Vắc xin này khi được tiêm vào cơ thể bệnh nhân, sẽ mang theo các tế bào miễn dịch bị phơi nhiễm virus HIV được khử hoạt tính bằng nhiệt, theo tin tức từ AFP ngày 3.1.
“Hệ miễn dịch trong cơ thể người không thể tự động tiêu diệt virus HIV. Các tế bào miễn dịch này sẽ "hướng dẫn" hệ miễn dịch cách tiêu diệt virus HIV”, ông Felipe Garcia, trưởng nhóm nghiên cứu thuộc Đại học Barcelona.
Nhóm nghiên cứu cho biết vắc xin này không dùng để phòng bệnh mà để chữa bệnh, giúp giảm thiểu số lượng virus HIV “sinh sôi nảy nở” trong cơ thể bệnh nhân.
Vắc xin này được thử nghiệm lâm sàng trên 36 bệnh nhân HIV. Sau 12 tuần tiêm vắc xin, số lượng virus trong cơ thể 36 bệnh nhân bắt đầu giảm xuống. Và 12 trong số 36 người này có số lượng virus giảm trên 90%.
Nhưng sau 24 tuần, tác dụng của vắc xin này bắt đầu giảm.
Nhóm nghiên cứu ước tính vắc xin này sẽ hết tác dụng trong vòng một năm, và bệnh nhân HIV sẽ phải quay lại liệu pháp điều trị kháng virus, hay còn gọi là ART (viết tắt của Anti- Retroviral Therapy). ART là liệu pháp điều trị kết hợp sử dụng nhiều thuốc kháng virus.
Vắc xin này giúp bệnh nhân tạm thời không uống quá nhiều thuốc trong ngày, giảm tác dụng phụ và giảm chi phí điều trị, theo nhóm nghiên cứu.
Nhóm nghiên cứu cho biết họ sẽ mất thêm khoảng ba đến bốn năm nữa để hoàn thiện loại vắc xin này.
Theo số liệu của Liên Hiệp Quốc, số người mắc HIV trên thế giới tăng từ 33,5 triệu (năm 2010) lên 34 triệu vào năm 2011.
Nghiên cứu được đăng tải trên tạp chí y học Science Translation Medicine ngày 3.1.
Phúc Duy
>> Giảm hại và dự phòng lây truyền HIV
>> Mỗi tháng có 1.000 người nhiễm mới HIV
>> Giảm tỷ lệ người nhiễm HIV xuống dưới 0,15%
>> Những bước tiến mới trong điều trị HIV
>> Bệnh nhân HIV được chữa lành đầu tiên trên thế giới
Bình luận (0)