Ngày 14.12, AFP dẫn nguồn tin địa phương cho hay quân chính phủ Syria pháo kích dữ dội một khu vực ở phía nam thủ đô Damascus sau khi 2 vụ đánh bom tự sát nhằm vào khu nhà ở của quân đội khiến 24 người thiệt mạng. Đến nay, xung đột tại Syria đã trở thành cuộc khủng hoảng kéo dài nhất, đẫm máu nhất trong đợt chính biến tại Trung Đông - Bắc Phi và có vẻ như vị thế của Tổng thống al-Assad ngày càng suy yếu. Hôm 13.12, Nga, một đồng minh quan trọng của Syria, lần đầu tiên thừa nhận phe nổi dậy có thể đánh bại chính quyền al-Assad và Moscow đang chuẩn bị phương án sơ tán công dân Nga khỏi Syria. Dù đến hôm qua, AFP dẫn lời phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Alexander Lukashevich khẳng định Nga sẽ không thay đổi lập trường về Syria nhưng phương Tây vẫn tận dụng cơ hội kêu gọi Moscow từ bỏ sự ủng hộ đối với ông al-Assad.
Trong bối cảnh đó, các chuyên gia nước ngoài đã vạch ra 4 kịch bản cho tương lai của Tổng thống Syria.
|
Bỏ phố lên núi
Đây là nơi chính quyền al-Assad có thể tìm đến nếu không còn khả năng tiếp tục ở lại Damascus. Báo The Globe and Mail dẫn lời chuyên gia về Trung Đông Joshua Landis nhận định vùng núi ven biển phía tây Syria là đại bản doanh của cộng đồng Hồi giáo Alawite, lực lượng hậu thuẫn chính cho ông al-Assad. Báo The Christian Science Monitor dẫn lời các chuyên gia khác cũng cho rằng một khi Damascus thất thủ, ông và lực lượng ủng hộ sẽ rút về thành phố Homs trước khi đến vùng núi phía tây.
|
Nằm dọc theo bờ Địa Trung Hải với nhiều hang động và đường hầm phức tạp, vùng núi tây Syria là một thành lũy tự nhiên khá kiên cố. Theo trang tin DEBKAfile, ông al-Assad đã cho xây dựng tại đây một pháo đài được bảo vệ bởi hệ thống phòng thủ chống xe tăng và khẩu đội pháo phòng không. Chưa hết, do có địa hình trải dài xuống phía nam đến Li Băng, khu vực này có thể kết nối với các vùng do lực lượng Hezbollah kiểm soát.
Tại đây, ông al-Assad được cho là có thể thành lập một “nhà nước nhỏ” tại khu vực này và tiếp tục chiến đấu chống lại phe đối lập.
Quyết chiến, tị nạn hay đàm phán?
Lực lượng vũ trang của ông al-Assad chủ yếu là người Alawite rất thiện chiến. Theo tờ The Christian Science Monitor, bên cạnh lòng trung thành, họ còn thêm một lý do khác để chiến đấu đến cùng, đó là nỗi lo lực lượng Hồi giáo Sunni lên cầm quyền. Tuy nhiên, nếu vị tổng thống này và lực lượng của mình cương quyết chiến đấu đến cùng, nguy cơ ông chết thảm như lãnh đạo Libya Muammar Gaddafi sẽ hiển hiện.
Trong khi đó, tự tin rằng chiến thắng đang đến gần, phe chống đối tuyên bố sẽ xem xét cho Tổng thống al-Assad từ chức và rời khỏi đất nước. Theo AFP, Nga, Iran, Cuba, Venezuela và Ecuador là những quốc gia được cho là điểm đến khả dĩ cho ông al-Assad. Tuy nhiên chỉ mới Ecuador công khai tuyên bố sẽ cân nhắc yêu cầu tị nạn nếu có.
Theo giới quan sát, kịch bản các bên chấp nhận thương thảo về một giải pháp chính trị có mức khả thi thấp nhất. Nhiều chuyên gia tin rằng đã quá muộn để đàm phán và lo ngại nếu không có giải pháp chính trị, Syria sẽ lâm vào một cuộc xung đột tôn giáo đẫm máu không kém sau khi ông al-Assad bị lật đổ.
Trùng Quang
>> Ecuador có thể cho ông al-Assad tị nạn
>> Iran “thất vọng với Tổng thống Syria al-Assad”
>> Ông al-Assad khẳng định sẽ không rời bỏ Syria
>> Tổng thống Bashar al-Assad: “Mô hình Libya” sẽ không lập lại ở Syria
>> Washington bàn kế hoạch hậu al-Assad
>> Ông al-Assad vẫn ở Damascus?
Bình luận (0)