Đền thờ “ông Chủ”
Đền thờ “ông Chủ” tọa lạc ở số 64 đường Lê Lợi, P.2, TP.Cao Lãnh, Đồng Tháp. Đây là khu vực kinh doanh sầm uất của TP.Cao Lãnh, ngoài đền một chút là ngôi nhà lồng chợ khá quy mô. Xung quanh đền, người mua bán trái cây bày ra chật vỉa hè. Dân địa phương cho biết, ở đây ngày xưa có một chợ trái cây nằm gần mé sông, đến thời chính quyền Ngô Đình Diệm mới dời về gần đền.
Chúng tôi đến thăm vào lúc ngôi đền đang tiến hành trùng tu. Nói trùng tu chứ thật ra là phá bỏ ngôi đền cũ để tôn nền và thay đổi kiến trúc mới với quy mô hoành tráng hơn. Cổng chính ngôi đền được xây dựng từ năm Quý Mão (1963) vẫn giữ nguyên với tấm biển hiệu Đền thờ ông bà Đỗ Công Tường và hai câu đối. Toàn bộ tự khí của ngôi đền được tạm dời sang “nhà khói” để tiếp khách tham quan và cúng tế. Việc bài trí vì vậy có hơi lộn xộn, song vẫn xác định được trong gian thờ ngoài bàn thờ chính thờ ông bà Đỗ Công, còn phối tự thêm bàn thờ Quan Vân Trường và Đức Khổng Tử, nhằm mục đích đề cao Nho học và thỏa mãn đời sống tâm linh của đồng bào Việt gốc Hoa hay người Hoa sinh sống ở địa phương.
|
Phía sau đền, cách một quãng nhà dân chừng vài trăm thước là khu mộ của ông bà Đỗ Công Tường. Nằm trong một khuôn viên rộng rãi, hai ngôi mộ chôn theo nguyên tắc nam tả nữ hữu, được ốp đá hoa cương. Trước nhà mồ có câu đối viết bằng chữ quốc ngữ “Dực bảo trung hưng lưu truyền hậu thế, Đỗ Công chủ thị thế tử hộ dân”. Đường vào mộ, cổng chính cũng được xây lại hồi năm 2001 theo lối cổng tam quan 2 mái.
Ông Huỳnh Văn Bảy, thành viên của Ban Bảo vệ di tích cho biết, hai ngôi mộ ông bà hồi xưa là ngôi mộ nấm đất như những người dân bình thường khác, về sau người ta xây lại bằng xi măng, qua thời gian xuống cấp nên Ban Bảo vệ di tích đã vận động góp tiền trùng tu lại. Cũng theo ông Bảy, đất của ông chủ trước đây rộng lắm. Phía sau đền là khu nghĩa địa, được giải tỏa sau năm 1975, rồi người dân cất nhà lấn chiếm nên không còn lại bao nhiêu. Năm ngoái khi tiến hành khởi công xây dựng lại đền thờ cũng phải tiếp tục đền bù giải tỏa.
Chợ Cao Lãnh
“Mỹ kiểng Câu Đương hữu chí lập thành sanh bửu cuộc/ Trà giang Lãnh thị triêm ân thương mãi nhựt vinh ba”. Câu đối khoán thủ ở đền đã hàm chứa lai lịch, hành trạng của nhân vật được tôn thờ trong đền. Tương truyền vào khoảng năm Đinh Sửu (1817), ông và bà Đỗ Công Tường, người gốc Quảng Nam đã di dân tới lập nghiệp tại thôn Mỹ Trà. Ông Đỗ Công Tường, có tục danh là Lãnh, là người chánh trực, nên được cử giữ chức Câu đương, có nhiệm vụ hòa giải các việc xích mích của người dân địa phương. Sau mấy năm khai phá, ông đã lập được khu vườn trồng quýt rộng lớn. Trong vườn quýt lại có một khoảnh đất rộng, người dân địa phương gom lại thành cái chợ chồm hổm, để mua bán trao đổi sản vật.
