TS Trần Du Lịch phát biểu tại hội thảo cho biết nông nghiệp của TP.HCM phát triển trên “3 chân”: Đi đầu ứng dụng công nghệ sinh học, nông nghiệp kỹ thuật cao; tập trung vào các sản phẩm nông nghiệp có giá trị gia tăng cao; nông nghiệp TP.HCM là nông nghiệp đô thị, chính vì thế mục tiêu là làm sao biến ngoại thành thành những khu vườn nghỉ dưỡng, gắn với phát triển du lịch. Trên cơ sở định hướng phát triển như vậy, Agribank nên bám sát vào 3 lĩnh vực trên, lên kế hoạch phát triển tín dụng cụ thể cho từng mảng. Ngược lại, TP.HCM cũng nên có giải pháp hỗ trợ ngân hàng, chẳng hạn ở địa bàn nông thôn cấp huyện, tiền nhàn rỗi của hệ thống kho bạc nhà nước nên gửi ở Agribank, tạo thêm nguồn vốn phục vụ phát triển “tam nông”.
TS Nguyễn Ngọc Bảo, Chủ tịch HĐTV Agribank, cho biết trong thời gian tới Agribank xác định ưu tiên đẩy mạnh đầu tư tín dụng cho khu vực nông nghiệp, nông thôn với nguồn vốn đầu tư cho lĩnh vực này tăng trưởng hằng năm 15 - 17%. Phấn đấu đến năm 2015, dư nợ cho vay nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn TP.HCM chiếm khoảng 50% tổng dư nợ, với cho vay nông nghiệp nông thôn đạt khoảng 40.000 tỉ đồng; riêng đối với các huyện ngoại thành, dư nợ cho vay nông nghiệp, nông thôn chiếm bình quân 65% tổng dư nợ. Ông Bảo cam kết: “Chúng tôi sẽ đồng hành về tín dụng và dịch vụ ngân hàng với tất cả các chương trình phát triển nông nghiệp - nông thôn của TP.HCM. Cụ thể hóa cam kết này, ngay tại hội thảo 7 thỏa thuận, kế hoạch hợp tác, hợp đồng tín dụng... đã được các chi nhánh Agribank ký kết với các đơn vị và doanh nghiệp trên địa bàn TP.HCM”.
Cũng tại hội thảo, Agribank trao cho Ủy ban MTTQ Việt Nam TP.HCM - đại diện cho thành phố tiếp nhận số tiền 30 tỉ đồng ủng hộ các chương trình an sinh xã hội (ảnh).
Tin, ảnh: Kiên Cường
Bình luận (0)