trái cây Trung Quốc tràn về Cà Mau
>> Trái cây, rau củ tốt cho người bệnh thận
>> Trái cây và rau xanh có ích cho bệnh nhân thận
>> Sống vui nhờ trái cây, rau quả
>> Chọn trái cây
>> Trái cây + rau củ = hạnh phúc?

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.