Kể chuyện đánh B52: MiG-21 bắn hạ B-52

18/12/2012 03:20 GMT+7

Khoảng 500 người đã tới dự buổi giao lưu chiều 16.12 với các nhân chứng của những ngày Hà Nội đánh B-52.

Trung tướng Phạm Tuân cho biết phải 9 ngày sau khi bắt đầu trận Điện Biên Phủ trên không, lực lượng không quân mới hạ được B-52. Chuỗi 9 ngày quả là dài đằng đẵng với những phi công như ông Tuân bởi ngay từ trận mở màn tên lửa SAM 2 đã cho B-52 nếm mùi thất bại. Cũng theo ông Tuân, nhiều tình huống khó khăn đã được luyện tập. Cất cánh trong tình huống sân bay bị đánh phá, và cất cánh với tên lửa tăng lực trên đường băng rất ngắn. Cách vạch nhiễu tìm thù, chiến thuật vượt các tầng máy bay tiêm kích bảo vệ, “cắt bán kính” để tiếp cận B-52 đều nhuần nhuyễn cả. “Nhưng thực tế chiến đấu ác liệt vẫn khác xa những tình huống giả định”, ông Tuân nói.

“Mặc dù ta có bao nhiêu sân bay, bao nhiêu máy bay, thậm chí ta có bao nhiêu phi công địch cũng biết cả, nhưng không quân sẽ tham chiến thế nào, có thể là mối nguy hiểm với B-52 không vẫn còn là ẩn số. Số lượng phi công được huấn luyện để bay đêm đánh B-52 lúc đó không nhiều, chỉ hơn chục anh em nhưng đêm nào chúng tôi cũng xuất kích”.

 Cô gái Ngọc Hà tưới hoa bên xác B-52, hình được dùng làm nền sân khấu trong buổi giao lưu - Ảnh Chụp lại tư liệu của Bảo tàng
Cô gái Ngọc Hà tưới hoa bên xác B-52, hình được dùng làm nền sân khấu
trong buổi giao lưu - Ảnh Chụp lại tư liệu của Bảo tàng

Sau nhiều lần xuất kích, các phi công chiến đấu trong đó có ông Tuân đề nghị không giấu lực lượng nữa mà lấy luôn độ cao để tiếp cận B-52 nhanh nhất. Các ông cũng muốn chuyển sang các sân bay dã chiến dọc hành lang hành quân của B-52 để tấn công từ bên sườn chứ không dùng các sân bay địch đã biết và đánh phá nhiều lần (Nội Bài, Gia Lâm, Kép...). “Khi phát hiện B-52 chúng tôi sẽ tăng tốc để tiếp cận, bỏ qua lực lượng tiêm kích của địch. Tên lửa sẽ chỉ để dành đánh B-52, do MiG-21 của ta không mang được nhiều vũ khí. Khi đó mỗi cánh máy bay chỉ có 1 quả tên lửa, loại MiG-21 cải tiến hai cánh cũng chỉ đeo được 4 quả tên lửa”, ông Tuân nói. Việc bỏ qua, không diệt máy bay tiêm kích này sẽ khiến khả năng hy sinh của phi công cao hơn.

Nhưng thực tế đanh thép là trong hai ngày 27 và 28.12.1972, không quân đã bắn hạ 2 chiếc B-52, mở đường cho những trận xuất kích thành công sau này. “Cho đến nay, Việt Nam là nước duy nhất dùng MiG-21 hạ được B-52 do quyết đánh và biết đánh”, ông Tuân nói.

Hậu phương điềm tĩnh

Tổng thư ký Hội Sử học Dương Trung Quốc lại kể về những ngày trật tự bình tĩnh ở Hà Nội khi ấy. “Một bạn nhà báo trẻ vừa hỏi tôi ngày đó bác ở đâu. Tôi trả lời đi sơ tán. Bạn đó cười. Chắc bạn nghĩ tôi phải ở một vị trí “vinh quang” nào khác. Nhưng lúc đó chúng tôi đã coi sơ tán là một mệnh lệnh phải nghiêm túc chấp hành. Mỗi người có một nhiệm vụ, ai cũng cố gắng hoàn thành nhiệm vụ của mình”, ông Quốc cho biết.

Ông Quốc cũng kể câu chuyện về cố Giáo sư Trần Quốc Vượng để rõ hơn về cách người Hà Nội bình tĩnh, lạc quan. “Thầy Vượng rất xúc động khi được người hàng xóm khuyên ông cố gắng mang giò phong lan về nơi sơ tán. Nỗi xúc động đó sau này hóa thân thành bài viết Tình người Hà Nội ngát phong lan trên Báo Nhân Dân trong chính những ngày hứng bom. Căn nhà của thầy ở Khâm Thiên đã bị san phẳng trong trận bom đêm 26.12 nhưng giò phong lan vẫn còn sống (cùng với vị giáo sư) vì đã được sơ tán kịp thời”, ông Quốc kể.

“Năm qua cả thế giới ca ngợi tinh thần Nhật Bản sau thảm họa sóng thần và sự cố điện hạt nhân Fukushima. Hôm nay chúng ta nhắc và nhớ lại một tinh thần Hà Nội bình tĩnh, lạc quan, kiên cường, bất khuất giữa những ngày bom đạn khốc liệt cách đây 40 năm. Khi đó khối lượng bom dội xuống Hà Nội tương đương với 5 quả bom nguyên tử Mỹ đã ném xuống Hiroshima, đủ sức biến Hà Nội thành đống đổ nát, không còn sự sống”.

Ông Quốc cũng không quên nhắc sự chia ngọt sẻ bùi, đùm bọc bà con từ thành thị sơ tán về những vùng thôn quê. Lúc đó người ta có thể giao nhà cho hàng xóm trông hộ mà không cần khóa, có thể tin tưởng gửi con mình cho những người còn chưa thân chăm sóc, có thể dành những gì tốt nhất trong nhà cho đồng bào thủ đô về sơ tán. Câu trả lời duy nhất cho tất cả những điều đó chỉ là: Tất cả để chiến thắng, tất cả để có hòa bình...

“Hà Nội đã trở thành niềm tin và hy vọng. Chiến thắng ở Hà Nội cũng là chiến thắng của tinh thần, văn hóa dân tộc”, ông Quốc rưng rưng.

Ngữ Thiên

>> Kể chuyện đánh B52: Ngã xuống trước ngày cưới
>> Kể chuyện đánh B52: Bốn mươi năm, một mối tình
>> Kể chuyện đánh B52 - B52 rơi giữa làng hoa
>> Kể chuyện đánh B52: Anh nuôi đánh B52
>> Kể chuyện đánh B52: Rối nước cũng “tham chiến”
>> Kể chuyện đánh B52 - "Sổ đỏ

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.