Vào mùa hè năm Canh Thìn (1820), dịch tả bộc phát ở Hà Tiên rồi lan tràn khắp các tỉnh Nam kỳ (nhà Nguyễn thống kê có 206.835 người chết và ra lệnh trợ cấp tử tuất). Vì vậy trong dân gian có câu “Năm Thìn năm Tỵ chị chẳng nhìn em”. Vào thời điểm đó tại làng Mỹ Trà dịch bệnh lan quá nhanh, dân chúng chết như rạ, không thuốc nào chữa trị được. Vì vậy cái chợ chồm hổm ở vườn quýt trở nên vắng hoe. Trước cảnh dân chúng tang thương vì dịch bệnh mà không có thuốc chữa chạy, ông bà Đỗ Công Tường động lòng trắc ẩn nên đặt bàn hương án giữa trời, khấn vái xin trời phật cho ông bà chết thế mạng cho dân chúng ở vùng này và nguyện trường trai cầu khấn trời phật phù hộ dân tình thoát khỏi bệnh dịch.
“Ngài thấy vậy đau lòng xót dạ, thiết đàn cầu an ổn nhơn dân; Trời nghe cho trước vợ, sau chồng, muốn tiếng để cho thạnh hòa hương ấp, thời đồng theo đi xuống chốn huỳnh tuyền, đều dị oái mới về miền thạch lập, cơn sóng gió phu thê là nghĩa trọng, đem thân cầu thế từ ít muôn ngàn; cuộc sống tang thương biến cải khó bao nài (Văn tế Chủ thị Đỗ công). Chẳng hiểu sao, qua ngày mùng 9 thì bà lâm bệnh, tắt thở. Ngày hôm sau, ông bất thần chết theo bà. Dân làng xúm lại lo an táng cho hai ông bà cùng một lượt. Sau khi dân chúng chôn cất ông bà xong thì bệnh dịch cũng chấm dứt, người dân được bình phục và trở lại cuộc sống bình thường. Người dân tin rằng lời cầu nguyện rất thành tâm của ông bà Đỗ Công Tường đã được ơn trên chứng giám.
Thế rồi chợ vườn quýt tiếp tục nhóm lại. Tưởng nhớ công đức ông bà Đỗ Công Tường, người dân đặt tên là chợ “Câu Lãnh”, tức chợ của ông “Câu đương” tên “Lãnh”. Lâu dần chữ “Câu” đã được đọc trại ra là “Cao”, từ đó có địa danh Cao Lãnh cho đến ngày nay. Cùng với việc đặt tên chợ, dân chúng đã cùng nhau đóng góp: kẻ góp công, người góp tiền mua vật liệu để lập miếu thờ ở ngay nơi hai ngôi mộ của ông bà làm nơi thờ phượng. “Người dường ấy mà công trạng dường ấy, nay hương thôn cám tưởng tấm lòng vàng”. Đến năm 1936, từ sự vận động của các bô lão địa phương, vua Bảo Đại đã sắc phong ông Đỗ Công Tường danh hiệu “Dực bảo Trung hưng Thành hoàng chi thần”. Đỗ Công chủ thị được tôn làm Thành hoàng Cao Lãnh từ đó.
Hằng năm, vào ngày mùng 9 và mùng 10 tháng 6 âm lịch là ngày vía ông bà Đỗ Công, Ban Quản lý di tích đền cho biết ngày hôm trước tổ chức giỗ bà, hôm sau giỗ ông rồi mới kết thúc, cho nên lễ hội thường kéo dài đến 2 ngày rưỡi.
Đền thờ ông bà Đỗ Công Tường đã được công nhận di tích cấp tỉnh ngày 20.4.2001.
Ngọc Phan - Hoàng Phương
>> Kỳ 20: Đền thờ Dinh ông Đốc Vàng
Bình luận (0)