Thấp thỏm canh phật thủ

14/01/2013 08:36 GMT+7

Càng gần đến Tết, những gia đình trồng phật thủ càng phải canh phòng cẩn mật vườn quả trị giá hàng trăm triệu đồng.

Những cây phật thủ đầu tiên được trồng tại Đắc Sở (H. Hoài Đức, Hà Nội) từ năm 2004 bởi chính những người trong xã từng đi buôn quả phật thủ mọc trên rừng tại Lạng Sơn, Hòa Bình, Tuyên Quang... rồi tự học cách chiết cành, nhân giống tại quê. Đến nay, diện tích cây phật thủ đã là 20 ha, là “nồi cơm” của 80% số hộ gia đình. Do đất Đắc Sở đã bạc màu, người dân đang thuê đất bãi của xã Yên Sở liền đó canh tác với giá một năm 3 tấn thóc cho mỗi mẫu.

Quả phật thủ có thể thơm ngát suốt 8 tháng, nên dịp cuối năm ai cũng muốn dâng “quả Phật” lên ban thờ tổ tiên, khiến giá trị của thứ quả này càng bị đẩy lên cao. Trung bình một quả bán tại vườn được 200.000 - 300.000 đồng, quả bị rụng lúc còn non cũng có thể bán được từ 20.000 đồng. Những quả nhỏ nhất cũng có thể bán cho cửa hàng thuốc bắc giá 6.000 đồng một cân hoặc thái ra ngâm với mật ong làm thuốc chữa ho. Bà Nguyễn Thị Mậu (55 tuổi, thôn Đông Hạ, chủ 7 sào vườn phật thủ) cho biết quả phật thủ càng có nhiều “móng”, nhiều tầng, xòe đều thì có giá càng cao. Nhiều nhà may mắn có quả phật thủ 3 tầng, mỗi tầng 20 “móng”, được trả 5 triệu đồng tại vườn mà chưa muốn bán. Khách chuộng nhất những quả phật thủ có cuống lá dài bằng 1 gang tay, có thể cắm cả quả vào bình thủy tinh, sau vài ngày có thể nhìn rõ những chùm rễ trắng đâm ra như rễ hoa thủy tiên ngày Tết.

 
Chị Đinh Thị Huệ kiểm tra lại hệ thống dây buộc quả phật thủ, tránh cho cành bị gẫy - Ảnh: Thúy Hằng

Ngày rằm, mồng 1, bà Mậu mang phật thủ vào chợ Đồng Xuân, chợ Long Biên bán một lúc có thể hết vài chục đến 100 quả. Ngày Tết, nếu mối hàng nào không đặt trước 1 tháng, không mua được phật thủ tại Đắc Sở. Nhà nào có vườn phật thủ sai, quả đẹp đúng vụ Tết, coi như trúng xổ số độc đắc. Đó là lý do vì sao người dân phải canh vườn nghiêm ngặt. “Năm trước, đầu tháng Chạp có nhà bị cắt mất hàng chục quả phật thủ lớn, giàn bị giật đổ, cành cây bị bẻ gẫy, chủ vườn cứ đứng giữa sân khóc như mưa”, bà Mậu kể.

Hiện tại, người dân đã mắc xong hệ thống đèn điện, vườn phật thủ có thể sáng trưng cả đêm. Hàng rào dây thép bao quanh vườn. Các thành viên trong gia đình, họ hàng được huy động trực tại vườn 24/24.  Ngay khi ươm cây xuống đất, những căn “chòi” khá đặc biệt bằng gạch đã được xây giữa các vườn phật thủ. Chòi cao gấp 3 lần chiều cao giàn phật thủ (khoảng 6 m), cửa sổ mở 4 phía, chỉ có 1 gian nhưng có gác xép- nơi ngủ của người trông coi vườn. Từ trên đê Hoài Đức, có thể đếm được 32 mái chòi cao nổi bật giữa bãi phật thủ lúp xúp. Chị Đinh Thị Huệ (43 tuổi, thôn Đông Hạ) cho biết chị, chồng và con trai 21 tuổi thay phiên nhau ngủ tại chòi từ lúc phật thủ đậu quả. Phật thủ càng lớn, mỗi đêm lại càng không dám ngủ say. Nghe chó sủa là bật dậy, rọi đèn pin xuống vườn. Hỗ trợ chủ vườn mùa cao điểm này còn có đàn chó, chị Huệ tiết lộ, trung bình cứ  3 sào là 1 con chó. Nhà chị Huệ trồng 1 mẫu thì có đến 4 con chó được bố trí tại các góc vườn.

Không chỉ canh chừng nhân tai, cả Đắc Sở đều như đang ngồi trên đống lửa canh chừng thiên tai. Trước ngày phun thuốc sâu (1 tháng phun 2 đợt), chủ vườn phải xem dự báo thời tiết đến 3 lần, tránh phun xong thuốc mất vài triệu, có mưa, coi như cả tiền và công sức bốc hơi. Những ngày rét đậm rét hại này, phật thủ càng chững lại, không lớn thêm. Nhiều quả không được giá dịp Tết vì còn nhỏ, “móng” chưa đủ độ dài. Trời lạnh, người trồng cũng càng vất vả khi có đêm phải đốt lửa sưởi  ấm trong lúc canh vườn.

Ông Nguyễn Văn Bằng, Chủ tịch UBND xã Đắc Sở cho biết trồng phật thủ như đánh bạc: “Có nhà đều đặn thu được ba, bốn trăm triệu đồng một năm. Có nhà từ đồng lãi ban đầu đã trở thành bà chủ lớn của đại lý phân bón, thuốc trừ sâu cho hàng ngàn hộ dân toàn Yên Sở và Đắc Sở. Cũng có những gia đình, vay nợ vài cây vàng, mất 400 triệu đồng đầu tư cho một mẫu vườn nhưng trắng tay nếu cây có lớn nhưng không có quả hoặc quả cứ lành lặn như bưởi mà không có “móng”... Gian khó là vậy, tuy nhiên dân Đắc Sở ai cũng ham thứ cây “hái ra tiền”, người này thất bại, người kia lại thử sức. Được đổi đời từ cây phật thủ gần 10 năm qua vẫn luôn là khát khao của những người suốt nửa cuộc đời dầm sương dãi nắng...

Thúy Hằng

>> Tặng quà tết
>> Việc làm thời vụ dịp tết
>> Làng đúc lư đồng mùa tết
>> Chơi tết tiết kiệm

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.