Sau hàng loạt những “thảm họa”, “xuống cấp”, “báo động”... của phim truyền hình Việt, khán giả đang nhận được sự quan tâm đặc biệt từ nhà đài cùng các hãng sản xuất, khi không chỉ xem phim dưới sự kiểm duyệt chặt chẽ hơn về chất lượng nội dung, mà còn có thể tham gia các “trò chơi” dành cho người theo dõi.
|
Vài tháng gần đây, khá nhiều phim xem được, lấy nước mắt lẫn tiếng cười và sự hồi hộp của khán giả, như Bìm bịp kêu chiều, Vườn yêu, Ầu ơ ví dầu, Thời gian để yêu, Mắt bướm, Những mảnh đời giông bão, Hạnh phúc trong tầm tay... Mở đầu cho cuộc “vực dậy niềm tin” đối với khán giả, cũng là tiên phong cho cách thức thu hút người xem để mắt trở lại với phim truyền hình chính là “khuyến mãi” của kênh TodayTV với chương trình “Xem phim hot - trúng quà kool” mà quà tặng là iPad, iPhone... Kế đến, Hãng phim Vietcom kích thích sự quan tâm của khán giả với cuộc chơi dự đoán tình huống phim sau mỗi tập để trúng iPad.
|
Bà Bảo Trâm, Giám đốc Vietcom Film, cho biết không chỉ khuyến khích người xem, mà ngay trong nội bộ, các diễn viên tham gia cũng có cuộc “cạnh tranh ngầm” để nhận được giải vai diễn xuất sắc nhất từ bình chọn của nhà sản xuất cũng như bộ phận duyệt phim của HTV, trong ngày ra mắt phim.
Cách làm này của Vietcom Film, theo bà Bảo Trâm, được HTV hết sức ủng hộ. Tiếp sau Vietcom Film, Sena Film cũng áp dụng hình thức xem phim trúng thưởng, nhưng thay quà bằng tiền mặt: mỗi tình huống dự đoán đúng sẽ nhận 5 triệu đồng (có 7 tình huống cho phim Trở về phần 2, đang phát sóng trên HTV7)...
Với hình thức “kêu gọi” khán giả xem phim Việt như trên, màn ảnh nhỏ đang trở nên “nóng” dần bằng những cuộc nhắn tin dự đoán dành cho phim truyện, chứ không chỉ là những chương trình truyền hình thực tế. Song, vấn đề muôn đời vẫn chưa cũ đối với phim truyền hình Việt chính là kịch bản, là chất lượng nội dung.
Bởi dù số lượng người xem có thể tăng nhờ “khuyến mãi”, nhưng chưa chắc tỷ lệ thuận với chất lượng phim. Quà tặng, tiền thưởng hay khuyến mãi... cũng chỉ mang tính tạm thời. Cái níu giữ người xem ở lại đến tập cuối cùng, không gì khác ngoài sự thuyết phục về chất lượng của chính bộ phim đó. Và do vậy, để “cứu” phim truyền hình không thể chỉ trông cậy vào các phần quà trúng thưởng như trên, mà thật sự cần một chiến lược đầu tư dài hơi và đồng bộ.
Nguyên Vân
>> Làm phim truyền hình trên SCTV: Mất trắng nếu không hút khán giả
>> Phim truyền hình Việt đang chết: Cần những cái bắt tay nghiêm túc
>> Phim truyền hình Việt đang chết: Từ “quan hệ” đến “chơi chiêu”
>> Phim truyền hình Trung Quốc bị tố "đạo" phim Mỹ
>> “Kim siêu vòng ba” mất ngôi nữ hoàng phim truyền hình
>> Phim truyền hình "nói khéo" chuyện thời sự
Bình luận (0)