Hành trình của nhà yêu nước - Luật sư của nhân dân

27/12/2012 04:00 GMT+7

Luật sư Nguyễn Hữu Thọ có hai “cái không” đáng nhớ: không có nhà riêng cho tới cuối đời và không viết gì về cuộc đời mình đã sống...

Ngày này - cách đây 16 năm, luật sư Nguyễn Hữu Thọ đã qua đời tại TP.HCM (24.12.1996 - 24.12.2012). Cho đến lúc ấy, ông không xuất bản một cuốn sách nào về cuộc đời mình, dù tên tuổi của ông thường được giới truyền thông quốc tế nhắc đến từ những năm đầu thập niên 1960 vào thời ông làm Chủ tịch Ủy ban T.Ư Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam (rồi Phó chủ tịch nước và quyền Chủ tịch nước sau năm 1975). Đến mới đây, cuốn bút ký đầu tiên về nếp sống khiêm tốn, trong sạch, cùng những đóng góp của ông cho đất nước được người trưởng nam là anh Nguyễn Hữu Châu viết và ấn hành đầu quý 4/2012 bởi NXB Trẻ, với tựa: Luật sư Nguyễn Hữu Thọ - hành trình yêu nước, dày hơn 335 trang. Dựa vào 14 chương của cuốn sách trên, chúng tôi giới thiệu đôi nét ấn tượng về một trí thức tiêu biểu giữa thế kỷ 20.

Luật sư Nguyễn Hữu Thọ sinh năm 1910 tại vùng Sài Gòn - Chợ Lớn cũ (nay thuộc Bến Lức - tỉnh Long An) trong một gia đình trung lưu. Sau nhiều năm sang Pháp học tại Trường trung học Mignet, rồi vào Đại học Aix-en-Provence, ông tốt nghiệp cử nhân luật năm 1932. Về nước ông tập sự hơn 5 năm tại Văn phòng luật sư Duquesnay ở Mỹ Tho và trở thành luật sư thực thụ vào năm 1939, mở văn phòng riêng tại Mỹ Tho, Vĩnh Long, Cần Thơ: “hằng ngày cha tôi phải tiếp nhiều thân chủ, khi thì những người nông dân không một xu dính túi đến cầu cứu, để nhờ cãi cho con em họ mới bị thực dân bắt; khi lại là một nhà giáo, nhà trí thức nhờ cãi cho bạn bè là chiến sĩ cách mạng thoát khỏi nhà tù thực dân... Với ai, cha tôi cũng niềm nở, ân cần và lo lắng chu đáo. Nhiều người dân ở Vĩnh Long nay đã trên 70 tuổi kể rằng việc luật sư quan tâm nhất vẫn là cãi hộ cho những người nghèo và ông không bao giờ nhận của họ tiền thù lao” (Nguyễn Hữu Châu, sđd. tr.58).

 
LS Nguyễn Hữu Thọ năm 1932 - Ảnh: T.L

Khi sự kiện gây chấn động toàn Đông Dương là cuộc Khởi nghĩa Nam kỳ nổ ra ngày 23.11.1940 thì ông đã trở thành một luật sư nổi danh: “lúc bấy giờ, cha tôi trong vai trò luật sư, đã bày tỏ lòng yêu nước như một lẽ tự nhiên của mọi người dân mất nước bằng việc bênh vực, bào chữa cho những người dân lương thiện bị áp bức, các tù nhân yêu nước trước tòa án thực dân (...) cha tôi luôn đấu tranh cho chân lý là cố không để kết án những người đã toan tháo tung xiềng xích nô lệ chỉ vì lòng yêu nước của họ” (sđd. tr.56).

Về hoạt động trên, luật sư Nguyễn Phước Đại, nguyên luật sư Tòa thượng thẩm Sài Gòn, Phó chủ tịch thượng viện Sài Gòn, đã kể lại: “Một hôm tại Tòa án quân sự Pháp, tôi chứng kiến - lần này là lần đầu tiên - một luật sư người Việt, dáng dong dỏng, trán cao, mắt sáng, uy nghi trong chiếc áo thụng đen, đang bào chữa cho thân chủ là một chiến sĩ Việt Minh bị truy tố về tội phản nghịch - một trọng tội có thể bị kêu án tử hình. Luật sư đó chính là anh Thọ. Trước tòa, anh sử dụng tiếng Pháp một cách lưu loát và hùng biện, khiến cho tôi như bị thôi miên. Từ đó, tôi rất cảm mến và kính phục anh Thọ, không chỉ vì anh có một kiến thức uyên bác về luật pháp - hình luật cũng như dân luật - mà nhất là vì anh có tấm lòng yêu nước thương dân sâu sắc, có dũng khí kiên cường, dám bảo vệ công lý và chính nghĩa trước tòa án binh của quân viễn chinh Pháp”.

