Xuất siêu “có tiếng không miếng”

15/01/2013 03:00 GMT+7

Lần đầu tiên sau 20 năm, Việt Nam đã xuất siêu được 284 triệu USD. Tiếng là vậy nhưng lợi ích thực sự thu về không đáng kể, nhiều mặt hàng càng xuất càng lỗ.

Xuất siêu “có tiếng không miếng”
Lượng tăng - giá giảm, đồng nghĩa với việc người nông dân phải làm ra một khối lượng sản phẩm lớn hơn mà lợi nhuận thu về không đổi, thậm chí ít hơn - Ảnh: C.N

Lượng ngoại tệ thực thu thấp

Xuất siêu là điều đáng mừng, nhưng đối với tình hình thực tế của Việt Nam hiện nay thì ngược lại vì khối doanh nghiệp (DN) có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) mới chính là “người” xuất siêu, đạt gần 12 tỉ USD, trong khi khu vực kinh tế trong nước vẫn đang nhập siêu 11,7 tỉ USD. Lượng nhập siêu của các DN trong nước năm nay nếu so ra vẫn tăng so với lượng nhập siêu của cả nền kinh tế trong năm 2011: 9,8 tỉ USD.

Theo nhiều chuyên gia, chúng ta đạt được thành tích xuất siêu vì lượng nhập khẩu hàng hóa giảm so với dự kiến do các DN đang gặp khó khăn về đầu ra, tồn kho cao. Trong khi đó, khối các DN FDI năm 2011 cán cân thương mại vẫn còn âm khoảng 1 tỉ USD (xuất 47,87 tỉ USD, nhập 48,84 tỉ USD) thì đến năm nay bất ngờ đảo chiều dương đến gần 12 tỉ USD. Theo Tổng cục Thống kê, trong tổng số 40 mặt hàng xuất khẩu (XK) chủ yếu có đến 29 mặt hàng liên quan đến DN FDI, trong số này có đến 17 mặt hàng DN FDI chiếm từ 60 - 90% tỷ trọng XK. Các DN này tập trung sản xuất ở những ngành công nghiệp nhẹ như: điện tử, máy tính và linh kiện; điện thoại các loại và linh kiện, hàng dệt may, giày dép... Các mặt hàng trên đều thuộc nhóm hàng có tỷ trọng gia công cao. Nghĩa là hiệu quả XK và lượng ngoại tệ thực thu thấp. Đơn cử như ở ngành điện thoại và linh kiện đạt kim ngạch 12,6 tỉ USD, tăng 97,7% và ngành điện tử máy tính đạt 7,9 tỉ USD, tăng 69%. Tổng kim ngạch XK của 2 nhóm hàng này đạt trên 20,5 tỉ USD nhưng đã phải chi mất 13,1 tỉ USD để nhập linh kiện "đầu vào". Như vậy, chúng ta chỉ xuất thực tế có 7,4 tỉ USD. Do phải lệ thuộc vào nguồn nguyên liệu nhập khẩu, hàm lượng giá trị gia tăng thấp, Việt Nam chỉ được hưởng một phần rất nhỏ trong số 7,5 tỉ USD này nhờ số việc làm được tạo ra thông qua gia công, lắp ráp cho họ.

Trong khi đó, những mặt hàng XK là thế mạnh của Việt Nam như nhóm hàng nông lâm thủy hải sản thì chỉ tăng mạnh về lượng còn giá lại giảm. Chúng ta đang gia tăng sản lượng XK để bù đắp vào phần kim ngạch bị thiệt hại do giá giảm, để làm cho các con số trên những bảng báo cáo được “đẹp” hơn.

Càng xuất càng thiệt

Báo cáo tổng kết của Bộ NN-PTNT cho biết, kim ngạch XK các sản phẩm nông lâm thủy sản ước đạt hơn 27,5 tỉ USD, tăng 9,7% so với năm 2011. So với kim ngạch nhập khẩu gần 17 tỉ USD, ngành nông nghiệp đã xuất siêu được 10,6 tỉ USD trong năm 2012. Có 7 mặt hàng đạt kim ngạch trên 1 tỉ USD, gồm: gạo, cà phê, cao su, đồ gỗ, hạt điều, sắn và thủy sản nhưng nếu nhìn vào sự tương quan giữa sản lượng XK và giá cả sẽ thấy chúng ta bị thiệt hại không nhỏ.

