Thiếu bác sĩ nghiêm trọng

09/01/2013 09:44 GMT+7

Sau khi ra trường các bác sĩ trẻ không chịu về quê làm việc, đã dẫn đến việc thiếu nguồn nhân lực cho ngành y tế Bình Thuận.

Bác sĩ Nguyễn Văn Nhơn - Giám đốc Sở Y tế Bình Thuận cho rằng một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên là do chính sách ưu đãi, thu hút cán bộ cho ngành y tế của tỉnh chưa phát huy tác dụng.

Mỗi năm tuyển được 4 bác sĩ

Theo báo cáo của Sở Y tế Bình Thuận, trong 5 năm qua, toàn tỉnh chỉ tuyển mới được 20 bác sĩ. Theo số liệu của Phòng Tổ chức cán bộ Sở Y tế Bình Thuận cung cấp, số bác sĩ của cả tỉnh là 429 người (kể cả bác sĩ đông y, trong đó có 112 bác sĩ chuyên tu, chỉ có 2 tiến sĩ và 8 bác sĩ chuyên khoa II). So với số dân Bình Thuận là 1,2 triệu người thì tỷ lệ này còn quá thấp so với bình quân cả nước. Đặc biệt, trong đội ngũ bác sĩ hiện nay của Bình Thuận tỷ lệ  trẻ rất thấp. Đa số là các bác sĩ được đào tạo lại, nên tuổi đã cao. Đánh giá của Sở Y tế Bình Thuận, trong vòng 5 năm nữa có hàng loạt bác sĩ về hưu, trong khi “đầu ra” đã thiếu thì nay mai sẽ càng thiếu trầm trọng hơn.

Đội ngũ y bác sĩ  
Để có được đội ngũ y bác sĩ giỏi, Bình Thuận cần phải có chính sách dài hơi- Ảnh Quế Hà

Ông Trần Hữu Dung- Trưởng phòng giáo dục chuyên nghiệp (Sở GD-ĐT Bình Thuận) cho rằng, do đặc thù của ngành y (học bác sĩ mất từ 6-7 năm) nên số sinh viên người Bình Thuận theo học y khoa ở các trường đại học của cả nước hiện nay rất ít (khoảng 10 em/năm). Trong khi đó, đa phần các em tốt nghiệp rồi ở lại thành phố làm việc hoặc tiếp tục học lên cao, chứ không về quê công tác. “Vì vậy tỉnh cần  có những chính sách ưu đãi đặc biệt nhằm khuyến khích các bác sĩ trẻ về công tác tại tỉnh, nhất là các bác sĩ trẻ người Bình Thuận về quê làm việc”, ông Dung nói.

Còn theo bác sĩ Phan Ngọc Hùng- Giám đốc Bệnh viện đa khoa An Phước (TP.Phan Thiết) thì việc quản lý đội ngũ bác sĩ là rất khó. “Đội ngũ bác sĩ là đội ngũ trí thức, quyết định sự sống còn của một bệnh viện. Với họ, tiền lương không phải là tất cả. Cái mà đội ngũ bác sĩ cần nhất hiện nay là môi trường công tác cần thông thoáng. Phải tạo điều kiện để họ có điều kiện phát huy tài năng và cống hiến cho người bệnh. Công tác quản lý hành chính can thiệp quá sâu sẽ làm ảnh hưởng đến chuyên môn của họ”, ông Hùng cho biết.

Giám đốc Sở Y tế Bình Thuận Nguyễn Văn Nhơn đưa ra giải pháp: “Bên cạnh một chính sách dài hơi, đặc biệt nhằm thu hút nguồn nhân lực, vẫn cần phải có các chương trình nhằm đào tạo và đào tạo nâng cao cán bộ ngành y. Có nguồn kinh phí hỗ trợ không chỉ cho cán bộ trong ngành học lên cao, chuyên sâu mà còn giúp đỡ cho sinh viên người địa phương đang học trong trường y để các em về quê nhận công tác”.

Thừa điều dưỡng

Theo bác sĩ Phạm Văn Chương- Hiệu trưởng trường CĐ Y tế  Bình Thuận thì việc đào tạo đội ngũ điều dưỡng của Bình Thuận hiện nay là “vừa thừa vừa thiếu”. Ông Chương giải thích, thiếu là nhu cầu thực tế của các cơ sở y tế trong tỉnh hiện nay. Có những khoa của bệnh viện, trực đêm chỉ có 2 điều dưỡng với vài chục bệnh nhân. Trong khi đó, do không có chỉ tiêu, các bệnh viện không thể tuyển thêm đội ngũ điều dưỡng vì thiếu ngân sách để trả lương. Hiện nay, mỗi khoá trường CĐ Y tế Bình Thuận cho “ra lò” khoảng 700 sinh viên (Y sĩ và điều dưỡng). Nhưng đội ngũ này được vào làm việc tại các bệnh viện công là rất ít. “Rất nhiều em ra trường không có việc làm, hoặc phải làm việc trái nghề của mình, trong khi nhiều bệnh viện thiếu nghiêm trọng điều dưỡng. Bất hợp lý là chỗ đó”- bác sĩ Chương trăn trở.

Quế Hà

>> Thiếu bác sĩ sản, nhi tuyến huyện

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.