Ai dễ nhiễm nấm mốc?

23/12/2012 13:16 GMT+7

Hỏi mười người về bệnh bội nhiễm thì chín người nghĩ ngay đến siêu vi hay vi khuẩn.

Dễ hiểu vì siêu vi viêm gan, vì vi khuẩn Helicobacter… được nhắc đến rất thường trên phương tiện truyền thông. Cũng chính vì thế mà bệnh do nấm mốc thường không được đánh giá đúng mức trong khi bệnh nấm móng tay, móng chân, nấm ngoài da và nghiêm trọng hơn nữa, bệnh nấm núp sâu hơn trên đường tiêu hóa, hô hấp, tiết niệu, sinh dục…đã từ lâu là một trong các lý do đục khoét sức đề kháng.

Theo thống kê ở các nước châu u, không dưới 30% cư dân ở đó đang là nạn nhân của bội nhiễm nấm mốc. Nếu tỉ lệ mắc bệnh ở nước ta chỉ cần chiếm phân nửa tỉ lệ của châu u thì hiện có tròm trèm gần chục triệu người cần được điều trị chống nấm!

Chuyện gì cũng có nguyên do. Nấm mốc mau chiếm thế thượng phong khi hội đủ một số điều kiện. Ví dụ:

- Người phải sinh hoạt, làm việc trong môi trường có tiếp xúc với hóa chất, với tia tử ngoại; cũng như người sát trùng da quá thường dễ bị nhiễm nấm vì vi khuẩn ngoài da, lực lượng đối kháng với nấm mốc, bị tiêu diệt. Phe này yếu thì phe kia bất chiến tự nhiên thành.

- Món ăn quá ngọt là món khoái khẩu của nấm. Đó cũng là lý do tại sao nhiều người khổ vì huyết trắng do nhiễm nấm Candida chữa hoài không khỏi mà không ngờ vì lượng chè mứt tiêu thụ quá nhiều.

- Nhiều người dùng thuốc kháng sinh vì móng tay hay gãy lại thêm nứt nẻ nhưng tình trạng càng tệ hơn. Móng tay hư không hẳn lúc nào cũng do bội nhiễm. Thường do rối loạn biến dưỡng như thiếu kẽm vì lao tâm lao lực, thừa sắt vì lạm dụng thuốc bổ máu, thiếu máu vi mạch như trong bệnh đái tháo đường… Đó lại là điều kiện thuận tiện để nấm mốc từ thế yếu chuyển sang thế mạnh.

- Sơn móng tay quá dày mà không ngờ nấm mốc dễ phát triển khi có môi trường thiếu dưỡng khí.

- Lạm dụng thuốc kháng sinh nên nấm mốc có cơ hội hình thành. Thông thường không dùng ngay thuốc đặc hiệu để trị nấm, chỉ cần vệ sinh da, nhất là thay đổi môi trường trên mặt da bằng nước trà pha chanh, nước bồ kết… nhiều khi đã đủ để sạch nấm.

- Chế độ dinh dưỡng quá đơn điệu nên thiếu khoáng tố khắc tinh của nấm như kẽm, crôm, mangan, selen.

- Thói quen ăn uống thiếu nấm, như nấm rơm, nấm mèo, nấm tuyết, nấm đinh… mà không ngờ hoạt chất betaglucan trong nấm có tác dụng khử nấm mốc núp bóng trên móng tay, trong vùng hầu họng.

Theo một số báo cáo y học gần đây, bội nhiễm nấm mốc là đòn bẩy cho tình trạng tăng chất mỡ trong máu, xơ vữa động mạch và thuyên tắc mạch máu vành tim. Có đáng sợ hay không, khi bội nhiễm nấm mốc là bệnh lây lan dễ dàng?

Theo BS Lương Lễ Hoàng / Người Lao Động

>> Ngừa nám da thai kỳ

 

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.