Đào tạo thí sinh không đủ điểm chuẩn
Kết luận thanh tra cho biết từ năm 2008 đến 2012, Trường ĐH Kinh tế quốc dân Hà Nội đã cho phép 54 sinh viên (SV) từ Trường ĐH Tây Bắc về học tại trường, sau khi tốt nghiệp được cấp bằng của trường. Điều này không phù hợp với quy chế đào tạo ĐH, CĐ. Quy chế quy định: SV không được phép chuyển trường trong trường hợp đã dự thi tuyển sinh nhưng không trúng tuyển hoặc có điểm thi thấp hơn điểm xét tuyển của trường xin chuyển. Trong khi đó, theo tìm hiểu của PV Thanh Niên thì số SV nói trên đều là những người có điểm thi thấp hơn hàng chục điểm so với mức điểm chuẩn đầu vào của trường. Cá biệt có SV có mức điểm còn thấp hơn tới 16 điểm. Tuy nhiên nhà trường đã “hợp thức hóa” đối tượng này thông qua hình thức liên kết đào tạo giữa trường và Trường ĐH Tây Bắc.
|
Năm 2001 Trường ĐH Kinh tế quốc dân Hà Nội được Bộ GD-ĐT giao nhiệm vụ giúp Trường ĐH Tây Bắc đào tạo, xây dựng đội ngũ và phát triển nhà trường. Từ đó, trường này được liên kết để đào tạo cho trường ĐH Tây Bắc. Thời gian đầu, việc liên kết diễn ra nghiêm túc nhưng 4 năm gần đây xuất hiện hình thức “gửi đi học” bằng việc cho phép SV chuyển từ Trường ĐH Tây Bắc về trường. Theo số liệu của chúng tôi thì khóa 49 của Trường ĐH Tây Bắc có 7 SV được chuyển về Hà Nội; khóa 50 là 10; đến khóa 51 có 20 SV, khóa 52 thì tăng 23 SV.
Điều đáng nói, những SV này đều có mức điểm thi rất thấp và chỉ trúng tuyển nguyện vọng 1, 2 vào Trường ĐH Tây Bắc với mức điểm chuẩn tương đương mức điểm sàn của Bộ (13-15 điểm), thậm chí đây là khu vực được ưu tiên nên có thí sinh chỉ cần 10 điểm là trúng tuyển. Trong khi đó điểm chuẩn vào trường này là 26. Chẳng hạn điểm chuẩn đầu vào của khóa 50, chuyên ngành ngân hàng là 26, trong khi các SV được chuyển từ ĐH Tây Bắc về cùng ngành này có điểm đầu vào thấp nhất là 10, cao nhất là 22. Ở khóa 51, điểm đầu vào của trường là 25,5 thì các SV được chuyển từ ĐH Tây Bắc về có điểm thấp nhất là 12,5, cao nhất là 19.
Đáng lưu ý, điều kiện chuyển trường cũng rất đơn giản. Phụ huynh của SV chỉ cần cầm đơn đến gặp hiệu trưởng nhà trường và nếu được đồng ý thì Trường ĐH Tây Bắc sẽ cho chuyển trường. Điều này cho thấy có những dấu hiệu của chuyện xin - cho và không tránh khỏi tiêu cực. Tuy nhiên trao đổi về việc này, ông Nguyễn Huy Bằng, Chánh thanh tra Bộ GD-ĐT cho biết: “Do thời gian của một đợt thanh tra hành chính chỉ có hạn (2 tháng) nên có những vấn đề chưa có đủ bằng chứng để kết luận”.
Sai phạm trong đào tạo sau đại học
Kết luận thanh tra của Bộ cho biết từ năm 2008-2012 trường này đã ban hành những văn bản về đào tạo sau ĐH không phù hợp với luật Giáo dục; quy chế đào tạo thạc sĩ và quy chế văn bằng chứng chỉ. Trường đã triển khai chương trình bồi dưỡng sau ĐH và cấp chứng chỉ cho 787 học viên. Không những thế, với chứng chỉ này, trường còn cho phép thay thế cho việc học bổ sung kiến thức để thi cao học. Trong khi các kiến thức của phần bồi dưỡng sau ĐH và kiến thức mà người học cần bổ sung để thi cao học hoàn toàn khác nhau.
Theo ông Nguyễn Huy Bằng, quy định hiện hành của Bộ không có loại chứng chỉ sau ĐH như của Trường ĐH Kinh tế quốc dân Hà Nội. Chứng chỉ này cũng không có giá trị toàn quốc như thông báo của trường. Thực tế, trường chỉ được phép cấp chứng nhận hoàn thành môn học cho người học.
Kết luận thanh tra cũng cho thấy trường vi phạm quy định về đào tạo thạc sĩ khi đào tạo bậc học này ngoài nhà trường. Trường còn tổ chức đào tạo cả thạc sĩ thực hành (hiện nay, Bộ chỉ cho phép Trường ĐH Bách khoa Hà Nội đào tạo mô hình này - PV). Tuy nhiên khi được hỏi việc đào tạo này có được phép của Bộ hay không, ông Bằng cho biết: “Thanh tra Bộ không kiểm tra lĩnh vực này. Bộ sẽ tiếp tục tìm hiểu và trả lời sau”.
Trao đổi về việc có thu hồi những chứng chỉ sau ĐH trái phép do trường này cấp hay không, ông Bằng cho hay: “Bộ chỉ yêu cầu trường hủy bỏ các quyết định đã ban hành sai, không thu hồi chứng chỉ của người học để đảm bảo quyền lợi cho họ”. Tuy nhiên, nếu thực hiện đúng quy định, những người sử dụng chứng chỉ này để được miễn học bổ sung kiến thức khi thi cao học đều không đủ điều kiện dự thi.
Vũ Thơ
>> Cử tri bức xúc tiêu cực trong ngành y tế
>> Sự lựa chọn tiêu cực trong giới trẻ
>> Ảnh hưởng tiêu cực của tivi ở trẻ
>> Xử lý nghiêm việc lợi dụng chống tiêu cực để tiêu cực
>> Phanh phui tiêu cực vì quá bức xúc
Bình luận (0)