Người Việt đầu tiên làm Tổng thư ký ASEAN

10/01/2013 04:15 GMT+7

Nhà ngoại giao Việt Nam Lê Lương Minh chính thức nhậm chức Tổng thư ký ASEAN ngày 9.1 trước những kỳ vọng lớn lao và không ít thử thách.

Nhà ngoại giao Việt Nam Lê Lương Minh chính thức nhậm chức Tổng thư ký ASEAN ngày 9.1 trước những kỳ vọng lớn lao và không ít thử thách.

Lễ nhậm chức diễn ra tại trụ sở Ban Thư ký (BTK) ASEAN ở thủ đô Jakarta, Indonesia với sự hiện diện của cựu Tổng thư ký (TTK) người Thái Lan Surin Pitsuwan, Ngoại trưởng nước chủ nhà Marty Natalegawa cùng nhiều nhà ngoại giao, đại diện các tổ chức và doanh nghiệp quốc tế. Vị trí TTK ASEAN được luân phiên mỗi 5 năm giữa 10 quốc gia thành viên. Nhiệm kỳ của TTK Lê Lương Minh chính thức bắt đầu từ ngày 1.1.2013.

Đây là lần đầu tiên ASEAN có TTK người Việt Nam. Nhà báo, nhà quan sát thời sự quốc tế của Thái Lan Kavi Chongkittavorn nhận định: “Với việc một nhà ngoại giao kỳ cựu của mình đứng đầu khối ASEAN, vị thế chính trị của Việt Nam trong khu vực và trên thế giới sẽ được nâng cao và thừa nhận nhiều hơn nữa”.

Vai trò và thách thức

Theo Hiệp định thành lập BTK ASEAN năm 1976 và Hiệp định sửa đổi năm 1992, chức năng cơ bản của cơ quan này là “điều phối có hiệu quả hoạt động của các cơ quan thuộc ASEAN và thực thi các dự án và hoạt động của ASEAN”. Theo đó, TTK ASEAN có vai trò, trách nhiệm định hướng, điều phối hoạt động và tổ chức thực thi, báo cáo, nặng tính hành chính hơn là ra quyết định đối với các vấn đề quan trọng.

Cựu TTK Pitsuwan lúc gần mãn nhiệm thường phàn nàn rằng vị trí này và BTK nói chung có ít quyền hành để có thể trở thành “trung tâm đầu não” của khối. Ông từng trình lên các lãnh đạo khối bản kiến nghị 17 điều mang tên “Thách thức ASEAN”, kêu gọi nâng cao quyền hạn của TTK để người đứng đầu khối có vai trò chủ động hơn và có thể ra quyết định với tư cách đại diện khối. Theo ông Kavi, đây là một thách thức mang tính di sản đối với tân TTK Lê Lương Minh.

Mặt khác, về tổ chức, ASEAN có nhiều cơ quan và bộ phận, trong đó một số có mục tiêu chồng chéo dẫn đến việc thực thi các kế hoạch có khi bị vướng mắc. Vì vậy, TTK Lê Lương Minh trong phát biểu nhậm chức đã xác định rõ: “Cải thiện việc thực thi chính sách ở cả 3 trụ cột chính trị - an ninh, kinh tế, và văn hóa - xã hội; nâng cao hiệu quả hoạt động của các đơn vị; thúc đẩy các ưu tiên hướng tới cải thiện sự phối hợp hành động tầm quốc gia và khu vực là hướng đi sắp tới của BTK”.

Tân TTK Lê Lương Minh (trái) nhận bàn giao trọng trách từ ông Surin Pitsuwan ngày 9.1 - Ảnh: AFP
Tân TTK Lê Lương Minh (trái) nhận bàn giao trọng trách từ ông Surin Pitsuwan ngày 9.1 - Ảnh: AFP
 

Kỳ vọng

Là “một nhà ngoại giao được kính trọng rộng rãi trên thế giới” như nhận định của kênh truyền hình Channel News Asia (Singapore), ông Lê Lương Minh được kỳ vọng sẽ lèo lái thành công con thuyền ASEAN giữa “thời điểm chuyển mình quan trọng nhất trong lịch sử 46 năm của khối”. Ông từng để lại dấu ấn đặc biệt trong vai trò Chủ tịch HĐBA LHQ nhiệm kỳ 2008-2009 khi Việt Nam lần đầu tiên trở thành thành viên không thường trực của hội đồng. Đóng góp của ông trong việc giải quyết xung đột ở Dafur (Sudan), Bờ Biển Ngà, Sierra Leone, Georgia, Somalia; giải quyết hậu quả bão Nagis ở Myanmar... được quốc tế công nhận.

