Nỗi lo gãy xương cẳng chân

04/01/2013 09:42 GMT+7

Gãy hở cẳng chân khá phổ biến ở VN, nơi có số lượng xe gắn máy tham gia giao thông vào hàng đông đảo và nhiều người chạy xe gắn máy ẩu nhất nhì thế giới.

Chưa kể, tổn thương này không đơn giản như nhiều người nghĩ.

Thông thường một trường hợp gãy hở cẳng chân nếu tiến triển tốt cũng mất tám tháng đến một năm để lành xương. Bệnh nhân lại đa số trong tuổi lao động nên tổng chi phí một ca điều trị là rất lớn. Có nhiều trường hợp nhiễm trùng quá nặng phải cắt bỏ cẳng chân, gây tàn phế suốt đời.

Nỗi lo gãy xương cẳng chân
Một phụ nữ đau đớn sau vụ tai nạn - Ảnh: Châu Anh

Hai xương cẳng chân là phần xương được tính từ vùng khớp gối kéo dài đến vùng khớp cổ chân. Gọi là hai xương vì cẳng chân con người có hai xương là xương chày và xương mác. Xương chày to hơn xương mác nhiều lần vì là xương chịu lực chính khi chúng ta đi đứng, chạy nhảy. Xương mác tuy nhỏ hơn nhưng cũng không kém phần quan trọng vì góp phần giữ vững các khớp gối và khớp cổ chân. Mặt trước cẳng chân khi dùng tay sờ vào chúng ta thấy xương cứng đó chính là xương chày. Cũng vì cấu trúc giải phẫu nằm ngay sát dưới da nên khi va chạm và bị gãy, xương chày hay lòi ra ngoài, gây tình trạng gãy hở, tức ổ gãy xương bị thông với môi trường bên ngoài.

Khi bị gãy, xương chày nằm sát dưới da nên đầu xương gãy hay chọc ra ngoài da. Xương sẽ dính nhiều đất cát hay bụi ở đường nên nguy cơ nhiễm trùng rất cao nếu như không được mổ cấp cứu kịp thời. Theo nghiên cứu của chúng tôi, 12 giờ là khoảng thời gian vàng để mổ cắt lọc vết thương, cố định xương gãy nhằm chống lại sự nhiễm trùng. Vết thương để sau thời gian này sẽ bị nhiễm trùng và khi đó việc xử lý hết sức khó khăn.

Khó khăn càng chồng chất do da nằm sát xương rất dễ giập nát, hoại tử khi bị chấn thương. Da chết sẽ làm lộ xương nằm dưới da và làm xương chết nếu không kịp thời dùng da hay cơ che xương lại. Cộng thêm tình trạng thiểu dưỡng của xương do nằm sát da nên khả năng lành của xương chày rất kém. Khi đó sẽ gây ra tình trạng khớp giả xương chày. Bệnh nhân không đi lại được vì xương không lành. Đôi khi chấn thương mạnh làm các mảnh xương vỡ vụn và bay ra ngoài đường. Khi mổ xong, xương không đủ để ráp lại hoàn chỉnh sẽ làm nguy cơ khớp giả cao lên. Các bác sĩ phải dùng nhiều phương pháp kéo dài xương hay ghép xương nhằm giúp xương lành tốt hơn.

Rủi ro trong cuộc sống là khó tránh. Nhưng nếu ý thức một chút để hạn chế bia rượu, đặc biệt vào dịp năm hết tết đến, chạy xe cẩn thận hơn, nhất là chấp hành đúng luật giao thông thì chúng ta đã giúp bản thân và những người xung quanh tránh được tổn thương nặng nề như gãy hở cẳng chân. Mọi người hay nói câu “tết mà” để cho phép mình uống nhiều hơn. Nhưng “tết mà” bị gãy hở cẳng chân thì xem như cả năm con rắn bị xúi quẩy. Tốt nhất là nên nói câu “tết mà, nên phải cẩn thận hơn”.

Xương không lành được

* Tôi 20 tuổi, bị tai nạn giao thông ngày 1-8-2012 gãy chân phải tại vị trí 1/3 xương chày phía dưới và gãy xương mác. Tôi được mổ lần một để đặt nẹp cố định trong, nhưng bị chảy dịch ở vết mổ suốt một tháng.

Sau đó tôi chuyển viện, được chẩn đoán là bị nhiễm trùng sau mổ nên ngày 30-8 được tiến hành mổ lần hai để tháo nẹp trong và đặt nẹp cố định ngoài. Ngày 20-11-2012 tôi vừa tháo nẹp định vị ngoài và bó bột.

Xin bác sĩ tư vấn:

- Tình hình xương của tôi hiện nay như thế nào?

- Trong thời gian này tôi nên tập luyện thế nào để xương mau liền? Tôi có nên đi lại và vận động?

- Khoảng bao lâu tôi có thể tháo bột để đi lại bình thường?

(crz.keane@...)

Đây là thư của một bạn đọc bị gãy hai xương cẳng chân đã được mổ kết hợp xương bên trong và bị nhiễm trùng, sau đó được đặt khung cố định ngoài để giải quyết sự nhiễm trùng. Trên phim X-quang bạn ấy gửi, chúng tôi nhận thấy hai đầu xương gãy không mọc được cal xương và có khả năng cao sẽ bị khớp giả, nghĩa là xương không lành được.

Việc điều trị hết sức khó khăn vì không có chế độ luyện tập hay ăn uống nào khả dĩ có thể giúp xương mau liền, chuyện đi lại chống chân của bệnh nhân là không thể vì xương không lành nên không chịu được sức nặng của bệnh nhân.

Bản thân xương mác quá nhỏ nên khó có thể tự chịu được sức nặng của cơ thể. Trong trường hợp này, người bệnh sẽ được loại bỏ yếu tố nhiễm trùng, kết hợp xương vững chắc, ghép xương tự thân hoặc bơm tế bào gốc để kích thích sự lành xương. Đôi khi phải cắt bỏ đoạn xương nhiễm trùng, việc kéo dài xương rất khó khăn và lâu dài. Một biện pháp khác là có thể ghép xương vào giữa xương chày và xương mác với hi vọng sau thời gian xương mác sẽ to dần, khi chịu lực và dần thay thế cho xương chày.

Theo ThS.BS Tăng Hà Nam Anh / Tuổi Trẻ

>> Giảm nguy cơ gãy xương hông
>> Thiếu vitamin D, dễ gãy xương
>> Phẫu thuật giảm cân không làm tăng nguy cơ gãy xương
>> Phẫu thuật đục thủy tinh thể ngừa... gãy xương
>> Thuốc cho người gãy xương

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.