Đó là nhận định của nhiều đại biểu tại Hội nghị hợp tác thương mại biên giới Việt Nam - Campuchia lần thứ 5 vừa được tổ chức tại Bình Phước.
Theo báo cáo của Tổng cục Hải quan, trong giai đoạn 2001 - 2011, kim ngạch 2 chiều giữa Việt Nam (VN) và Campuchia (CPC) tăng trưởng trung bình 23%/năm, từ 169 triệu USD năm 2001 lên tới 2,83 tỉ USD vào năm 2011 và 2012 đạt khoảng 3,1 tỉ USD. Riêng tỉnh Bình Phước, kim ngạch xuất nhập khẩu đạt hơn 44 triệu USD, chủ yếu là các sản phẩm công nghiệp, hàng tiêu dùng, sản phẩm gỗ, cao su, điều, xi măng, mì lát…Tuy nhiên, con số này được đánh giá là vẫn chưa tương xứng tới tiềm năng khi đã có nhiều văn kiện quan trọng được ký kết giữa hai nước. Hiện toàn tuyến biên giới 2 nước có 140 chợ (trong đó 97 chợ biên giới, 6 chợ cửa khẩu và 37 chợ trong khu kinh tế cửa khẩu). Thế nhưng do điều kiện địa lý và kinh tế - xã hội của các tỉnh biên giới, hệ thống chợ này phát triển chưa đồng đều, quy mô nhỏ, còn nhiều chợ tạm, hoạt động kém hiệu quả.
|
Ngoài ra, một trong những điều khiến nhiều doanh nghiệp (DN) “mất ăn mất ngủ” chính là chính sách thuế đối với hàng xuất nhập khẩu. Nhiều mặt hàng không có trong danh mục thuế suất, việc thu thuế thực hiện theo từng mặt hàng, từng chuyến hàng gây khó khăn cho DN… “Việc thu thuế theo từng mặt hàng và từng chuyến hàng, dẫn đến nhiều rủi ro cho DN. Bởi vì DN không kiểm soát được hiệu quả kinh doanh. Chưa hết, thời gian qua, nhiều cửa khẩu được nâng lên thành cửa khẩu quốc tế, nhưng vẫn chưa được bổ sung vào bản thỏa thuận giữa VN-CPC nên hàng hóa xuất nhập qua các cập cửa khẩu này không được hưởng ưu đãi thuế quan”, một lãnh đạo Tổng cục Hải quan nói.
|
Phát biểu tại hội nghị, thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Cẩm Tú cho biết: “Thời gian tới, Bộ Công Thương VN và CPC tiếp tục sửa đổi, bổ sung các quy định chưa phù hợp về thương mại biên giới. Thường xuyên phối hợp tổ chức kiểm tra, tạo thuận lợi cho hàng hóa, người và phương tiện qua lại biên giới 2 nước”.
|
Cũng tại hội nghị lần này, 2 nước đã cùng ký “Bản thỏa thuận triển khai Quy hoạch phát triển mạng lưới chợ biên giới VN - CPC; bản ghi nhớ hợp tác phát triển thương mại biên giới VN-CPC lần V; phấn đấu kim ngạch thương mại 2 chiều giữa hai nước cả năm 2012 khoảng 3,1 tỉ USD và lên 5 tỉ USD trong năm 2015…
VN-CPC là 2 quốc gia láng giềng gần gũi với hơn 1.000 km đường biên giới chung; CPC có 9 tỉnh biên giới giáp với 10 tỉnh của VN. Giữa 2 nước có 10 cửa khẩu quốc tế, 12 cửa khẩu quốc gia, có 25 cửa khẩu phụ và nhiều đường mòn, địa hình bằng phẳng, hệ thống kênh rạch tốt, đi lại rất thuận tiện…Theo Bộ trưởng Bộ Công thương VN Vũ Huy Hoàng, hiện nay, CPC đang là một trong những thị trường chủ lực của hàng hóa xuất khẩu của VN. Riêng quan hệ trao đổi hàng hóa trên tuyến biên giới VN-CPC diễn ra rất sôi động. Kim ngạch xuất nhập khẩu biên mậu của 10 tỉnh biên giới của VN giáp CPC tăng rất mạnh qua các năm (bình quân tăng 30,82%/năm). Ngoài ra, đến nay 2 nước đã ký kết một số hiệp định quan trọng như: Hiệp định về Hợp tác kinh tế thương mại (1994); Hiệp định về thành lập Ủy ban Hỗn hợp về kinh tế, văn hóa, khoa học kỹ thuật (1994); Hiệp định Thương mại (1998); Hiệp định Khuyến khích và bảo hộ đầu tư (2001); Hiệp định mua bán, trao đổi hàng hóa và dịch vụ thương mại khu vực biên giới VN-CPC (2001), Hiệp định Quá cảnh hàng hóa (2008) và gần đây nhất là Bản thỏa thuận thúc đẩy thương mại VN-CPC giai đoạn 2012 - 2013 được ký kết trong tháng 02.2012. |
Bài, ảnh: Phước Hiệp
>> Gian lận thương mại gia tăng tại khu kinh tế Lao Bảo
>> Từ thương mại đến chính trị
>> Chống buôn lậu, gian lận thương mại cuối năm
>> Thúc đẩy kim ngạch thương mại Việt Nam - Đan Mạch
Bình luận (0)