Có những tình tiết liên quan đến hoạt động của ông mà đến nay ít người biết. Chẳng hạn tại Trung tâm lưu trữ quốc gia 2 - TP.HCM còn giữ công văn của Ty Cảnh sát đặc biệt miền Đông về việc ông thành lập Hội Văn hóa Sài Gòn - Chợ Lớn (Association Culturelle de Saigon - Cholon) vào năm 1946 do ông làm chủ tịch và bác sĩ Nguyễn Văn Hon làm Phó chủ tịch, ký giả Triệu Công Minh làm tổng thư ký, Giáo sư Tam Ích làm ủy viên tuyên truyền, kỹ sư Đoàn Khắc Vượng làm ủy viên tài chánh và dược sĩ Nguyễn Thế Côn làm cố vấn: “công văn trên ghi rằng hội này từng đề nghị trí thức cùng đoàn kết đấu tranh cho các quyền tự do dân chủ - văn bản bằng tiếng Pháp, không bỏ dấu, tôi chỉ đoán tên chính xác của một số ủy viên, trong đó có Triệu Công Minh và Tam Ích là hai nhân vật thân Việt Minh”.

Nhà nghiên cứu Trần Bạch Đằng nhắc đến một chi tiết ấn tượng: “không ít trường hợp, luật sư bào chữa không lấy thù lao và cũng y như vậy, không phải thân chủ đến gõ cửa luật sư mà chính luật sư sục sạo trong đống cáo trạng để chọn “thân chủ” mà vấn đề luôn gay gắt, luôn kề cái án tử hình bởi đó là những Hoàng Xuân Bình, Nguyễn Châu Sa (Nguyễn Thị Bình), Lý Hải Châu, Đỗ Duy Liên, cùng hàng trăm trường hợp tương tự mà luật sư Nguyễn Hữu Thọ đã đem hết trí lực và trái tim dành mạng sống cho họ”. Những hoạt động yêu nước đã dẫn ông đến chặng đường tù ngục và lưu đày dài dằng dặc, có lúc ra tận vùng heo hút khổ cực nhất thời ấy là nhà lao Lai Châu, có lúc đưa về giam rồi quản thúc suốt 7 năm tại Phú Yên... Sống cách ly đã lâu và bị áp lực tâm lý quá nặng nên sau này vợ ông là bà Dương Thị Chung - nguyên nữ sinh Trường áo tím Sài Gòn (lấy ông từ năm bà mới 18 tuổi) đã bị bệnh tâm thần, cứ theo lời của người thư ký lâu đời và duy nhất của ông là chú Phạm Văn Uyển thì: “Chủ tịch Nguyễn Hữu Thọ không gần vợ con tính ra hơn 36 năm. Cảnh cô đơn, khắc khoải ấy đè nặng lên cuộc sống...” (còn nữa).

Điều trở nên rõ ràng đối với tôi là uy quyền của ông không xuất phát từ cương vị công khai của ông, mà từ chính nghĩa mà ông là một luật sư đã bảo vệ một cách trọn vẹn: đó là chính nghĩa của nhân dân, chính lúc đó tôi mới nhận ra rằng ông đã phục vụ sự nghiệp đó với tư cách là một lãnh tụ “Việt cộng” trong suốt thời gian tồn tại của tổ chức này; ông đã bảo vệ chính nghĩa của phong trào đó như một bộ phận của nó chứ không phải từ một vị trí lãnh đạo từ xa, và ông đã đặt ý nghĩa của sự nghiệp đó lên trên cá nhân ông.

LUTZ AMAND BAEHR

Giao Hưởng

>> Tăng cường giáo dục lòng yêu nước trong thanh niên
>> Báo chí Trung Quốc phê nhau về lòng yêu nước
>> Gặp họa sĩ Pháp yêu nước Việt
>> Phát động phong trào “Vệ sinh yêu nước”
>> Yêu nước qua nhạc, qua thơ

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.