Khám sức khỏe để tìm việc trong nước, đặc biệt là để đi lao động ở nước ngoài đòi hỏi nhiều yếu tố nghiêm ngặt. Thế nhưng, có những bệnh viện thực hiện hết sức sơ sài, thậm chí không có chức năng cũng bán hồ sơ và nhận khám… vô tư.
“Đo” sẵn trong giấy
9 giờ 30 phút ngày 26.12.2012, chúng tôi đến Bệnh viện đa khoa khu vực Thủ Đức, TP.HCM để khám sức khỏe. Chúng tôi chia nhau khám hai nội dung: một người khám sức khỏe đi xin việc trong nước; còn người kia là để đi xuất khẩu lao động tại UAE - Các Tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất.
Tại phòng số 17, hai điều dưỡng phát cho chúng tôi 2 tờ giấy chứng nhận sức khỏe bằng tiếng Việt giống hệt nhau và đều không có ô dán hình ảnh. Sau khi khai tên tuổi, nơi thường trú, lý do khám, chúng tôi đi nộp CMND và đóng lệ phí 20.000 đồng/người. Đóng tiền xong, chúng tôi trở lại phòng số 17 để được cân, đo, kiểm tra huyết áp. Mặc dù chiều cao của người đăng ký khám sức khỏe để đi lao động ở nước ngoài chỉ 1,58 m nhưng cô điều dưỡng “khuyến mãi” làm tròn luôn 1,6 m. Điều đáng nói, cả 2 tờ khám sức khỏe đều đã ghi sẵn thông số về huyết áp và mạch. Trong đó, người nữ được ghi huyết áp là 110/60 mm/Hg và mạch là 76 lần/phút, còn người nam huyết áp 110/60 mm/Hg và mạch là 74 lần/phút. Một người trong chúng tôi đề nghị được đo mạch, huyết áp, nhân viên phòng 17 nói: “Muốn đo thì đo thôi”. Kiểm tra xong, cô này không chỉnh sửa gì các thông số đã ghi sẵn.
|
Tiếp đó, chúng tôi được hướng dẫn đến 7 phòng nữa để khám mắt, răng - hàm - mặt, tai - mũi - họng, da liễu, ngoại tổng quát… Trừ phần kiểm tra mắt là tương đối cụ thể, còn lại đến đâu, bác sĩ cũng hỏi thăm qua loa, chiếu lệ vài câu rồi ký vào tờ giấy chứng nhận sức khỏe. Tại phòng số 10 khám tai - mũi - họng, một bác sĩ nam không quan tâm về bệnh trạng mà chỉ lặp đi lặp lại những câu hỏi, đó là: sinh năm mấy? quê ở đâu? Tại phòng số 6 (ngoại tổng quát), chúng tôi được một điều dưỡng nữ tiếp nhận hồ sơ, sau đó chỉ qua gặp bác sĩ gần đó. Lúc này, vị bác sĩ đang trò chuyện với một bệnh nhân khác. Ông không khám hay hỏi han điều gì nhưng vẫn đặt bút ký vào giấy chứng nhận sức khỏe của chúng tôi. Một số phòng khác, nhân viên y tế hỏi qua quýt: “Trước nay có mổ gì không?”, rồi bảo ra ngoài chờ, lát sau gọi tên để… nhận lại giấy tờ!…
Quá trình khám sức khỏe ở đây không có các công đoạn xét nghiệm máu, nước tiểu hoặc chụp X-quang. Đến 10 giờ 45 phút, chúng tôi nhận được kết quả chứng nhận sức khỏe: “Đủ sức khỏe làm việc”. Dẫu rằng, một trong hai chúng tôi có thị lực mắt trái chỉ đạt 3/10 và mắt phải là 4/10!
Mắt cận, đọc sai vẫn “đạt 100%”
Đầu giờ chiều 28.12, chúng tôi đến Bệnh viện quận Tân Bình, TP.HCM hỏi mua hai loại hồ sơ khám sức khỏe. Cô nhân viên phòng thu ngân - khám sức khỏe (phòng 208, lầu 1) cho biết chi phí khám sức khỏe xin việc trong nước và xuất khẩu lao động là như nhau, tức là 215.000 đồng. Tưởng nghe nhầm, chúng tôi hỏi lại. Cô nhân viên tỏ vẻ khó chịu, gắt gỏng: “Cùng một giá mà thôi”. Cuối cùng, chúng tôi quyết định mua bộ hồ sơ khám để đi làm việc ở nước ngoài. Chúng tôi ghi rõ họ tên, lý do khám sức khỏe là “xuất khẩu lao động tại Malaysia, ngành dịch vụ nhà hàng”.
