Lai lịch chiếc chén cổ "Tham thì thâm"

06/01/2013 03:55 GMT+7

Sau ngày chiếc chén cổ men ngọc Tham thì thâm với số ký hiệu 15121 bị mất, Bảo tàng Lịch sử TP.HCM đang tìm kiếm hiện vật tương tự để thay vào.

Sau ngày chiếc chén cổ men ngọc Tham thì thâm với số ký hiệu 15121 bị mất, Bảo tàng Lịch sử  TP.HCM đang tìm kiếm hiện vật tương tự để thay vào.

Phiếu thông tin của Bảo tàng Lịch sử (BTLS) ghi: “Nếu tìm được hiện vật tương tự thì phải đăng ký vào sổ để số (thứ tự) hiện vật được bảo đảm liên tục; nhưng phải ghi rõ đây là hiện vật mới bổ sung sau này”. Vậy chiếc chén độc đáo ra sao và “hiện vật tương tự” tìm ở đâu?

Nguyên trong cuốn sổ liệt kê các cổ vật hiến tặng cho nhà nước, cụ Vương Hồng Sển ghi chú về chiếc chén cổ mang số thứ tự 1260 như sau: “Chén Tham thì thâm của bà Đốc phủ Hà Minh Phải, về cháu rể là luật sư Trần Văn Tốt và sau rốt về Cao Sơn và Cao Sơn biếu 12.6.1985”. Vậy Cao Sơn là ai? Rất tình cờ chúng tôi được biết Cao Sơn là tên thân mật do cụ Vương gọi nhà nghiên cứu Trần Đình Sơn - vốn đã bắt đầu có mối giao hảo thân thiết từ năm 1968 - nghĩa là đã cách đây gần 45 năm giữa hai người. Chúng tôi đến gặp ông Trần Đình Sơn sau ngày BTLS lên tiếng xin lỗi về việc mất chiếc chén cổ (xem Thanh Niên số chủ nhật ngày 30.12.2012) và được ông xác nhận: “Đó là chiếc chén cổ trong bộ sưu tập của tôi và do chính tôi mang tặng cụ Vương hơn 27 năm về trước.

 Lai lịch chiếc chén cổ Tham thì thâm
Chiếc chén cổ Tham thì thâm do nhà nghiên cứu Trần Đình Sơn đang giữ (khác với chiếc chén của cụ Vương đã bị mất) - Ảnh: G.H

Lai lịch chiếc chén cổ Tham thì thâm1
Rót nước

Lai lịch chiếc chén cổ Tham thì thâm2
Khi nước vừa

Lai lịch chiếc chén cổ Tham thì thâm3
Khi đầy nước chảy

Chiếc chén này trước kia nằm trong bộ sưu tập đồ xưa danh tiếng nhất miền Nam vào thế kỷ 20 của gia đình bà Đốc phủ Hà Minh Phải. Nhưng đến năm 1975, bộ sưu tập trên phân tán ra ngoài và tôi đã đến liên hệ tại nhà của một hậu duệ bà Đốc phủ Phải trên đường Cao Thắng, Q.3, TP.HCM để mua 3 món đồ cổ, trong đó có hai cái chén cổ đời Thanh. Một cái mà sau này tôi tặng cụ Vương như đã nói trên. Còn một cái trông giống như thế hiện tôi vẫn còn giữ cho tới nay. Cả hai đều do cụ Vương đặt tên là Tham thì thâm và đều rất độc đáo. Nói độc đáo là vì cả hai cái chén cổ ấy chỉ “được phép” rót rượu ở mức vừa phải, nếu rót quá nhiều thì rượu sẽ chảy ra ngoài hết. Riêng chén tặng cụ Vương phủ bằng men xanh ngọc bên ngoài, trong lòng chén có tượng một ông tiên nhỏ đứng thẳng phủ men xanh thẫm. Dưới chân bên trái của ông tiên có khoét một cái lỗ, dưới đáy chén cũng có khoét thêm một lỗ thoát nước nữa. Điều rất lạ và thú vị là khi đổ rượu hoặc nước trà vào trong chén từ từ đến ngang miệng ông tiên nước vẫn giữ đầy nguyên, nhưng nếu tiếp tục đổ thêm rượu hoặc trà vào chén đến mũi của ông tiên nước sẽ lập tức thoát ngay ra ngoài không còn một giọt. Nó thoát thẳng theo lỗ hổng dưới chân tượng ông tiên.

 

Ngẫm nghĩ về ý nghĩa của đồ chơi này, cụ Vương đặt cho chén cổ cái tên là Tham thì thâm, ngụ ý rằng ham rượu trà cách mấy cũng phải kiềm chế rót vừa phải thôi chứ nếu “tham” quá sẽ mất sạch đến giọt cuối cùng 

Nhà nghiên cứu Trần Đình Sơn

Theo chúng tôi biết, chén cổ dạng này là đồ chơi trong cung đình nhà Thanh, được các hoàng tử, công chúa và bậc quyền quý rất thích. Lưu lạc thế nào không rõ lại lọt vào nhà của bà Đốc phủ Phải rồi đến tay chúng tôi. Thấy cụ Vương rất thích món đồ chơi xưa này nên tôi đã mang tặng cụ vào một dịp vui năm 1985. Ngẫm nghĩ về ý nghĩa của đồ chơi này cụ Vương đặt cho chén cổ cái tên là Tham thì thâm, ngụ ý rằng ham rượu trà cách mấy cũng phải kiềm chế rót vừa phải thôi chứ nếu “tham” quá sẽ mất sạch đến giọt cuối cùng... Sau khi tặng cụ Vương một chiếc chén cổ Tham thì thâm, tôi vẫn còn giữ một chiếc nhưng nhỏ hơn và được làm bằng sứ trắng, bên ngoài vẽ nhân vật quý tộc xưa đang thưởng ngoạn tranh, còn ông tiên vẫn đứng giữa chén mà đề tài trang trí bên ngoài vẽ bằng màu sắc rất đẹp, chứ không “thuần” màu men ngọc như cái chén đã mất của cụ Vương. Điều nữa là chén tôi đang giữ không xưa bằng cái tôi đã tặng cụ Vương, vì chén của cụ chế tác đầu đời Thanh, trong lúc cái của tôi đang giữ chế tác cuối đời Thanh”.

Một chi tiết nữa liên quan đến hai cái chén cổ Tham thì thâm là nguyên chủ nhân (trước khi đến tay ông Sơn và cụ Vương) là bà Đốc phủ Phải mà cụ Vương đã viết lại trong một tạp bút tìm thấy tại thư phòng của cụ, sau ngày cụ qua đời vào năm 1996 với những ghi nhận xót xa như sau: “Người biết chơi đồ xưa trong nam, tôi chỉ biết một là bà Hà Minh Phải, quen gọi là Đốc phủ Phải, thì mộ bà này đã bị kẻ trộm đào lấy luôn đầu lâu, vì chúng khi đào, mò trong mồm, không tìm được hột kim cương bà ngậm trong miệng nên đã rinh sọ bà đi rồi”.

Giao Hưởng

>> 40.000 cổ vật trên con tàu đắm
>> Khai quật khẩn cấp cổ vật dưới biển
>> Giám đốc bảo tàng xin lỗi về vụ mất cổ vật

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.