Số liệu của Tổng cục Thống kê cho thấy, nhiều nhóm hàng nông sản tăng mạnh về lượng còn giá lại giảm như: sắn và sản phẩm sắn tăng 55,2% về lượng nhưng giá lại giảm 16,8%; cà phê tăng 37,9%, giảm 6,2%; hạt điều tăng 25,6%, giảm 15%; gạo tăng 13,1%, giảm 7,1%; chè tăng 10,4%, giảm 2,2%...

Theo tính toán của Bộ Công thương trong quý 1, nhóm hàng nông lâm thủy sản XK đạt 4,5 tỉ USD, giảm cả về lượng và giá so với cùng kỳ. Riêng do giá XK giảm đã làm kim ngạch XK của nhóm hàng nông sản giảm khoảng 330 triệu USD so với cùng kỳ năm ngoái.

Đến quý 2, lượng XK của hầu hết các mặt hàng trong nhóm này đều tăng (trừ mặt hàng gạo). Một số mặt hàng lượng XK đặc biệt tăng cao như: sắn và các sản phẩm từ sắn, nhân điều, cao su đều tăng trên 40%, đạt 10,4 tỉ USD, tăng 8,4% so với cùng kỳ. Song do giá giảm nên kim ngạch XK đã giảm 916 triệu USD. Chỉ tính riêng quý 2, chúng ta bị mất thêm 586 triệu USD, thiệt hại gần gấp đôi quý 1.

Sang quý 3, cũng do lượng tăng và giá giảm sâu ở nhiều mặt hàng như hạt tiêu giảm 34,4%, hạt điều giảm 18,3%, sắn và các sản phẩm từ sắn giảm 13,6%... khiến thiệt hại về giá gần gấp đôi quý 2 với gần 1 tỉ USD.

Hiện nay, Bộ Công thương vẫn chưa đưa ra báo cáo đánh giá thiệt hại quý 4 trong mối tương quan giữa lượng và giá. Tuy nhiên, trong quý này đa số các mặt hàng thuộc nhóm này đều trong tình trạng lượng tăng cao còn giá giảm sâu như: điều tăng 26,5% về lượng còn giá giảm 19,8%, tương ứng sắn tăng 58,4% giảm 12,3%, cao su tăng 29% giảm 31,4%... thì con số thiệt hại, chắc chắn không nhỏ.

Nhiều ý kiến cho rằng, giá nhiều mặt hàng XK giảm là xu hướng chung của thế giới và chúng ta đẩy mạnh XK để giảm tồn kho. Nhưng trên thực tế nhiều năm qua chúng ta vẫn có thói quen chạy theo số lượng mà xem nhẹ chất lượng - giá trị. Trong khi còn nặng về xuất thô, sơ chế, không có thương hiệu... thì việc chạy theo số lượng sẽ đẩy Việt Nam đến kết quả, càng xuất, càng thiệt.

Giảm thuế xuất để tăng lượng

Đầu năm 2012, lượng than xuất khẩu đạt 2,4 triệu tấn nhưng do giá than XK giảm đã khiến giá trị XK của ngành than giảm 66 triệu USD, theo báo cáo của Bộ Công thương. Đầu tháng 5.2011, Tập đoàn công nghiệp than khoáng sản VN (Vinacomin) đề nghị Thủ tướng giảm mức thuế XK than đá từ 20% xuống còn 0%. Đến đầu tháng 9, Liên bộ Tài chính - Công thương đã đồng loạt xin giảm thuế XK than từ 20% xuống còn 10% để gỡ khó cho ngành than. Cuối tháng 9, Thủ tướng Chính phủ đồng ý giảm thuế như đề xuất.

Kết quả năm 2012, lượng than XK đạt 14,4 triệu tấn. Lượng tồn kho còn tương đối lớn, dự kiến khoảng 7,5 triệu tấn - tăng khoảng 500.000 tấn so với quý 1. Dự kiến năm 2013, Vinacomin sẽ xuất khẩu tới 16 triệu tấn, tăng 1,7 triệu tấn so với 2012. Dẫu biết rằng, theo kế hoạch tới năm 2015 sẽ phải nhập khẩu 6 triệu tấn than, năm 2020 phải nhập tới 36 triệu tấn.

Chí Nhân

>> Nông nghiệp xuất siêu 10,6 tỉ USD
>> CPI và xuất siêu
>> Xuất siêu vào thị trường Mỹ 10 tỉ USD

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.