Dựa theo hướng dẫn trên mẩu giấy nhỏ đính kèm biên lai thu tiền, chúng tôi lần lượt đến từng phòng để kiểm tra sức khỏe. Đầu tiên là phòng 202 khám ngoại, da liễu. Ở đây, bác sĩ chỉ ký tên rồi cho qua. Tiếp đến là phòng 203 khám mắt. Mặc dù tôi cố tình đọc sai tứ tung các con chữ, song bác sĩ vẫn cho cả 2 mắt có thị lực đạt 100%. Tại phòng 204 khám tai - mũi - họng, bác sĩ bảo tôi há miệng ra để liếc vào một giây, rồi ký tên vào giấy khám sức khỏe (tôi có trình bày là hay bị nghẹt mũi, song vị bác sĩ phớt lờ, chẳng khám chi đến mũi và tai). Những khâu tiếp theo cũng đơn giản, nhanh chóng ở các phòng 208 (cân, đo huyết áp), phòng 105 (khám răng - hàm - mặt), chụp X-quang. Quy trình kết thúc ở phòng 109 - xét nghiệm máu và nước tiểu. Nhân viên bệnh viện hẹn chúng tôi 3 giờ 30 chiều 2.1 đến phòng kế hoạch - tổng hợp lấy kết quả.
|
Đã nhắc nhở, vẫn làm trái quy định
Chiều 4.1, trả lời PV Thanh Niên xung quanh vấn đề nhận khám sức khỏe xuất khẩu lao động của một số bệnh viện quận tại TP.HCM, đại diện Phòng Nghiệp vụ y - Sở Y tế TP.HCM khẳng định: Tiêu chuẩn và điều kiện đối với bệnh viện khám và chứng nhận sức khỏe của người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài là phải đạt tiêu chuẩn bệnh viện đa khoa từ hạng II trở lên theo xếp hạng của Bộ Y tế (theo mục II của Thông tư liên tịch số 10/2004/TTLT- BYT - BLĐTBXH - BTC). Hiện tại, những bệnh viện trực thuộc Sở Y tế TP.HCM đủ điều kiện khám và chứng nhận sức khỏe cho người lao động đi làm việc ở nước ngoài, bao gồm: Nhân dân Gia Định, Nhân dân 115, Nguyễn Tri Phương, An Bình, Đa khoa Sài Gòn, Cấp cứu Trưng Vương.
Vị đại diện Sở Y tế TP.HCM nói trên nhấn mạnh: “Đầu năm 2012, Sở đã có văn bản nhắc nhở các bệnh viện trực thuộc khám sức khỏe theo đúng quy định pháp luật. Những đơn vị nào làm sai quy định phải chịu trách nhiệm. Chúng tôi sẽ báo thanh tra Sở để có hướng chấn chỉnh, xử lý”.
Quy trình tổ chức khám sức khỏe Theo Thông tư liên tịch số 10/2004/TTLT - BYT - BLĐTBXH - BTC ngày 16.12.2004 của Bộ Y tế, Bộ LĐ-TB-XH, Bộ Tài chính, quy trình tổ chức khám và chứng nhận sức khỏe cho người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài gồm những bước: Tiếp nhận hồ sơ và hoàn thành các thủ tục hành chính; Khám thể lực: đếm mạch, nhịp thở, đo thân nhiệt, huyết áp, chiều cao, cân nặng; Khám lâm sàng toàn diện theo các chuyên khoa; Làm các xét nghiệm bắt buộc và các xét nghiệm khác (nếu có yêu cầu)... Trong đó, các xét nghiệm cận lâm sàng và X-quang bắt buộc, gồm: công thức máu; nhóm máu ABO; u rê máu; đường máu; xét nghiệm viêm gan B; xét nghiệm HIV; xét nghiệm giang mai: tiến hành đồng thời 2 xét nghiệm (xét nghiệm VDRL hoặc RPR; xét nghiệm TPHA); tìm ký sinh trùng sốt rét trong máu; xét nghiệm phân tìm ký sinh trùng; xét nghiệm nước tiểu: đường niệu, protein niệu; chụp X-quang tim phổi thẳng... Thông tư cũng nêu, bệnh viện khám sức khỏe phải chịu trách nhiệm về kết luận sức khỏe của người lao động. Nếu người lao động bị trả về nước do kết luận khám và chứng nhận sức khỏe của bệnh viện không đúng thì bệnh viện đó phải bồi hoàn cho người lao động khoản kinh phí bằng một lượt vé máy bay (hạng phổ thông) từ nước mà người lao động bị trả về Việt Nam. Trường hợp người lao động bị mắc các bệnh cấp tính... thì người lao động phải tự chịu trách nhiệm. |
Như Lịch - Lê Thanh
>> Tư vấn trực tuyến: “Vì sao khám sức khỏe tổng quát thật sự cần thiết?”
>> Lừa đảo xuất khẩu lao động
>> Thị trường xuất khẩu lao động ngày càng bất ổn
>> Kẻ lừa chiếm đoạt tiền xuất khẩu lao động đầu thú
Bình luận (0)