Báo cáo thường niên công bố hôm 19.12 chủ yếu tập trung vào cách tư duy quân sự của Trung Quốc và cung cấp thông tin về tiến trình đưa ra quyết sách tại nước này.
|
Ông Masayuki Masuda, chuyên gia nghiên cứu cao cấp tại Viện nghiên cứu Quốc phòng Quốc gia Nhật, đã trả lời các câu hỏi về sự tăng cường năng lực quân sự của Trung Quốc, nâng cấp vũ khí, khí tài và liệu Bắc Kinh có mạo hiểm chấp nhận một cuộc xung đột vũ trang tại quần đảo tranh chấp hay không.
"Từ góc độ của người Trung Quốc, mục tiêu chiến lược lâu dài là chấm dứt sự kiểm soát thực tế của Nhật tại quần đảo. Vì thế, trong lúc Trung Quốc nỗ lực xác lập chủ quyền, chúng tôi tin rằng lợi ích lớn hơn của họ là ổn định. Và điều này khiến Trung Quốc khó lòng chọn sử dụng vũ lực”, ông Masuda phát biểu.
Tuy nhiên, có rất ít nghi ngờ về việc Bắc Kinh sẽ đầu tư nhiều hơn nhằm tăng thêm sức mạnh và số lượng các đơn vị bảo vệ trên biển, và điều này sẽ đặt ra mối đe dọa ngày càng gia tăng với lợi ích của Nhật trong hai hoặc ba năm tới, theo ông Masuda.
“Cục Hải giám Trung Quốc (CMS) trực thuộc Cục Hải dương Quốc gia, nên họ không phải là một lực lượng quân sự và không có khả năng tấn công. Nhưng chúng ta đã chứng kiến sự gia tăng số lượng các cuộc tập trận phối hợp với hải quân Trung Quốc trong ít năm gần đây, nên rõ ràng là họ đang chuẩn bị cho các kịch bản chiến tranh. Chúng tôi không nghĩ CMS sẽ trực tiếp giao chiến song họ sẽ lo hậu cần và cung cấp các hỗ trợ khác cho hải quân”, theo tờ South China Morning Post trích lời ông Masuda.
Theo Kyodo, báo cáo cảnh báo rằng xuất phát từ sự tăng cường phối hợp liên ngành, Trung Quốc có thể sẽ thực hiện “những biện pháp hung hăng hơn” nhằm bảo vệ quyền lợi trên biển và lợi ích tại các vùng biển tranh chấp.
Trong tương lai, CMS sẽ có thêm nhiều tàu hiện đại như các tàu Hải giám 137 và Hải giám 110, vốn bắt đầu tham gia tuần tra ở biển Hoa Đông và Hoàng Hải từ tháng 11 năm nay.
Ông Masuda nhận xét các con tàu này mang tính “biểu tượng” và có ý đồ “gây áp lực lên nước khác”.
“Và nếu chúng được vũ trang, lúc đó sẽ là một tình huống hoàn toàn khác”, ông Masuda bổ sung.
Kế hoạch đóng các tàu tuần tra cỡ lớn được vạch ra cách đây một thập kỷ và Trung Quốc hiện lên kế hoạch đóng thêm 20 tàu tuần tra có độ choán nước 1.000 tấn.
“Tôi nghĩ tuần duyên Nhật cũng nên nghiêm túc về việc mở rộng năng lực. Nếu không, cán cân quyền lực giữa các đơn vị tuần duyên sẽ nghiêng về phía Trung Quốc”, ông Masuda nói.
Sơn Duân
>> Lực lượng tuần duyên Nhật tăng cường tuần tra Senkaku/Điếu Ngư
>> Nhật quyết không thỏa hiệp về Senkaku/Điếu Ngư
>> Mỹ quan ngại vụ Trung Quốc điều máy bay đến gần Senkaku/Điếu Ngư
>> Đội tàu hải quân Trung Quốc "tuần tra" Senkaku/Điếu Ngư
>> Nhật giả lập cuộc chiến Senkaku/Điếu Ngư, Trung Quốc "nóng mặt
>> Cảnh sát Nhật tăng cường tuần tra Senkaku/Điếu Ngư
>> Trung Quốc không xem Senkaku/Điếu Ngư là lợi ích quốc gia cốt lõi?
Bình luận (0)