Doanh nghiệp tài trợ văn hóa - của hiếm

18/12/2012 09:26 GMT+7

(TNO) Doanh nghiệp trong nước vẫn chưa coi đầu tư văn hóa là cách làm thương hiệu sang trọng và còn thúc đẩy văn hóa sáng tạo rất hiệu quả.

>> Tặng 32 cổ vật văn hóa Đông Sơn
>> Nguy cơ “di sản hóa” văn hóa
>> Văn hóa cà phê Nhật Bản
>> Bách khoa thư văn hóa dân tộc   

 lua la
Khát vọng trẻ là sân chơi ca nhạc cho giới trẻ có nhiều nhà tài trợ - Ảnh: Trường Sơn

Cuối cùng, mùa LUALA Concert Thu Đông 2012 đã khép lại. Trung bình, mỗi buổi biểu diễn miễn phí này thu hút từ 400-500 lượt khách. Trong số nhiều khách quen, LUALA có rất nhiều fan nhí, hứa hẹn công chúng lâu dài. Nhạc cổ điển, jazz, tranh, có buổi diễn trên hè phố trung tâm thủ đô khi ông Đỗ Ngọc Minh “mở đường” bằng tiền và cả sự tôn trọng.

“Tất nhiên, Đỗ Ngọc Minh là người có tiền, có tâm với nghệ sĩ. Nhưng trên hết, theo tôi đó là một cách xây dựng thương hiệu trên nền tảng văn hóa”, giám đốc marketing của một công ty truyền thông lớn nói.

Mặc dù vậy, LUALA vẫn chưa phải là một quỹ văn hóa, một doanh nghiệp tài trợ văn hóa đúng nghĩa vẫn có ở các nước phát triển. Những hoạt động văn hóa của ông chủ LUALA dù ít, dù nhiều vẫn mang tính tự phát. Do đó, việc tài trợ kéo dài hay không lại do quyết định rất chủ quan của ông Minh. Bản thân đối tượng tài trợ cũng do cảm tính của ông lựa chọn. Ở đó, chỉ có “tình thương mến thương” mà không có một quan hệ kinh tế để có thể vững chắc. Khán giả phải cảm ơn ông Minh vì có một gu thưởng thức nghệ thuật tinh tế. Nếu không, ông hoàn toàn có thể mời những ca sĩ “lộ hàng” để thương hiệu dễ nổi tiếng hơn.

“Hãy nhìn những đêm nhạc Hennessy. Nghệ sĩ biểu diễn có tên tuổi và hẳn là tiền biểu diễn cũng rất cao. Nhưng Hennessy vẫn chỉ mời những nghệ sĩ nổi tiếng. Rõ ràng đó là một quan hệ có đi có lại về cả danh tiếng lẫn vật chất”, PGS.TS Lương Hồng Quang - Phó viện trưởng Viện Văn hóa phân tích.

Gần giống với trường hợp của LUALA, cà phê Trung Nguyên cũng là một ví dụ tốt về doanh nghiệp tài trợ cho văn hóa. Nếu như những ngày mới nổi tiếng, Trung Nguyên “mượn” hình ảnh gã lãng tử, nhà thơ Đỗ Trung Quân để minh họa cho slogan liên quan đến khơi nguồn sáng tạo thì giờ đây việc khơi nguồn sáng tạo được minh chứng bằng khơi nguồn tri thức. Các quán cà phê Trung Nguyên có địa điểm đẹp như quán Sáng tạo, cà phê Sách… là điểm đến cho những hoạt động phổ biến tri thức. Trung Nguyên dành diện tích riêng cho những tối trao đổi, nói chuyện học thuật của dịch giả triết học Bùi Văn Nam Sơn, nhà nghiên cứu biếm họa Lý Trực Dũng cùng nhiều triển lãm với Lê Thiết Cương, Dương Minh Long… Cả tiến trình dài cho thấy họ tài trợ văn hóa rất có chiến lược, nếu so với LUALA chưa có thời gian dài kiểm chứng. Tuy nhiên, sự tài trợ này của họ cũng chưa được ưu đãi thuế.

Và để văn hóa phát triển dài hơi, rất cần những nguồn tiền đầu tư có chiến lược lâu dài, kể cả dưới dạng cho vay. “Tôi nghĩ đã đến lúc cần có những quỹ do doanh nghiệp trong nước đầu tư cho phát triển văn hóa”, ông Quang nói.

“Hiện các nghệ sĩ tự do thường trông chờ vào tài trợ văn hóa của các quỹ nước ngoài”, một người làm việc lâu năm cho cơ quan văn hóa nước ngoài cho biết. Sau khi thôi việc tại cơ quan trên, chị đang trở thành người kết nối các nghệ sĩ với nhiều nguồn tài trợ văn hóa khác nhau. Rất biết những địa chỉ có thể xin tài trợ, chị hướng dẫn các nghệ sĩ làm hồ sơ (điều họ có thể chưa thạo) để chạm tay vào những tài trợ đó.

Mỗi cuộc xin tài trợ, nói đúng - vốn là một cuộc sát hạch nho nhỏ, nghệ sĩ nếu không chứng tỏ năng lực thực hiện sẽ không thể chạm tay vào tài trợ, bất kể số tiền nhỏ lớn ra sao… Sau đó, thành công, danh tiếng của tác phẩm sẽ mang đến uy tín cho chính quỹ văn hóa và ngược lại. Cả hai đã cần nhau đúng như quy luật trao đổi kinh tế - uy tín mà ông Quang nhắc đến.

“Ở nước ta, vừa có vừa không có doanh nghiệp tài trợ văn hóa”, PGS.TS Quang phân tích. “Vẫn có doanh nghiệp cho tiền để làm văn hóa. Nhưng cách cho đó không phải dạng cho vì đã chọn chất lượng như các quỹ văn hóa nước ngoài. Doanh nghiệp tài trợ phần nhiều vì quan hệ cá nhân”.

“Quan trọng hơn, đó vẫn chưa phải tài trợ đúng nghĩa vì chúng ta chưa có khung pháp lý cho việc tài trợ văn hóa. Chẳng hạn, các doanh nghiệp hỗ trợ văn hóa giờ cũng chưa có ưu đãi gì về thuế”, ông Quang nói.

Vì thế, theo chuyên gia tư vấn của UNESCO, việc ngân hàng đầu tư cho nghệ thuật vốn thường thấy ở nhiều nước phát triển lại chưa thể có ở Việt Nam. Đây cũng là một chỉ báo về việc nghệ thuật với những sáng tạo cá nhân chưa trở thành một phần của nền kinh tế sáng tạo. Nó cũng cho thấy nghệ thuật đang thiếu những cơ hội để đóng góp cho kinh tế nhiều hơn.

 Trinh Nguyễn

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.