Với gần 10 năm (1995 - 2004) giữ cương vị đại diện Việt Nam tại Văn phòng LHQ và các tổ chức quốc tế khác tại Geneva (Thụy Sĩ) cũng như Trưởng phái đoàn Đại diện thường trực Việt Nam tại LHQ ở New York (Mỹ) từ 2004 - 2011, ông Lê Lương Minh có kinh nghiệm ngoại giao đa phương và quan hệ quốc tế sâu rộng. Các nhà quan sát tin rằng ông sẽ có cách tiếp cận khác người tiền nhiệm Pitsuwan và mong đợi ông sẽ thiết lập được một chuẩn mực hoạt động của BTK ASEAN.

Trước mục tiêu hình thành Cộng đồng ASEAN vào cuối năm 2015, tân TTK Lê Lương Minh cam kết BTK sẽ tăng cường cung cấp hỗ trợ kỹ thuật và tư vấn cho các quốc gia thành viên trong việc thực thi các dự án. Đồng thời BTK sẽ tăng cường hợp tác với các đối tác để tận dụng thêm sự hỗ trợ ngoài khối. Riêng với lĩnh vực chính trị - an ninh, TTK Lê Lương Minh nhấn mạnh: “ASEAN cần đẩy nhanh nỗ lực để bắt đầu thương lượng với Trung Quốc với mục tiêu sớm đạt được một bộ Quy tắc ứng xử biển Đông”.

Ông Lê Lương Minh sinh ngày 1.9.1952, quê Thanh Hóa. Ông học ngành Ngoại giao tại ĐH Ngoại giao (nay là Học viện Ngoại giao Việt Nam), tốt nghiệp năm 1974, Ngữ văn và Văn chương Anh tại ĐH Jawaharlal Nehru, New Delhi, Ấn Độ. Ông hoạt động ngoại giao từ năm 1975 và trở thành Thứ trưởng Ngoại giao từ tháng 12.2008. Từ năm 2004 - 2011, ông là Trưởng phái đoàn Đại diện thường trực Việt Nam tại LHQ.

Trả lời phỏng vấn kênh truyền hình Channel News Asia qua điện thoại từ Bangkok sáng 9.1, nhà quan sát Kavi Chongkittavorn nhận định: “Tân TTK Lê Lương Minh là nhà ngoại giao chuyên nghiệp và đã có những thành công nhất định”. Trước đó, trong bài xã luận trên báo Straits Times ngày 2.1, ông Kavi cũng nhận định nhà ngoại giao Việt Nam  “đã được chuẩn bị kỹ lưỡng trong một thời gian khá dài” để đảm nhận vai trò TTK ASEAN.

Trong bài xã luận có tựa đề Thách thức của Surin đăng trên báo Jakarta Globe ngày 7.1, cây bút Jamil Maidan Flores viết rằng: “Báo chí và giới ngoại giao đang bình luận rằng thật tội nghiệp cho người nào kế nhiệm Surin Pitsuwan (trong vai trò TTK ASEAN - PV). Nhưng tôi thì không nghĩ thế. Lê Lương Minh, rồi các bạn sẽ thấy, không phải là kẻ dễ bị đánh bại. Cũng như Surin, ông ấy là một nhà ngoại giao kỳ cựu với hàng tá công trạng”.

Thục Minh
(VP Singapore)

>> Ông Lê Lương Minh nhậm chức Tổng thư ký ASEAN
>> Biển Đông vẫn là trọng tâm của ASEAN năm 2013
>> Việt Nam tích cực thúc đẩy quan hệ đối tác chiến lược ASEAN - Ấn Độ
>> Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng dự Hội nghị Cấp cao ASEAN - Ấn Độ
>> Ấn Độ, ASEAN hợp tác an ninh biển
>> Việt Nam tham dự giao lưu thanh niên ASEAN - Ấn Độ
>> Việt Nam xếp thứ 2 tại Hội thi tay nghề ASEAN

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.