Ngày thủy điện Sơn La sắp khánh thành, chúng tôi vào bản Loóng, xã Trường Bằng, H.Mường Nhai, Sơn La để tìm hiểu cuộc sống của một trong những nơi khó khăn nhất tỉnh.
Để phục vụ dự án thủy điện Sơn La, có hơn 20.000 hộ dân phải di dời thì Sơn La có tới hơn 12.500 hộ dân, trong đó H.Quỳnh Nhai có gần 5.000 hộ phải di dời.
|
Ông Cầm Chính Nghĩa, Phó ban di dân tái định cư tỉnh Sơn La chỉ xuống vùng hồ ngập nước mênh mông: “Ở xã Trường Bằng này trước đây là vùng trũng, đường đi rất khó khăn, bà con không có điện, chỉ sống nghề trồng lúa nước, nên nhiều khi không đủ ăn”.
|
Bây giờ, trước mắt chúng tôi là những nếp nhà sàn của 67 hộ dân bản Loóng, xã Trường Bằng, các hộ dân về đây đã được gần 4 năm.
Anh Quàng Văn Chanh, 28 tuổi ở bản Loóng chỉ vào phía lòng hồ kể: “Trước đây chúng tôi ở dưới kia, cách vị trí hiện tại hơn 1 cây số. Ruộng lúa nước đã ngập hết dưới lòng hồ, nương thì chỉ có vài ngàn mét đất, giờ chúng tôi phải đong gạo ăn hằng ngày. Đi làm cao su cũng không có nhiều việc và thu nhập chỉ được gần 1 triệu đồng/tháng, bây giờ sắp hết tiền hỗ trợ, gia đình tôi rất lo không biết lấy gì ăn”.
|
Nhưng thật may là câu chuyện như của anh Chanh không phải là phổ biến ở bản Loóng, nhiều gia đình đã tìm ra nguồn sống mới.
Chúng tôi có mặt tại gia đình ông Quảng Văn Giót (54 tuổi), cách nhà anh Chanh không xa, đúng lúc ông vừa hoàn tất việc cất vó sáng ở lòng hồ ngay gần nhà. Trên tay ông cầm giỏ tôm, ông cười rạng rỡ: Từ ngày về nơi ở mới, tôi mua vó đánh tôm tự nhiên, trung bình mỗi ngày cũng được khoảng 1-2 kg, bán ngay tại nhà cũng được khoảng 100 - 150.000 đồng”.
|
Ông Giót cho biết, năm đầu tiên chuyển về bản mới sinh sống, ai cũng nghĩ thiếu ruộng thì không còn cách nào sinh sống được. Nhưng rồi nhờ vào sự cần cù chịu khó, tính ham học hỏi và sự hướng dẫn của cán bộ khuyến nông H.Quỳnh Nhai, ông và nhiều hộ dân đã biết khai thác chính hồ thủy điện để đảm bảo cuộc sống”.
Anh Quàng Văn Tâm, 25 tuổi cũng ở bản Loóng coi đánh cá trên hồ là nghề chính nuôi sống gia đình gồm vợ và hai con. Anh mua hơn 600 rọ tre với giá hơn 2,2 triệu đồng, cuối giờ chiều anh chèo thuyền thả đó, đến 5 giờ sáng hôm sau nhấc đó, bán tôm ngay tại nhà.
“Ngày nào ít thì em được 2 cân, ngày nhiều được 5-6 cân, bán tại bản là 60.000 đồng/cân. Nhờ có hồ nước mà nhà em mới có tiền mặt để trang trải cuộc sống. Trước đây trong nhà ít khi có được 2 triệu đồng, bây giờ thì có ngày may cũng được gần 1 triệu đồng. Dù phải đi mua gạo nhưng em cũng không sợ đói”, Tâm cười khoe túi tôm nhảy lách tách.
Anh Cà Văn Khoanh (29 tuổi) ở bản Loóng còn nghĩ xa hơn, anh tính nuôi cá bằng lồng bè. Anh chia sẻ: “Tôi đã bắt tay vào nuôi cá trắm thả ao, dù mới thả số lượng ít nhưng cá lớn rất nhanh. Nếu có thêm vốn nuôi cá trắm, cá chép bằng lồng bè tôi tin rằng mô hình này sẽ giúp cho gia đình mình vươn lên thoát nghèo”.
|
Ông Lường Văn Tăng, Trưởng bản Loóng cho biết, kể từ khi chuyển về bản mới cuộc sống của người dân nơi đây đã thay đổi rõ rệt. Bản đã có điện, có trường mầm non, nhà văn hóa. “Cái nghèo, cái đói ở bản Loóng giờ chỉ còn lại là số ít. Người dân đã hướng đến việc chăn nuôi trang trại, thủy sản nên nhiều gia đình đã sắm được xe máy, ti vi”, ông Tăng nói.
K.Long - N.Đức
>> Thủy điện Sơn La làm lợi 1 tỉ USD nhờ về đích sớm
>> Tháng 12, dự kiến khánh thành công trình thủy điện Sơn La
>> Hòa lưới tổ máy cuối cùng thủy điện Sơn La
Bình luận (0)